Yoga có nhiều lợi ích bao gồm tăng cường khả năng miễn dịch và cân bằng các bộ phận của cơ thể một cách nhẹ nhàng. Mặc dù không nên tập các bài tập nặng khi bạn bị ốm, nhưng các bài tập yoga giãn cơ đơn giản có thể giúp bạn nhanh chóng khỏe lại.
Dưới đây là 7 động tác yoga có thể giúp bạn nhanh lấy lại sức khỏe khi bị cảm cúm:
1. Tư thế em bé biến thể
Tư thế em bé giúp giãn cơ nhẹ nhàng, tập trung vào hơi thở, có tác dụng thư giãn, giảm bớt cơn buồn nôn, khó chịu.
Cách thực hiện:
- Quỳ trên sàn với một chiếc gối hoặc miếng đệm đặt dọc trước mặt.
- Tách nhẹ đầu gối sang hai bên nhưng vẫn giữ cho ngón chân cái chạm vào nhau.
- Đẩy hông ra sau, đặt mông ngồi lên gót chân.
- Đưa người về phía trước và đặt phần thân trên lên trên gối hoặc đệm, để đầu bạn tựa vào đó.
- Duỗi thẳng cánh tay qua đầu.
Tư thế em bé giúp thư giãn, giảm triệu chứng cảm cúm.
2. Gác chân lên tường
Tư thế đơn giản này được gọi là tư thế đảo ngược, nghĩa là nó đảo ngược lưu lượng máu đến não. Điều này nhằm mục đích cải thiện tuần hoàn, giảm sưng tấy ở chân và bàn chân, đồng thời làm dịu mức độ căng thẳng.
Mặc dù những tư thế đảo ngược mạnh hơn như trồng cây chuối… thực sự có thể làm tăng áp lực lên đầu, nhưng động tác này không yêu cầu đầu phải ở dưới tim, khiến bạn nên thử khi bị cảm lạnh hoặc cúm kèm theo đau đầu.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, vuông góc với tường, nhấc chân lên và đẩy xương cụt về phía trước cho đến khi nó rất gần hoặc chạm vào tường.
- Bước chân lên tường cho đến khi chúng thẳng hoặc gần như thẳng.
- Đặt hai cánh tay ở vị trí thoải mái. Có thể dang rộng hoặc xuôi theo thân.
- Giữ nguyên tư thế trong tối đa 20 phút.
Mẹo: Bắt đầu với tư thế này trong 5 đến 10 phút. Nếu chân và bàn chân bắt đầu có cảm giác tê, hãy uốn cong đầu gối về phía ngực trong giây lát để thiết lập lại quá trình lưu thông máu.
Gác chân lên tường giúp làm giảm đau đầu do cảm cúm.
3. Tư thế lạc đà biến thể giảm triệu chứng cảm cúm
Tư thế lạc đà là một trong những tư thế mở ngực có thể giúp loại bỏ chất nhầy. Phiên bản sửa đổi này giúp bạn thực hiện nhẹ nhàng hơn ở phần lưng dưới.
Cách thực hiện:
- Quỳ trên sàn với khoảng cách đầu gối và hai chân phía sau rộng bằng hông.
- Ưỡn người về phía sau một chút và cẩn thận đặt từng tay vào hai bên thắt lưng.
- Nếu cảm thấy thoải mái, hãy để đầu từ từ ngả về phía sau, mở cổ họng hướng lên trần nhà. Bỏ qua phần này nếu bạn bị chấn thương cổ.
- Hít thở vào lồng ngực đang mở.
4. Tư thế rắn hổ mang
Giống như tư thế con lạc đà, tư thế rắn hổ mang mở rộng lồng ngực, giúp bạn hít thở sâu hơn, đầy đủ hơn, cung cấp dưỡng khí cho phổi. Hít thở sâu không chỉ có thể giúp giảm tắc nghẽn ngực mà còn có thể làm giảm cảm giác đau tổng thể do cảm cúm.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp trên tấm thảm với hai chân hướng về phía sau, cách nhau một khoảng rộng bằng hông.
- Đặt lòng bàn tay của bạn xuống dưới vai với khuỷu tay ở hai bên sườn.
- Dùng lực ở lòng bàn tay nâng ngực và phần thân trên cơ thể lên khỏi mặt đất, thả lỏng phần xương cụt.
- Cuộn vai xuống và ra sau, mắt nhìn về phía trước và thở sâu.
Tư thế rắn hổ mang làm giảm tắc nghẽn, giảm khó chịu do cảm cúm.
5. Tư thế chó úp mặt giảm đau đầu do cảm cúm
Tư thế chó úp mặt không chỉ kéo căng gân kheo, bắp chân và gân Achilles mà còn là một tư thế đảo ngược, có thể làm giảm áp lực lên cơn đau đầu và hỗ trợ lưu lượng máu đến xoang.
Sử dụng tư thế chó úp mặt như một phần của bài tập yoga để giảm cảm lạnh và cảm cúm.
Cách thực hiện:
- Chống tay và đầu gối xuống sàn với các ngón tay hướng về phía trước và đầu gối cách nhau một khoảng bằng hông.
- Nhón các đầu ngón chân và nâng mông lên, hướng thẳng lên trần nhà, gót chân chạm xuống sàn. Cơ thể bạn sẽ tạo thành hình chữ V ngược.
6.Tư thế búp bê bằng vải
Đây là một tư thế khác có tác dụng giảm đau đầu khi cho phép cơ thể bạn được thả lỏng vai, cổ, lưng trên.
Cách thực hiện:
- Đứng trên sàn với khoảng cách hai chân rộng bằng hông.
- Giơ cả hai tay qua đầu hướng lên trần, lòng bàn tay hướng vào nhau.
- Thả rơi cánh tay và từ từ uốn cong người ở phần thắt lưng, đầu gối có thể hơi chùng xuống để giảm bớt căng cơ gân kheo.
- Thả lỏng cánh tay lủng lẳng trước mặt hoặc dùng tay đối diện nắm từng khuỷu tay.
7. Tư thế cái cày và tư thế cây nến
Tư thế cái cày đảo ngược hệ thống tiêu hóa có thể giúp giảm áp lực, cũng như làm chậm và làm dịu quá trình tiêu hóa.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, co chân, đầu gối hướng lên trên, bàn chân đặt trên mặt đất.
- Để thực hiện tư thế cái cày, hãy nâng chân và hông của bạn lên trên bằng cách ấn lòng bàn tay xuống hai bên để làm đòn bẩy. Bàn chân có thể chạm hoặc không chạm sàn phía trên đầu bạn.
- Nếu muốn chuyển từ tư thế cày sang tư thế đứng bằng vai, bạn có thể duỗi thẳng chân và hướng gót chân lên trời. Với khuỷu tay ở hai bên, đặt tay lên hông để hỗ trợ bản thân.
- Kéo hai đùi lại với nhau, giữ trọng lượng của bạn ở lưng trên và cánh tay chứ không phải ở cổ!
Tư thế cây nến (trái) và tư thế cái cày ((phải).
Theo suckhoedoisong.vn