1. Bệnh tim mạch do lão hóa
Tim là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, có chức năng bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể để duy trì sự sống.
Tuy nhiên, lão hóa có thể gây ra những thay đổi trong tim và mạch máu như tăng huyết áp, cholesterol cao… làm tăng nguy cơ đột quỵ hay mắc bệnh tim mạn tính.
Hơn nữa, những dấu hiệu nhận biết bệnh không phải lúc não cũng rõ rệt nên dễ bị bỏ qua.
Biện pháp phòng ngừa:
- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa như bánh quy ngọt, khoai tây chiên, pizza, bánh gato...
- Cắt giảm rượu hoặc loại bỏ hoàn toàn và bỏ thuốc lá.
- Tập thể dục ít nhất 20-30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế ăn muối hàng ngày để giảm tiêu thụ natri.
2. Bệnh đái tháo đường
Lượng đường trong máu cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến sức khỏe và cũng có thể dẫn đến bệnh thận, bệnh tim… Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng lên khi cơ thể già đi. Trên thực tế, người lớn từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn người trẻ tuổi.
Các cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường bao gồm:
- Tránh lối sống ít vận động và duy trì hoạt động thường ngày.
- Giảm lượng carb và chất béo không lành mạnh trong chế độ ăn.
- Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.
- Uống thuốc đầy đủ theo lời khuyên của bác sĩ.
Duy trì hoạt động thể chất giúp kiểm soát các bệnh thường gặp khi cơ thể lão hóa.
3. Mất nước
Việc thiếu chất lỏng trong cơ thể có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt khi cơ thể ngày càng lão hóa do liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, mất cân bằng điện giải…
Cách phòng ngừa và kiểm soát tình trạng mất nước:
- Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Những người bị suy tim cần thận trọng khi uống quá nhiều nước và tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng nước thích hợp.
- Hạn chế tiêu thụ rượu và đồ uống có chứa caffein
- Ăn nhiều trái cây, uống trà thảo dược…
4. Táo bón mạn tính
Đây là tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi và có thể không gây nguy hiểm ngay đến sức khỏe, nhưng khi trở nên thường xuyên và nghiêm trọng có thể dẫn đến các vấn đề khác như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và đau dạ dày. Nguyên nhân chính gây táo bón có thể đơn giản là do thiếu hoạt động thể chất và chất xơ trong chế độ ăn uống.
Cách phòng ngừa và kiểm soát táo bón:
- Tăng cường trái cây và rau lá xanh trong chế độ ăn.
- Uống đủ nước.
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì nhu động ruột khỏe mạnh.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia nếu việc thay đổi lối sống không cải thiện tình trạng táo bón.
Uống đủ nước giúp phòng ngừa nguy cơ mất nước và bệnh táo bón khi cơ thể già đi.
5. Tình trạng liên quan đến sức khỏe tâm thần
Tương tự như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần có xu hướng xấu đi theo tuổi tác. Điều này giải thích khá rõ tại sao khoảng 15% số người từ 60 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi ít nhất một tình trạng sức khỏe tâm thần. Người cao tuổi có khả năng mắc bệnh Alzheimer, trầm cảm và lo lắng.
Các cách để đối phó với hầu hết các vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm:
- Luôn kết nối với hàng xóm, gia đình và bạn bè...
- Nuôi thú cưng.
- Chọn một sở thích mới như làm vườn, đan lát, làm đồ gốm…
- Viết nhật ký…
Làm vườn là một biện pháp được khuyến khích để nâng cao tâm trạng.
6. Các bệnh liên quan đến xương khớp
Các tình trạng như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và đau cơ thường gặp ở người cao tuổi. Trên thực tế, bệnh viêm khớp ảnh hưởng đến gần một nửa số người từ 65 tuổi trở lên.
Hơn nữa, các rối loạn liên quan đến xương và khớp có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống vì chúng ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động hàng ngày.
Biện pháp phòng ngừa:
- Tham gia các hoạt động thể chất trong phạm vi chuyển động cho phép.
- Tiêu thụ thực phẩm giàu calci và vitamin D cũng như các loại thực phẩm chống viêm khác nhau trong chế độ ăn hàng ngày như các loại hạt, hạt, cá béo như cá hồi…
- Khám sức khỏe định kỳ
- Cảnh giác với nguy cơ té ngã trong phòng tắm hay vấp phải đồ đạc trong nhà…
Theo suckhoedoisong.vn