Cơ thể con người tích trữ chất béo ở nhiều khu vực để tạo năng lượng và giữ ấm. Gan là một trong những bộ phận tích mỡ điển hình. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo tại cơ quan này vượt mức cho phép gây bệnh gan nhiễm mỡ.

“Kẻ thù” của người mắc gan nhiễm mỡ


Tình trạng Gan nhiễm mỡ có thể được cải thiện bởi chế độ ăn và tập luyện hàng ngày. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý cần tránh tiêu thụ một số thực phẩm dưới đây.

Đường: Đây là thực phẩm góp phần làm tăng lượng đường trong máu và chất béo trong gan. Gan chuyển hóa đường thành chất béo. Chất béo này tích tụ quá mức và gây bệnh gan nhiễm mỡ.

Thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, chứa nhiều đường là những món người bị gan nhiễm mỡ cần tránh xa. Ảnh: Freepik.

Tiêu thụ thực phẩm chứa hàm lượng đường cao còn là nguyên nhân của nhiều căn bệnh như béo phì, tiểu đường… Đường thường có trong kẹo, kem, đồ uống có gas, nước trái cây đóng hộp, bánh hay cà phê, trà, siro.

Rượu: Rượu hay đồ uống có cồn, gas là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh gan nhiễm mỡ, viêm hay xơ gan hoặc thậm chí ung thư. Đây cũng là thứ đứng đầu trong danh sách thực phẩm có hại cho gan. Việc đào thải mỡ, các chất độc hại từ rượu trở thành gánh nặng lớn cho gan và khiến nó ngày càng quá tải dẫn đến suy kiệt. Nếu phát hiện mắc các bệnh lý về gan, bạn cần loại bỏ rượu càng sớm càng tốt.

Ngũ cốc tinh chế: Một nghiên cứu năm 2015 trên 73 người mắc gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy nhóm tiêu thụ ít ngũ cốc tinh chế có nguy cơ bị các hội chứng rối loạn chuyển hóa thấp hơn. Điều này đồng nghĩa khả năng bị bệnh tim và đột quỵ giảm.

Ngũ cốc tinh chế thường là bánh mì, mì hoặc gạo trắng. Nhà sản xuất đã loại bỏ chất xơ và chúng có thể làm gia tăng lượng đường trong máu khi cơ thể tiêu hóa những thực phẩm này. Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ nên thay thế ngũ cốc tinh chế bằng khoai tây, các loại đậu hoặc lúa mì nguyên hạt.

Thức ăn chiên rán, mặn: Ăn quá nhiều đồ chiên rán hoặc thừa muối là thủ phạm gây tăng cân. Béo phì là nguyên nhân phổ biến hình thành tình trạng gan nhiễm mỡ. Chưa kể, mỡ động vật, các món ăn cay, mặn tạo áp lực lên gan, khiến cơ quan này phải bài tiết và thải độc nhiều hơn.

Thịt đỏ và thực phẩm chứa nhiều choresterol: Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra việc tiêu thụ chất béo bão hòa làm tăng tích tụ mỡ nội tạng, trong đó có gan. Các loại thịt đỏ như lợn, bò chứa nhiều chất béo bão hòa và choresterol có hại, người bị gan nhiễm mỡ cần tránh. Thay vào đó, chúng ta có thể ăn cá, thịt nạc, đậu phụ…

Người bị gan nhiễm mỡ tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Ảnh: Pinterest.

Thực phẩm “vàng” cho người bị gan nhiễm mỡ


Những người bị gan nhiễm mỡ, thừa mỡ nội tạng có thể cải thiện bằng chế độ ăn thanh đạm, khoa học. Bạn nên giảm lượng calo, ăn nhiều chất xơ để cân bằng lượng mỡ nạp vào cơ thể. Thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp, chất xơ, protein có thể giúp chúng ta no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn.

Ngoài ra, bạn nên bổ sung các thực phẩm giúp giảm viêm và có tác dụng tái tạo tế bào dưới đây.

Tỏi: Loại gia vị này có nhiều công dụng trong nấu ăn và là chất kháng sinh tự nhiên. Một nghiên cứu năm 2016 đăng trên tạp chí Advanced Biomedical Research cho thấy bổ sung tỏi vào các bữa ăn hàng ngày giúp giảm cân và đốt cháy mỡ thừa, tốt cho người bị gan nhiễm mỡ.

Các hợp chất gốc lưu huỳnh trong tỏi còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ức chế và tiêu diệt trực khuẩn, nấm, virus. Chính vì thế, nó được xem là thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất trong tự nhiên.

Các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là selen trong tỏi có thể bảo vệ gan bằng cách tham gia quá trình chuyển hóa hiếu khí của máu, loại bỏ độc tố từ đó giảm gánh nặng cho gan.

Axit béo omega-3: Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy tiêu thụ axit béo omega-3 giúp cải thiện nồng độ mỡ trong gan và mật độ lipoprotein (HDL) cholesterol. Điều này được chứng minh là tốt cho những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu.

Những thực phẩm giàu axit béo omega-3 bao gồm cá hồi, cá mòi, quả óc chó, hạt lanh. Nghiên cứu năm 2019 trên động vật chỉ ra cà phê cũng khá tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Các loại cà phê không chứa caffein làm giảm tổn thương gan và tế bào viêm ở chuột.

Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra cà phê giúp giảm lượng chất béo tích tụ trong gan của chuột, cải thiện quá trình chúng chuyển hóa năng lượng.

Tỏi là thực phẩm có nhiều tác dụng chữa bệnh, nó còn giúp cải thiện tình trạng của người mắc gan nhiễm mỡ. Ảnh: Nutrition.

Trà xanh: Trà xanh là thực phẩm được dùng cho điều trị bệnh và cải thiện sức khỏe, ngừa lão hóa từ nghìn năm trước. Đánh giá năm 2015 trên tạp chí World Journal of Gastroenterology cho thấy lá trà giúp giảm nồng độ chất béo trong máu, nội tạng và toàn cơ thể. Người tiêu thụ 5-10 tách trà xanh mỗi ngày mang lại hiệu quả giảm mỡ gan.

Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, nhóm người bị gan nhiễm mỡ cần cải thiện bệnh bằng cách kết hợp tập luyện thường xuyên. Điều đó không chỉ giúp giảm tích tụ mỡ nội tạng mà còn tăng cường thể lực, hệ miễn dịch, tạo lớp khiên vững chắc chống chọi lại bệnh tật. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chúng ta nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và 5 lần/tuần.

Theo  Zing