Dưới đây là bảy bệnh thường liên quan đến bệnh hen suyễn:
1. Viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô) liên quan đến hen suyễn
Viêm mũi dị ứng là bạn đồng hành phổ biến của bệnh hen suyễn. Cả hai tình trạng này đều có những con đường gây viêm cơ bản và các tác nhân kích thích từ môi trường tương tự nhau, như phấn hoa, mạt bụi và lông thú cưng.
Kiểm soát viêm mũi dị ứng cùng với bệnh hen suyễn là cần thiết để kiểm soát triệu chứng một cách toàn diện.
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Mặc dù hen suyễn và COPD là những bệnh riêng biệt nhưng chúng có thể chồng chéo lên nhau, đặc biệt ở người lớn tuổi mắc bệnh hen suyễn lâu năm.
COPD được đặc trưng bởi sự hạn chế luồng không khí tiến triển, thường xuất phát từ việc hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất kích thích phổi. Hen suyễn và COPD cùng tồn tại, được gọi là hội chứng chồng chéo hen-COPD (ACOS), đặt ra những thách thức đặc biệt trong chẩn đoán và điều trị.
Hen suyễn thường tồn tại cùng với các bệnh khác, làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn…
3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Hen suyễn và GERD thường xảy ra cùng nhau. Trào ngược gây ra các triệu chứng hen suyễn hoặc làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn hiện có. Trào ngược axit từ dạ dày có thể gây kích ứng đường hô hấp, dẫn đến co thắt phế quản và ho.
Quản lý GERD thông qua điều chỉnh lối sống và dùng thuốc có thể giúp cải thiện đáng kể việc kiểm soát bệnh hen suyễn.
4. Béo phì
Béo phì là một yếu tố nguy cơ rõ ràng đối với bệnh hen suyễn, vì trọng lượng cơ thể dư thừa có thể góp phần gây viêm và chèn ép cơ học đường thở. Bệnh hen suyễn nặng hơn và khó kiểm soát hơn ở những người béo phì. Các chiến lược quản lý cân nặng, như chế độ ăn kiêng và tập thể dục, là những thành phần thiết yếu trong việc chăm sóc bệnh hen suyễn cho những đối tượng này.
5. Viêm xoang
Viêm xoang mạn tính - tình trạng viêm xoang kéo dài ít nhất 12 tuần, thường tồn tại đồng thời với bệnh hen suyễn. Viêm xoang có cơ chế viêm tương tự với bệnh hen suyễn và nhiễm trùng xoang có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Điều trị viêm xoang bằng thuốc hoặc trong trường hợp nặng cần phẫu thuật để cải thiện việc kiểm soát hen suyễn.
6. Chứng ngưng thở khi ngủ
Bệnh hen suyễn và chứng ngưng thở khi ngủ có mối quan hệ hai chiều. Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn được đặc trưng bởi sự ngừng thở trong khi ngủ. Bệnh hen suyễn có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ, trong khi chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các cơn hen suyễn về đêm.
Xác định và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ là cần thiết để tối ưu hóa việc kiểm soát bệnh hen suyễn và sức khỏe tổng thể.
7. Lo lắng và trầm cảm
Bệnh hen suyễn có liên quan đến tỷ lệ lo lắng và trầm cảm cao hơn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc tuân thủ điều trị và kết quả bệnh. Căng thẳng tâm lý cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn thông qua con đường thần kinh nội tiết. Việc tích hợp hỗ trợ sức khỏe tâm thần vào chăm sóc bệnh hen suyễn là rất quan trọng để giải quyết các bệnh đi kèm này, cải thiện sức khỏe tổng thể.
Hen suyễn thường tồn tại cùng với nhiều bệnh khác, có thể làm phức tạp việc điều trị và làm kết quả xấu đi. Việc xác định và giải quyết các bệnh đi kèm này là quan trọng để chăm sóc hen toàn diện, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp điều trị đa ngành đối với căn bệnh này.
Theo suckhoedoisong.vn