1. Sự cân bằng pH đánh giá sức khỏe của âm đạo
Âm đạo là một ống cơ khép kín kéo dài từ âm hộ (lỗ mở của vùng sinh dục nữ) đến cổ tử cung và còn được gọi là ống sinh, nối cổ tử cung qua tử cung. Sau khi đủ tháng đủ ngày, thai nhi sẽ di chuyển và được đưa ra ngoài thông qua đường ống sinh. Âm đạo tự nhiên có độ pH acid từ 3,8-4,5, bao gồm một lượng lớn vi khuẩn có lợi có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và được bôi trơn tự nhiên. Đây là mức pH âm đạo bình thường và là một chỉ số quan trọng để đánh giá âm đạo có đang khỏe mạnh không.
Theo ThS.BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Nồng độ pH là nồng độ ion H+ ở trong một môi trường nhất định. Nồng độ pH quy định hằng định nội môi trong cơ thể mang tính acid hay bazơ.
BS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, bất cứ khi nào môi trường âm đạo vượt qua mức 3,8-4,5 thì các vi khuẩn xấu tồn tại sẵn trong âm đạo sẽ phát triển. Khi mất cân bằng pH thì vi khuẩn có lợi không sinh sôi được và mất acid lactic.
|
|
Mức độ pH âm đạo đóng một phần quan trọng trong việc xác định xem âm đạo có khỏe mạnh hay không. |
Độ pH âm đạo mất cân bằng dễ dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và các vấn đề sức khỏe khác. Mặc dù sự mất cân bằng âm đạo thường không có triệu chứng nhưng cân bằng pH âm đạo có thể bị mất nếu đang gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng thông thường.
Một âm đạo khỏe mạnh thường tiết ra một lượng dịch tiết tối thiểu, đây là phản ứng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu phụ nữ gặp bất kỳ thay đổi nào về mùi, màu sắc và cảm giác khó chịu ở âm đạo, đau vùng chậu hoặc kích ứng âm hộ, ngứa hoặc rát thì cần phải được xử lý ngay lập tức.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo
Những vấn đề về âm đạo có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và ham muốn tình dục. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo bao gồm:
Quan hệ tình dục không an toàn
Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, trong khi quan hệ tình dục thô bạo hoặc chấn thương vùng chậu có nguy cơ dẫn đến chấn thương âm đạo.
Một số tình trạng bệnh lý nhất định ảnh hưởng tới âm đạo
Các vấn đề sức khỏe như lạc nội mạc tử cung và bệnh viêm vùng chậu có thể gây đau khi quan hệ tình dục. Sẹo do phẫu thuật vùng chậu và một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây đau khi quan hệ tình dục.
Các sản phẩm tránh thai và vệ sinh phụ nữ
Một số biện pháp tránh thai bảo vệ như bao cao su, màng ngăn và thuốc diệt tinh trùng có thể gây kích ứng âm đạo. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc xịt, chất khử mùi hoặc thuốc thụt rửa vệ sinh có thể làm mất cân bằng pH âm đạo gây viêm nhiễm hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm hiện tại.
Mang thai và sinh con
Trong thời kỳ mang thai, khí hư âm đạo thường tăng lên. Rách âm đạo là tình trạng phổ biến trong quá trình sinh nở và sinh thường cũng có thể làm giảm trương lực cơ ở âm đạo.
Các vấn đề về tâm lý
Lo lắng và trầm cảm có thể dẫn đến mức độ kích thích thấp và khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Thay đổi hormone
Bất kỳ thay đổi nào về mức độ hormone đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo. Ví dụ, sản xuất estrogen giảm sau thời kỳ mãn kinh và trong thời kỳ cho con bú, có thể khiến niêm mạc âm đạo mỏng đi khiến quan hệ tình dục trở nên đau đớn.
Bất kỳ vấn đề nào ở âm đạo cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, ham muốn tình dục và khả năng đạt cực khoái. Một rối loạn âm đạo kéo dài có thể khiến phụ nữ chịu căng thẳng rất lớn, cản trở mối quan hệ và làm mất đi sự tự tin của chị em.
3. Cách để biết âm đạo khỏe mạnh hay không?
BS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết: Trong âm đạo có những vi khuẩn có lợi giúp chuyển hóa glycogen thành acid lactic làm cho môi trường âm đạo luôn giữ được tính acid. Môi trường âm đạo khỏe mạnh sẽ chống lại viêm nhiễm rất tốt.
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng mất cân bằng pH âm đạo, dưới đây là những việc nên làm:
Tiến hành kiểm tra độ pH: Có thể mua một bộ dụng cụ tại nhà để kiểm tra độ pH âm đạo của mình. Những bộ dụng cụ này đi kèm với giấy đặc biệt để đưa vào âm đạo trong một thời gian ngắn và một biểu đồ màu. Giấy này thay đổi màu sắc dựa trên độ pH âm đạo.
Tuy nhiên xét nghiệm sẽ không cho biết bạn có thể bị nhiễm trùng cụ thể nào. Độ pH âm đạo của bạn cũng có thể thay đổi ngay cả khi bạn không bị nhiễm trùng.
Gặp bác sĩ: Bác sĩ có thể chẩn đoán những bệnh nhiễm trùng có liên quan đến pH âm đạo khi hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng và kiểm tra, thăm khám âm đạo hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán tình trạng. Bác sĩ sẽ tư vấn, kê đơn thuốc và chỉ định các phương pháp điều trị khác để giảm bớt các triệu chứng.
Theo suckhoedoisong.vn