Một trong những chấn thương hàng đầu trong thể thao là căng cơ. Hiện nay có quan niệm sai lầm là chỉ những hoạt động quá sức hay cường độ mạnh mới dẫn đến căng cơ quá mức. Tuy nhiên theo một số tài liệu y khoa, việc căng cơ thậm chí có thể xảy ra khi đi bộ hoặc khi: trượt chân, nhảy, chạy, ném một vật, nâng vác vật nặng, nâng một vật ở tư thế không đúng.

1. Y học cổ truyền có điều trị được căng cơ quá mức?

Y học cổ truyền với những phương pháp đặc trưng như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp đã được sử dụng từ lâu để điều trị các vấn đề về cơ xương khớp, trong đó có căng cơ. Theo quan niệm của Đông y, căng cơ thường liên quan đến sự mất cân bằng khí huyết. Các phương pháp điều trị của Đông y giúp cân bằng lại khí huyết, từ đó giảm đau và cải thiện chức năng cơ.

Bằng các kỹ thuật như châm cứu, bấm huyệt giúp kích thích các huyệt đạo, cải thiện lưu thông máu đến vùng cơ bị căng, giảm đau và tăng cường quá trình phục hồi. Nhiều bài thuốc Đông y có tác dụng giảm viêm, giảm sưng phù, giúp các mô cơ thư giãn, phục hồi nhanh hơn.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh căng cơ quá mức nên đến các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ Y học cổ truyền giàu kinh nghiệm để được thăm khám, điều trị đúng cách. Kết hợp các bài tập vật lý trị liệu với các phương pháp của Đông y giúp tăng cường hiệu quả điều trị.

7 câu hỏi thường gặp liên quan đến căng cơ quá mức- Ảnh 1.
 

Xoa bóp bấm huyệt trong Đông y góp phần điều trị căng cơ hiệu quả.

2. Căng cơ kéo dài bao lâu?

Những trường hợp căng cơ ít nghiêm trọng thường kéo cơ ra khỏi quỹ đạo bình thường. Các trường hợp nghiêm trọng hơn thường xé sợi cơ, thậm chí có thể gây ra rách cơ hoàn toàn. Khi bị tổn thương cơ bắp, các sợi cơ và dây chằng gắn vào bắp thịt bị xé rách một phần hoặc toàn bộ. Rách cơ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, dẫn đến chảy máu cục bộ hoặc bầm tím và đau tại chỗ tổn thương.

Tình trạng căng cơ thường xảy ra ở phần lưng dưới và các cơ ở phía sau đùi (gân khoeo). Các triệu chứng của căng cơ nhẹ ở lưng thường cải thiện trong vòng 1-2 tuần rồi biến mất trong vòng 4-6 tuần. Ở chân, căng cơ nhẹ hoặc trung bình mất đến 8-10 tuần hoặc lâu hơn để lành. Các triệu chứng của căng cơ nghiêm trọng có thể kéo dài cho đến khi cơ bị rách tự lành hoặc được phẫu thuật sửa chữa.

3. Chăm sóc bệnh nhân căng cơ tại nhà

Bên cạnh việc điều trị, người bệnh căng cơ cần kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ để hỗ trợ quá trình phục hồi.

  • Bảo vệ: Loại bỏ mọi căng thẳng, áp lực hoặc tác động lên cơ. Cần dừng các hoạt động thể thao và khi tập lại cần điều chỉnh thể lực, giảm bớt khối lượng tập hoặc chọn một thể thức tập luyện khác. Tránh sử dụng cơ bị thương bất cứ khi nào có thể. Tập các bài tập giãn cơ phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi: Cho cơ thời gian để phục hồi. Ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin. Nên cân bằng nghỉ ngơi và vận động. Ngủ đủ, ngủ sâu giấc.
  • Chườm lạnh: Giảm sưng bằng cách làm mát vùng bị thương bằng đá.
  • Nén: Băng cơ và nén để đẩy nhanh quá trình chữa lành. Nén giúp ích trong vấn đề này bằng cách siết chặt cơ, đưa lưu lượng máu tăng lên đến vùng tổn thương. Nén cũng giúp ép chất thải ra ngoài, giúp giảm sưng và có thể giảm đau tạm thời.
  • Nâng cao: Nếu có thể, hãy nâng cao chi bị ảnh hưởng cao hơn tim trong khi ngủ để chất lỏng dư thừa thoát ra khỏi chấn thương.
  • Cấp nước: Nên bổ sung đủ nước mỗi ngày để tránh tình trạng ứ đọng acid lactic trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ bị mỏi cơ, nóng rát cơ và căng cơ.

Theo BS. Nguyễn Thuận - Bệnh viện Thể thao Việt Nam: Tình trạng căng cơ nếu được chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ phục hồi rất nhanh. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, dừng các hoạt động luyện tập. Nếu được chườm đá sớm sẽ hạn chế sưng, đau, tím (thời gian chườm đá là khoảng 15-20 phút, mỗi lần cách nhau 60 phút). Ngoài ra có thể dùng băng thun hay băng vải y tế quấn quanh vùng cơ đau, không nên quấn quá chặt làm ảnh hưởng tới tuần hoàn máu.

4. Căng cơ quá mức có giống như bong gân?

Căng cơ khác với bong gân. Sự khác biệt giữa căng cơ và bong gân là căng cơ liên quan đến chấn thương ở cơ hoặc dải mô nối cơ với xương, trong khi bong gân liên quan đến chấn thương ở dải mô nối hai xương với nhau.

Căng cơ về cơ bản là tình trạng đứt hoặc rách mô mềm bên trong cơ xương - các cơ quan cung cấp sức mạnh, năng lượng và sự ổn định cho hệ thống cơ xương. Bong gân là tình trạng đứt dây chằng, tức là tổn thương mô liên kết nối xương với xương khác.

Trong khi căng cơ có thể xảy ra ở nhiều vùng khác nhau từ bắp chân và đùi đến bắp tay và ngực thì bong gân hầu như chỉ xảy ra ở khớp. Điều này là do các khớp, chẳng hạn như cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, nằm ở những điểm mà hai hoặc nhiều xương gặp nhau và được giữ lại với nhau bằng dây chằng, trong khi các cơ chính nằm cách xa khớp.

5. Bị căng cơ nên chườm nóng hay chườm lạnh?

Khi bị căng cơ, bệnh nhân không được chườm nóng hoặc dùng dầu và rượu xoa bóp vùng cơ đang bị tổn thương. Vì chườm nóng hoặc xoa bóp nóng khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi. Chúng sẽ trở nên yếu hơn và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh sau này.

Chườm lạnh rất hữu hiệu khi bị chấn thương cấp tính. Chườm lạnh cũng làm giảm lượng máu lưu thông về khu vực được chườm lạnh, giúp giảm sưng tấy quanh chấn thương. Có thể chườm lạnh trong 1 - 3 ngày đầu sau khi bị đau. Theo các chuyên gia, không nên chườm đá trực tiếp vào vùng cơ này, mà nên dùng túi đựng đá để chườm. Không nên chườm một lần quá lâu, chỉ nên chườm khoảng 15 phút mỗi lần. Không sử dụng chườm lạnh nếu tuần hoàn kém hoặc bị trầy da.

7 câu hỏi thường gặp liên quan đến căng cơ quá mức- Ảnh 2.
 

Khi bị căng cơ nên chườm lạnh với túi chườm để đảm bảo an toàn.

6. Khi nào nên đi khám?

Trong quá trình tập luyện, cơ thường bị rách nhỏ được gọi là rách vi mô, dẫn đến tình trạng đau nhức quen thuộc sau khi tập luyện. Tuy nhiên, căng cơ thường liên quan đến vết rách lớn hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Căng cơ nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Thông thường, nếu tổn thương nhẹ, bệnh nhân sẽ hoàn toàn phục hồi sau khi điều trị được 2-3 ngày. Lúc này, người bệnh có thể tập luyện nhẹ nhàng (khoảng 50% sức), và tăng từ từ để cơ thể dễ thích nghi. Hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn mặc dù đã điều trị, đặc biệt là nếu cơn đau trở nên không thể chịu đựng được hoặc khu vực tổn thương bị tê hoặc ngứa ran.

BS. Nguyễn Thuận lưu ý, nếu có các dấu hiệu dưới đây, bạn nên đi khám để có biện pháp xử lý phù hợp, ngăn ngừa biến chứng nặng:

  • Căng cơ không thuyên giảm
  • Nóng đỏ vùng cơ
  • Đau nhức

Nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn còn khó khăn, cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bệnh nhân nên đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.

7. Chi phí khám bệnh

Thông thường, khám cơ xương khớp sẽ cần phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: Chụp X-quang, siêu âm khớp, đo mặt độ xương... Vì vậy, chi phí khám sẽ bao gồm cả giá khám và giá chụp chiếu theo chỉ định của bác sĩ sau khi người bệnh được thăm khám ban đầu. Giá khám tùy theo từng đơn vị và hình thức khám sẽ có giá khác nhau. Tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện công, giá khám các chuyên khoa sẽ theo quy định chung. Nếu khám theo yêu cầu sẽ theo giá quy định của từng đơn vị.

*Lưu ý: Thông tin này không thay thế cho sự chăm sóc y tế hoặc lời khuyên của chuyên gia. Nếu bạn có bất kỳ điều gì không chắc chắn hoặc lo ngại, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc chuyên gia phục hồi chức năng ngay lập tức.

Theo suckhoedoisong.vn