Mất ngủ mạn tính là triệu chứng mất ngủ trầm trọng, lâu ngày còn có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường. Nhiều người cho rằng mất ngủ chỉ gây mệt mỏi làm việc không hiệu quả… tuy nhiên chưa hẳn đúng vì mất ngủ kéo dài còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

Một số bệnh lý do mất ngủ kéo dài

  • Tăng nguy cơ đột quỵ

Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở những người cao tuổi, huyết áp cao hay mang trong mình bệnh lý tim mạch. Nhưng đột quỵ còn xảy ra ở những người trẻ tuổi bị khó ngủ thường xuyên. Với những đối tượng này, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 9 lần so với những người bình thường.

  • Gây hại cho da, già nua nhanh chóng

Khi bị thiếu ngủ, mất ngủ sẽ gây hại cho làn da. Theo nghiên cứu nếu mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài hoặc đơn thuần chỉ từ 2 ngày trở lên sẽ gây làn da sẽ trở nên xấu xí, già nua, kém mịn màng. Nguyên nhân bởi lúc này cơ thể tăng tiết hormone cortisol, làm cho các sợi collagen và elastin bị đứt gãy. Từ đó gây ra hiện tượng da sạm nám, già nua nhanh chóng.

  • Nguy cơ béo phì

Nhiều người cho rằng khó ngủ, thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể gầy gò, ốm yếu. Điều này chưa chính xác. Mất ngủ thường xuyên, lâu ngày sẽ khiến cơ thể sản sinh ra các loại hormone gây cảm giác thèm ăn. Vì vậy, rất nhiều người bệnh cũng thường mắc chứng béo phì.

    6 tác hại của mất ngủ, muốn ngủ ngon cần tránh 5 loại thực phẩm này- Ảnh 1.
     

    Mất ngủ kéo dài còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Mất ngủ, khó ngủ thường xuyên sẽ khiến cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng. Lúc này, cơ thể phải làm việc với công suất lớn hơn gấp nhiều lần, tạo nên áp lực cho tim, dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Trằn trọc khó ngủ thường xuyên vì thế khiến người bệnh có nguy cơ tử vong do tim và các bệnh lý tim mạch lên gấp đôi so với những người khác.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh teo não

Các nghiên cứu cho thấy mất ngủ, khó ngủ kéo dài sẽ gây hại cho não. Các nhà khoa học cho rằng mất ngủ có tới 25/100 người sẽ phải đối mặt với bệnh lý teo não cực kì nguy hiểm này.

  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư

Việc thiếu ngủ thường xuyên sẽ khiến cơ thể phải chịu áp lực, mệt mỏi. Các tế bào ung thư vì vậy có cơ hội phát triển. Nghiên cứu cho thấy nhiều bệnh nhân khi mắc ung thư được hỏi đều mất ngủ, khó ngủ kéo dài. Một nghiên cứu ghi nhận có tới 95% bệnh nhân mắc ung thư vú gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ thường xuyên trước khi phát hiện bệnh.

Để tránh mất ngủ cần lưu ý?

Có nhiều nguyên nhân góp phần gây ra chứng mất ngủ, trong đó có thể kể đến thói quen sinh hoạt, thay đổi môi trường sống, thay đổi của cơ thể... Các loại thực phẩm chúng ta ăn cũng góp phần gây ra chứng mất ngủ ở một cấp độ nào đó.

Nếu bị mất ngủ mà chưa rõ nguyên nhân, trước tiên hãy tránh các loại thực phẩm sau để cải thiện giấc ngủ một cách tốt nhất.

  • Thức ăn cay

Ăn thức ăn cay quá nhiều có thể dẫn đến sự khó chịu đường tiêu hóa - đây là một nguyên nhân hàng đầu của bệnh mất ngủ. Nếu đang bị trào ngược axit, càng không nên ăn thức ăn cay vào ban đêm để tránh sự khó chịu trong dạ dày sẽ gây tình trạng khó ngủ, mất ngủ.

  • Thức ăn chế biến sẵn

Một số loại thức ăn chế biến sẵn trong đó phải kể đến thịt chế biến như xúc xích, thịt hun khói, thịt đóng hộp... có chứa tyrosine - một chất làm tăng hoạt động não bộ vào ban đêm khiến cho não khó điều chỉnh cơ thể đi vào giấc ngủ. 

Ngoài ra, thịt chế biến là những món ăn không lành mạnh nếu ăn nhiều có thể dẫn đến các vấn đề dạ dày. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh ăn các thực phẩm này để hạn chế những rắc rối cho dạ dày và giấc ngủ.

  • Thức ăn ngọt nhiều đường

Thực phẩm có nhiều đường như bánh ngọt, sôcôla và các loại bánh kẹo có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Điều này có thể tăng năng lượng nhưng lượng đường trong cơ thể quá cao lại khiến cơ thể phải hoạt động nhiều để chuyển hóa chúng, não cũng phải hoạt động liên tục. Khi toàn bộ cơ quan trong cơ thể không được nghỉ ngơi thì cũng khó đi vào giấc ngủ.

    6 tác hại của mất ngủ, muốn ngủ ngon cần tránh 5 loại thực phẩm này- Ảnh 2.

    Không nên ăn đồ ngọt nhiều vào buổi tối tránh mất ngủ.

  • Thực phẩm nhiều dầu, mỡ

Trên thực tế, xã hội hiện đại nhiều các loại thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều dầu mỡ như: ngô khoai chiên, bánh khoai, ngô, gà rán, thức ăn xào nhiều dầu mỡ... được nhiều người lựa chọn. Nhưng nếu ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, đặc biệt ăn vào buổi tối, gần giờ đi ngủ sẽ khiến khó ngủ vì hệ tiêu hóa phải làm việc căng thẳng hơn về đêm trong khi lẽ ra các cơ quan này phải được nghỉ ngơi.

  • Thức uống có caffeine

Các loại thức uống có caffeine như cà phê, trà, nước ngọt có ga... được coi là các chất kích thích. Khi tiêu thụ các thực phẩm này, chất caffeine ngấm vào máu trong cơ thể và kích thích hệ thần kinh khiến bạn tỉnh táo hơn. Vì vậy, nếu muốn tỉnh táo vào ban ngày, có thể uống các thức uống này nhưng để tránh mất ngủ về đêm, tránh uống chúng nhất là buổi chiều để tránh mất ngủ.

Ngoài ra, để có giấc ngủ ngon cần chọn chất liệu chăn ga, gối, đệm phù hợp với sở thích loại, tạo sự thoải mái và thư giãn. Chọn loại gối cao vừa phải phù hợp với cột sống. Phòng ngủ không quá sáng vì có thể kích thích mắt khiến bạn khó ngủ. Đảm bảo yên tĩnh, nhiệt độ phòng ngủ thích hợp. Đi ngủ và thức dậy vào thời gian cố định để ổn định đồng hồ sinh học. Không ngủ trưa quá lâu… giúp tối ngủ ngon hơn.

Theo suckhoedoisong.vn