Mới đây, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng (Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM) đã chia sẻ rằng: Quá trình lão hóa là quy luật sinh học và não bộ của con người cũng vậy. Trong quá trình lão hóa, các tế bào thần kinh chết dần. Và theo tính toán của các nhà khoa học, đột quỵ sẽ đẩy nhanh đến mức chóng mặt tốc độc lão hóa não bộ.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho hay, chỉ 1 lần đột quỵ, tổng số lượng tế bào thần kinh trong não bộ bị chết tương đương với quá trình lão hóa tự nhiên 36 năm. Trong thực tế, sau khi đột quỵ nhiều người sa sút trí nhớ, đi đứng khó khăn hoặc thậm chí nằm liệt giường. Đó chính là dấu hiệu của những người cao tuổi, khi não bộ bị lão hóa.
Đột quỵ sẽ biến người trẻ thành người già. Tại Việt Nam, vì nhiều lý do, rất ít bệnh nhân đột quỵ gặp được bác sĩ điều trị trong khung giờ vàng. Vị chuyên gia cũng ước tính, chỉ có 2% bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam được điều trị tái thông mạch máu não. Còn lại có 98% bệnh nhân đột quỵ được điều trị theo hướng bảo tồn, tức là cố gắng nhất có thể để giữ lại phần não bộ chưa bị tổn thương. Điều đó đồng nghĩa rằng các di chứng của đột quỵ rất lớn.
Trong điều trị đột quỵ, việc can thiệp càng sớm lại càng đem đến hiệu quả tốt. Đối với bệnh nhân bị đột quỵ thời gian vàng cho cấp cứu là từ 3 – 6 tiếng (tốt nhất là trong vòng 3 tiếng). Do đó bất cứ ai trong chúng ta, dù ở lứa tuổi còn trẻ cũng cần phải nắm rõ những dấu hiệu của đột quỵ sau đây.
7 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm
1. Đột nhiên đứng không vững
Trước khi bị đột quỵ, một người thường có cảm giác hoa mắt chóng mặt, hơn nữa còn có thể đối mặt với tình trạng tê liệt hoặc suy yếu một bên chân nên việc có dáng đứng xấu là hoàn toàn có thể.
2. Có dấu hiệu liệt một bên người
Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, mỗi bên bán cầu não đều ảnh hưởng tới bên đối diện của cơ thể, như vậy có nghĩa nếu bạn bị chảy máu ở não phải thì phần bên trái cơ thể có khả năng xuất hiện triệu chứng tê liệt (và ngược lại). Đó là lý do vì sao trước khi đột quỵ, một người thường cảm thấy mệt mỏi bất thường, tê liệt một bên người, chủ yếu xuất hiện ở tay và chân.
3. Mất thị lực một bên mắt
Mất thị lực một bên mắt cũng chính là dấu hiệu đột quỵ bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.
4. Mặt méo
Theo chuyên gia Yvonne Bohn, bác sĩ tại Trung tâm y tế Cystex: Bên não bị chảy máu sẽ gây nên các triệu chứng trên cơ thể ở phần đối diện. Do đó, nếu mặt đột nhiên bị chảy xệ hoặc không kiểm soát được cơ mặt khi biểu hiện cảm xúc, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
5. Khó nói chuyện
Theo Mayoclinic, một người bị đột quỵ có thể không thể nói chuyện hoặc nói ngọng do môi ưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
6. Miệng méo
Nụ cười của người đột quỵ sẽ bị méo, một góc miệng sẽ không di chuyển do đã bị liệt một nửa người.
7. Tê hoặc liệt một phần cơ thể
Theo CDC Hoa Kỳ, đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể chính là dấu hiệu của đột quỵ. Cách nhận biết chính xác nhất là bạn không thể nhấc 2 tay lên cùng 1 lúc.
Yêu cầu người đó nhấc hai tay lên và giữ chúng trong 5 giây ở góc 90 độ. Trong trường hợp đột quỵ, 1 tay sẽ bị rơi xuống.
Xử trí đúng cách khi gặp người đột quỵ:
- Đỡ hoặc dìu người đột quỵ, tránh té ngã gây tổn thương.
- Để người bệnh ở nơi thoáng mát, nằm nghiêng một bên nếu người bệnh nôn. Móc hết đàm, nhớt để tránh gây ngạt cho bệnh nhân.
- Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay hoặc cho uống bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt, để có thể cứu sống kịp thời và làm giảm các di chứng do đột quỵ gây ra.
Đậu Đậu