1. Không kiểm tra lượng đường trong máu trước khi tập luyện

Biết được lượng đường trong máu trước khi bắt đầu tập thể dục là rất quan trọng. Người bệnh đái tháo đường nên tránh tập thể dục nếu mức đường huyết ≥ 250 mg/dL. Lúc này cơ thể có thể xuất hiện tình trạng nhiễm toan ceton (một tình trạng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời). Nếu người bệnh tăng cường vận động trong lúc này, sẽ làm cho tình trạng nhiễm toan ceton càng nặng nề hơn.

Người bệnh đái tháo đường cũng không nên tập thể dục nếu mức đường huyết dưới 100 mg/dL. Với mức đường huyết này, người bệnh cần ăn một bữa nhẹ khoảng 15–20gram carbohydrate để tăng lượng đường trong máu, bao gồm: Nửa cốc nước trái cây, một lát bánh mì nướng với bơ đậu phộng hoặc sữa chua... và đo lại đường máu sau 15 phút.

photo-1688615901942

Người bệnh đái tháo đường nên tìm ra hoạt

2. Không bổ sung đủ nước

Không bổ sung đủ nước cho cơ thể là tình trạng thường gặp khi tập luyện, nhưng nó rất nguy hiểm đối với người bệnh đái tháo đường, vì tình trạng này sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên.

Người bệnh đái tháo đường không nên dùng đồ uống thể thao, chứa nhiều đường, thay vào đó hãy uống nước lọc. Cố gắng uống 100 -150ml sau mỗi 15 đến 20 phút hoặc bất cứ khi nào bạn khát.

3. Quên mang theo carbs

Trong quá trình tập thể dục, người bệnh đái tháo đường cũng có thể bị hạ đường huyết với các biểu hiện: Run rấy, chóng mặt, vã mồ hôi... Nếu không có sẵn carbohydrate (carbs), lúc này sẽ rất nguy hiểm.

Một chút carbs, chẳng hạn như trái cây sấy khô, rất cần thiết, nếu bạn cảm thấy lâng lâng hoặc yếu ớt trong quá trình tập luyện.

4. Đi giày không phù hợp

Những người mắc bệnh đái tháo đường cần đi tất thoáng khí và giày vừa vặn để bảo vệ bàn chân. Nếu chân bị trầy xước, có thể khó chữa lành hơn ở những người bệnh này.

Mang giày vừa vặn không chỉ giúp người bệnh hoạt động thể chất cảm thấy thoải mái, mà còn bảo vệ người bệnh khỏi khả năng bị trầy xước, khó lành.

5. Không tìm được bài tập phù hợp và yêu thích

Sai lầm lớn nhất khi tập thể dục đối với người bệnh đái tháo đường là không tìm được bài tập yêu thích, phù hợp. Do đó, một số người cảm thấy khó bắt đầu tập thể dục và tập thể dục thực sự không phải là điều họ mong đợi.

Mục tiêu là tìm một hoạt động mà người bệnh yêu thích. Vì vậy, người bệnh hãy thử trải nghiệm các hình thức tập luyện, ví dụ như thử tập zumba tại phòng tập hoặc đi bộ cùng với bạn trong 30 phút mỗi sáng… để tìm cho mình một hoạt động để gắn bó.

Kết hợp việc tập thể dục thường xuyên với chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn.

6. Không lắng nghe cơ thể

Bất kể bạn có bị đái tháo đường hay không, trong quá trình tập luyện cần biết lắng nghe cơ thể mình. Không nên tập quá sức. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, hãy dừng lại, hồi phục và bắt đầu lại khi bạn cảm thấy sức khỏe tốt hơn.

photo-1688615903184

Mang giày phù hợp là rất quan trọng khi bạn tập thể dục và kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) khuyến nghị: Người bệnh đái tháo đường nên tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm căng thẳng, cải thiện huyết áp, cholesterol, đồng thời ổn định lượng đường trong máu và nhiều lợi ích khác.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) cũng đề xuất, nên tập thể dục ở cường độ vừa phải trong ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc ở cường độ mạnh trong ít nhất 75 phút mỗi tuần.

Theo ADA, tập thể dục cường độ vừa phải nghĩa là chúng ta có thể nói nhưng không thể hát khi di chuyển, trong khi tập thể dục cường độ mạnh liên quan đến việc thở gấp và không thể nói nhiều hơn một vài từ, trước khi nghỉ giải lao. Nếu bạn không thể đáp ứng các yêu cầu này, bạn vẫn nên tập thể dục nhiều nhất có thể và tránh lười vận động.

 
Theo suckhoedoisong.vn