Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: Căng thẳng trong cuộc sống, công việc, mất việc làm, ly hôn, mất người thân…

Các biểu hiện của mất ngủ có thể là: Ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc mà không ngủ lại được, mất ngủ trắng đêm… Bác sĩ có thể kê đơn thuốc trị mất ngủ trong một hoặc hai tuần và thuốc ngủ chỉ là giải pháp tạm thời để hỗ trợ giấc ngủ.

Theo Hiệp hội về Giấc ngủ Quốc gia Mỹ (Sleep Foundation), các thuốc này cũng có thể được sử dụng để giúp điều trị chứng mất ngủ do lệch múi giờ hoặc một vấn đề tạm thời khác khiến bạn mất ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên trước khi dùng các thuốc trị mất ngủ, người bệnh cần biết về những rủi ro liên quan đến thuốc có thể xảy ra, để biết cách phòng ngừa và tránh lạm dụng thuốc.

6 rủi ro cần biết trước khi uống thuốc trị mất ngủ - Ảnh 1.

Mất ngủ gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

1. Thuốc trị mất ngủ có thể gây quen thuốc, nhờn thuốc

Khi dùng thuốc trị mất ngủ trong một thời gian dài, cơ thể sẽ quen với thuốc. Về cơ bản, người bệnh sẽ cần liều lượng ngày càng cao hơn để có được tác dụng gây buồn ngủ tương tự.

Do đó, không nên sử dụng thuốc ngủ lâu dài. Chỉ dùng khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ, trong tối đa hai tuần. Thuốc nhằm giúp bạn thiết lập lại thói quen ngủ bình thường. Ví dụ, nếu bạn khó ngủ vào thời gian ngủ mong muốn, có thể uống thuốc ngủ để giúp bạn điều chỉnh lịch đi ngủ. Sau đó, bạn nên ngừng dùng thuốc.

2. Hội chứng cai thuốc

Những người đột nhiên ngừng uống thuốc ngủ sau khi thường xuyên sử dụng chúng cũng phải đối mặt với các triệu chứng cai thuốc, bao gồm bồn chồn, lo lắng, run rẩy và buồn nôn…

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ(NIH) cảnh báo, những tác dụng phụ này có thể gây ra một "vòng luẩn quẩn" - nhiều người quay lại dùng thuốc ngủ chỉ để giảm bớt các triệu chứng cai thuốc.

Nếu bạn quá phụ thuộc vào thuốc ngủ, bạn có thể phải trao đổi với bác sĩ để giảm dần liều lượng theo từng bước, không được dừng thuốc đột ngột.

Một số bệnh nhân được kết nối với nhà tâm lý học để trị liệu, nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến chứng mất ngủ hoặc bác sĩ có thể kết nối bạn với chuyên gia về giấc ngủ, để giúp tìm hiểu về vệ sinh giấc ngủ, nhằm cải thiện thói quen đi ngủ.

3. Tương tác bất lợi giữa thuốc trị mất ngủ với các thuốc khác

Điều quan trọng là phải chú ý đến liều lượng khi dùng thuốc ngủ. Vì lý do này, người bệnh cần tránh xa các loại thuốc khác gây buồn ngủ vào buổi tối, khi đang dùng thuốc trị mất ngủ.

Các thuốc này bao gồm: Thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu… có thể có tác dụng an thần.

Điều này cũng bao gồm cả rượu. Không uống rượu khi đang uống thuốc trị mất ngủ, vì việc kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến thở chậm và thậm chí tử vong.

Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc theo toa khác để điều trị một bệnh lý nào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm thuốc ngủ vào quá trình điều trị này.

Người bệnh cũng cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ nào nếu mắc các bệnh về phổi mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD)… vì những loại thuốc này có thể làm bạn thở chậm hơn nữa.

6 rủi ro cần biết trước khi uống thuốc trị mất ngủ - Ảnh 2.

Thuốc trị mất ngủ có thể gây một số rủi ro cho sức khỏe.

4. Buồn ngủ và kém tỉnh táo vào sáng hôm sau

Nhìn chung, thuốc ngủ khiến mọi người cảm thấy buồn ngủ và tinh thần kém minh mẫn vào sáng hôm sau hay còn gọi là hiệu ứng ‘buổi sáng hôm sau’. Những triệu chứng này đặc biệt nghiêm trọng nếu bạn không cho mình thời gian nghỉ ngơi đủ 8 giờ, để loại bỏ tác dụng của thuốc hoặc nếu bạn dùng một liều khác vào giữa đêm. Thuốc trị mất ngủ cũng có thể gây ra các vấn đề như táo bón, khô miệng và khó tiểu…

Do đó, người bệnh nên tuân thủ đơn thuốc được khuyến nghị và tránh dùng liều thứ hai. Hãy đảm bảo rằng bạn dành ít nhất tám giờ nghỉ ngơi để dành cho giấc ngủ, giúp cơ thể có thời gian giải quyết tác dụng của thuốc vào buổi sáng.

5. Hành vi bất thường

Thuốc trị mất ngủ có thể gây một số hành vi bất thường như mộng du, nói mơ, ăn khi ngủ, lái xe khi ngủ… Điều này phổ biến hơn khi tăng liều thuốc.

Đối với các loại thuốc ngủ kê đơn như thuốc ‘Z’, chẳng hạn zaleplon, zolpidem… có tác dụng phụ an thần vào ngày hôm sau, chóng mặt, choáng váng và các vấn đề về trí nhớ. Trong khi thuốc đối kháng orexin như suvorexant có thể gây ra tác dụng phụ như giấc mơ bất thường hoặc buồn ngủ ban ngày quá mức…

Trong một số trường hợp, khi thức dậy, bạn thậm chí sẽ không nhớ lại hành vi bất thường của mình. Đó là vì thuốc ngủ làm suy yếu não bộ, hạn chế khả năng suy nghĩ và trí nhớ… giống như được gây mê và bạn bước ra khỏi cuộc phẫu thuật.

6. Dễ bị té ngã

Những người lớn tuổi sử dụng thuốc ngủ mỗi đêm có nguy cơ té ngã và đối mặt với các chấn thương như gãy xương hông hoặc va đập và bầm tím cao hơn. Đây là mối quan tâm lớn mà người cao tuổi cần cảnh giác, nhưng những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ bị té ngã vào lúc nửa đêm hoặc sáng sớm.

Mọi người đều thực sự buồn ngủ vào lúc nửa đêm và điều này càng tăng cao khi dùng thuốc ngủ. Nếu bạn đứng dậy đi vệ sinh, rất dễ bị vấp, ngã và bị thương…

Theo suckhoedoisong.vn