Nguyên nhân gây bệnh thận
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thận, đa số mọi người đều không biết bản thân mắc bệnh thận hoặc nhận ra các dấu hiệu sớm của bệnh. Nguyên nhân là do các dấu hiệu của bệnh khá mờ nhạt và phải mất nhiều năm thận mạn tính mới chuyển sang giai đoạn suy thận.
Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh thận cấp tính bao gồm:
- Thận không được cung cấp lưu lượng máu cần thiết;
- Nước tiểu bị tích tụ trong thận;
- Chấn thương gây mất nhiều máu hoặc gây tổn thương trực tiếp đến cơ quan thận;
- Cơ thể bị mất nước hoặc mô cơ bị phá hủy dẫn đến tình trạng rò rỉ nhiều protein độc hại trong thận;
- Cơ thể có tình trạng nhiễm trùng huyết.
Một số biến chứng của các bệnh tự miễn, bệnh suy tim, suy gan hoặc biến chứng của quá trình mang thai, chẳng hạn như sản giật và tiền sản giật… dẫn đến bệnh thận cấp.
Đối với bệnh thận mạn tính nguyên nhân thường do các bệnh lý như:
- Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp;
- Bệnh lý về hệ thống miễn dịch;
- Bệnh lý do virus, chẳng hạn như HIV, viêm gan B và viêm gan C;
- Bệnh viêm bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu trong thận;
- Bệnh viêm tiểu cầu thận;
- Bệnh thận đa nang…
Một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh thận, điển hình như lupus ban đỏ, gout, suy gan, suy tim… cũng có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính.
Yếu tố nguy cơ nào dẫn đến bệnh thận?
Nhiều người cho rằng bản thân không mắc bệnh lý mạn tính, không biết nguyên nhân nào dẫn đến bệnh thận. Thực tế cho thấy, trong sinh hoạt, lối sống… có yếu tố rủi ro tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh thận. Trong đó phải kể đến các yếu tố sau:
- Lạm dụng rượu bia, nước ngọt
Việc lạm dụng rượu bia, uống nhiều nước ngọt,… dẫn đến tổn thương thận. Vì nồng độ cồn trong bia rượu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng lọc máu của thận. Việc lạm dụng bia rượu sẽ tạo điều kiện cho acid uric ứ đọng trong cơ thể khiến cho ống thận bị tắc nghẽn, dẫn đến nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm về thận.
Tương tự, uống nhiều nước ngọt có nhiều đường sẽ làm gia tăng nguy cơ bị béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận. Hiện nay, các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có gas phổ biến thường chứa nhiều axit và độ pH cao. Do đó, uống nhiều các loại nước ngọt trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh lý về thận.
- Thói quen nhịn tiểu, ngại uống nước
Nhiều người có thói quen nhịn tiểu và ngại uống nước nhất là vào mùa lạnh có nguy cơ mắc các bệnh lý về thận (đặc biệt là sỏi thận) cao hơn người khác. Bởi vì, nhịn tiểu lâu dài sẽ tạo áp lực cho thận và uống quá ít nước sẽ khiến nước tiểu đậm đặc. Khi đó, thận bị lắng đọng nhiều độc tố dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng thận.
- Do thuốc
Do một số bệnh tật phải dùng thuốc kéo dài gây hại thận bởi thận là cơ quan thải trừ thuốc, có những thuốc thải trừ chủ yếu qua gan, có những thuốc lại thải trừ chủ yếu qua thận. Việc lạm dụng thuốc sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho thận. Một số loại thuốc có thể làm tổn thương thận nếu lạm dụng điển hình như thuốc kháng lao, thuốc kháng sinh Aminoglycoside, thuốc không rõ nguồn gốc,…
- Tình trạng dư cân, béo phì
Người bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, đái tháo đường dẫn đến nhiều bệnh lý về thận. Theo nghiên cứu, người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mạn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần người bình thường.
Nói đơn giản hơn, khi cân nặng tăng đồng nghĩa với thận của bạn sẽ hoạt động nhiều hơn. Béo phì gây ra trực tiếp những thay đổi về áp lực lọc và áp lực máu tại thận, tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mạn tính, suy thận giai đoạn cuối. Với người mắc bệnh thận mạn tính chưa lọc máu, tình trạng thừa cân, béo phì cũng làm tăng tiến triển bệnh.
- Thói quen ăn mặn, thừa chất đạm
Một chế độ ăn uống nhiều muối, dư thừa chất đạm sẽ làm nước tiểu giảm độ pH, kích thích sự bài tiết cystine và canxi dẫn đến hình thành sỏi và nhiều tổn thương khác tại cơ quan thận.
Ăn nhiều muối ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Muối là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ và làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim... Cụ thể, ăn nhiều muối khiến cơ thể buộc phải thu nạp nhiều nước hơn, tích tụ nước dẫn đến tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, thận phải làm việc nhiều để lọc máu. Một nghiên cứu cho thấy ăn nhiều natri và kali có thể làm cho bệnh thận mạn tính trở nên tồi tệ hơn.
- Bỏ ăn sáng thường xuyên
Nhiều người thường xuyên không ăn sáng điều này ảnh hưởng đến thận. Buổi sáng là thời điểm túi mật trong cơ thể bắt đầu hoạt động bài tiết dịch để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, thói quen bỏ bữa ăn sáng gây tích tụ nhiều dịch mật trong cơ thể, tạo điều kiện hình thành sỏi thận, sỏi mật. Lâu dần sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm về thận.
Ngoài ra, tuổi cao cũng là nguy cơ dẫn đến bệnh thận bởi kích thước của thận sẽ giảm dần đi. Lúc này chức năng thận sẽ suy yếu đáng kể. Do đó, người cao tuổi thường có nguy cơ mắc phải các bệnh lý về thận cao hơn người trẻ tuổi.
Tóm lại: Để phòng ngừa bệnh thận cần kiểm soát tốt các bệnh mạn tính, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường máu và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu. Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu… nếu có.
Ngoài ra, cần hạn chế rượu, bia, nước ngọt. Ăn ít muối, ít chất béo, và các thực phẩm có lợi như: cá, rau, củ, quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng… Cần uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết, tập thể dục đều đặn.
Đặc biệt không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của y bác sĩ và cần khám bác sĩ chuyên khoa thận để được được tư vấn và điều trị.
|