leftcenterrightdel
 Trước khi ngủ là khoảng thời gian cả hai có thể dành để tâm sự hay âu yếm để tăng tình cảm. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Thói quen trước khi đi ngủ đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ bởi chúng ảnh hưởng đáng kể đến độ thân mật, cả về thể chất và tinh thần, của các đôi yêu nhau.

Theo Ruchi Ruuh, cố vấn về mối quan hệ ở Delhi (Ấn Độ), sự gần gũi về mặt thể xác, như âu yếm hoặc nắm tay, có thể giải phóng oxytocin, hormone gắn kết/tình yêu, giúp cải thiện mối quan hệ nói chung. Bà cũng lưu ý rằng ngủ cùng giờ có thể giúp các đôi cảm thấy thư giãn hơn vào ngày hôm sau.

Trong khi đó, Mimansa Singh Tanwar, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện nghiên cứu Fortis Memorial (Ấn Độ), cho biết tâm sự trước khi đi ngủ giúp đôi bên thấu hiểu và tin tưởng nhau hơn.

Austin Fernandes, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Dr LH Hiranandani (Ấn Độ), cũng cảm thấy rằng việc xây dựng những thói quen trước khi đi ngủ tích cực rất hữu ích trong tình yêu vì chúng giúp cả hai kết nối sâu sắc hơn.

Ngược lại, những thói quen tiêu cực dễ dẫn đến hiểu lầm, cảm giác bị bỏ rơi và xa lánh, theo India Today.

Lướt mạng, làm việc trên giường

leftcenterrightdel
 Làm việc liên tục hay mải lướt điện thoải có thể làm giảm kết nối với người yêu. Ảnh minh họa:saad alawi/Pexels.

"Xem TV, lướt mạng xã hội hoặc làm việc ngay cả khi đã lên giường ngủ có thể tạo ra rào cản cho giao tiếp và sự thân mật giữa bạn và người yêu.

Ánh sáng xanh từ màn hình cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến mọi người dễ trở nên cáu kỉnh và nóng nảy", Neerja Agarwal, nhà tâm lý học kiêm đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp về sức khỏe tâm thần Emoneeds (Ấn Độ), cho hay.

Giấc ngủ khác biệt

leftcenterrightdel
Ngủ trái giấc nhau có thể khiến mối quan hệ trở nên xa cách. Ảnh minh họa:Ketut Subiyanto/Pexels. 

Một số đôi yêu nhau có thời gian ngủ nghỉ khác biệt. Một người có thể thích đi ngủ sớm trong khi người kia thường thức đến tận khuya.

Nhà tâm lý học Tanwar cho hay nếu điều này trở thành một thói quen thường xuyên, đôi bên có thể bỏ lỡ một khoảng thời gian ít bị phân tâm bên nhau.

Theo đó, họ khó có được những cuộc trò chuyện cởi mở hay những cái ôm và âu yếm, vốn là những yếu tố cần thiết để duy trì tình cảm trong mối quan hệ.

Ngủ riêng

leftcenterrightdel
 Ngủ riêng không phải lúc nào cũng có lợi cho mối quan hệ. Ảnh minh họa:Chanita Sykes/Pexels.

Dù ngủ ở không gian riêng phù hợp khi đối phương ngáy ngủ hoặc có sở thích ngủ khác nhau, điều này có thể làm giảm cơ hội gần gũi về thể chất và tinh thần của cả hai.

Đối với những người đã có con, việc họ thay phiên hoặc một trong hai người sẽ ru con ngủ là khá phổ biến. Tuy nhiên, điều này làm một số đôi có thể hình thành thói quen ngủ riêng, thường là ngủ gật trong lúc dỗ con đi ngủ. Dù một vài người có thể sửa lại thói quen ngủ của mình, những người khác gặp khó khăn hơn, thậm chí có thể mất vài năm để cải thiện tình hình.

Tanwar nói thêm: "Ngủ riêng không chỉ làm giảm sự gần gũi về mặt tình cảm mà còn khiến chúng ta khó thích nghi trở lại với không gian chung, ảnh hưởng đến sự gần gũi về mặt thể chất".

Từ chối thân mật, vệ sinh kém

leftcenterrightdel
 Tiếp xúc thân mật trước khi ngủ giúp đôi bên tăng tình cảm hiệu quả. Ảnh minh họa:Ron Lach/Pexels.

Theo nhà tâm lý học Neerja Agarwal, né tránh tiếp xúc cơ thể như âu yếm, ôm ấp hoặc thậm chí là hôn chúc ngủ ngon khiến các đôi thiếu đi yếu tố thân mật thể xác, vốn thiết yếu đối với một mối quan hệ lành mạnh.

Cố vấn viên Ruchi Ruuh cũng cảm thấy rằng việc bỏ bê chăm chút tình cảm và sự thân mật dễ làm người yêu trở nên xa cách và tiêu cực.

Điều này cũng làm gia tăng cảm giác thiếu tin tưởng hoặc không được yêu thương.

Các chuyên gia đều cho rằng vệ sinh cá nhân kém có thể khiến nửa kia mất hứng thú, thậm chí xa lánh.

Theo đó, giữ gìn cơ thể và không gian chung sạch sẽ, thơm tho là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ bền vững.

Ôm tâm trạng xấu đi ngủ

leftcenterrightdel
 Tâm trạng tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ. Ảnh minh họa:cottonbro studio/Pexels.

Tranh cãi trước khi đi ngủ không phải là chuyện quá xa lạ trong yêu đương. Tuy nhiên, vào giấc trong tâm trạng buồn bã, tức giận hoặc thất vọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của cả hai.

Nhà tâm lý học Tanwar nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra liệu mọi người có thể dễ dàng buông bỏ khúc mắc và thức dậy với cảm giác sảng khoái hay không.

Hay mọi người có xu hướng tiếp tục ôm những cảm xúc tiêu cực vào ngày hôm sau. Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể tìm được phương án giải quyết phù hợp mỗi khi gặp xung đột trong phòng ngủ.

Giao tiếp kém

leftcenterrightdel
 Giao tiếp hiệu quả về thói quen, sở thích giấc ngủ giúp duy trì mối quan hệ lành mạnh. Ảnh minh họa:Timur Weber/Pexels.

Không chia sẻ, tâm sự cởi mở trước khi đi ngủ có thể dẫn đến cảm giác mất kết nối giữa những đôi yêu nhau.

Theo bác sĩ Austin Fernandes, đây là một trong những vấn đề phổ biến nhất trong tình yêu vì việc né tránh giao tiếp có thể khiến mối quan hệ trở nên xa cách.

Ngoài ra, phớt lờ thói quen hay sở thích liên quan đến giấc ngủ của người yêu có thể gây ra bất hòa giữa hai bên.

Chẳng hạn, tiếp tục làm việc ngay cả khi đã lên giường có thể làm gián đoạn giấc ngủ của nửa kia hay phá vỡ bầu không khí thư giãn và thân mật giữa đôi bên.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, "sleep divorse" (ly hôn giấc ngủ hay ngủ riêng) thực sự có thể cải thiện mối quan hệ.

Theo lifestyle.znews