1. Bệnh đái tháo đường và các vấn đề về da
Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao mắc các bệnh về da, bao gồm:
- Bệnh gai đen (acanthoma nigricans): Bệnh nhân đái tháo đường béo phì nên cẩn thận với bệnh gai đen, là một bệnh trong đó các khu vực nếp gấp của cơ thể, như nách, háng và gáy, chuyển sang màu đen và lớp biểu bì dày lên.
Nguyên nhân chính là do tình trạng kháng insulin xảy ra, khi insulin tăng tiết do lượng đường trong máu cao, kết hợp với tế bào sừng và nguyên bào sợi ở da. Các triệu chứng về da sẽ được cải thiện nhờ giảm cân và được điều trị bằng thuốc làm giảm độ dày biểu bì như retinoid.
- Biến chứng bàn chân đái tháo đường: Biến chứng bàn chân do đái tháo đường là một trong những biến chứng mà 15-25% bệnh nhân gặp phải. Bệnh xảy ra do kiểm soát lượng đường trong máu kém và các vấn đề về lưu lượng máu trong mạch máu.
Khi vết thương hoặc tình trạng viêm xảy ra ở bàn chân, quá trình lành vết thương sẽ chậm lại, dẫn đến hoại tử, thậm chí phải cắt cụt chi. Tuy nhiên, nếu quan sát bàn chân cẩn thận, phát hiện vết thương sớm, được điều trị và chăm sóc ngay sau khi phát hiện, có thể giảm nguy cơ.
- Xơ cứng bì/làm dày da: Bệnh nhân kiểm soát lượng đường trong máu kém sẽ dễ bị xơ cứng bì và dày da. Da trở nên dày bất thường, giống như vỏ quýt và có thể kèm theo ngứa, ban đỏ và giảm cảm giác. Nếu các triệu chứng trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến các khớp, gây cứng khớp như ngón tay. Các triệu chứng được cải thiện khi kiểm soát lượng đường trong máu.
- Nhiễm trùng da: Bệnh nhân đái tháo đường có khả năng miễn dịch yếu, tuần hoàn máu kém nên dễ bị nhiễm trùng da. Nhiễm nấm candida và vi khuẩn thường xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp, như nách và háng. Nên tắm bằng sản phẩm ít gây kích ứng và chú ý lau khô. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, cần điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, người mắc đái tháo đường da thường dễ khô, do cường độ đường huyết cao gây mất nước cho da. Để duy trì sức khỏe da tốt và kiểm soát các vấn đề da, bệnh nhân nên duy trì kiểm soát đường huyết ổn định, thực hiện chế độ chăm sóc da hàng ngày và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc thực hiện kiểm tra định kỳ với chuyên gia da liễu cũng có thể giúp theo dõi tình trạng da và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.
2. Mẹo chăm sóc da cho người bệnh đái tháo đường
Chăm sóc da cho người mắc bệnh đái tháo đường rất quan trọng, vì bệnh có thể làm cho da dễ bị khô, nứt nẻ và dễ bị tổn thương.
Dưới đây là một số cách để chăm sóc da cho người bệnh đái tháo đường:
- Giữ cho da luôn sạch và khô: Vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, sau đó lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Đảm bảo da luôn khô ráo để tránh nhiễm trùng.
- Dưỡng ẩm: Thời tiết khô vào mùa thu đông có thể khiến tình trạng ngứa da trở nên trầm trọng hơn, vì vậy phải thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên và uống đủ nước để giữ ẩm cho da. Nếu lượng đường trong máu cao, tình trạng mất nước có thể khiến da bị khô và ngứa. Ngoài ra, do ngứa toàn thân có thể xuất hiện như một triệu chứng sớm của biến chứng thần kinh do đái tháo đường nên cần kiểm soát lượng đường trong máu và thường xuyên kiểm tra các biến chứng.
- Tránh làm trầy xước da: Gãi có thể làm mất đi lớp biểu bì trên của da có thể dẫn đến sự phát triển của các vấn đề về da như viêm da. Vì vậy, đừng gãi da ngay cả khi cảm thấy ngứa.
- Tránh gây tổn thương cho da: Cẩn thận khi sử dụng dao, kéo, bấm móng, tay, dao cạo da, hoặc bất kỳ công cụ sắc bén nào để loại bỏ da dư thừa hoặc lấy mụn để tránh gây tổn thường cho da. Nếu có bất kỳ vết thương hoặc dấu hiệu nhiễm trùng nào, hãy tìm cách điều trị sớm vì ngay cả những vấn đề nhỏ cũng có thể trở nên phức tạp rất nhanh.
- Bộ sơ cứu y tế: Hãy đảm bảo luôn có hộp sơ cứu bên cạnh để chăm sóc vết thương, đặc biệt là ở tay và chân. Bộ dụng cụ nên có thuốc mỡ kháng khuẩn, miếng gạc và băng cá nhân.
- Sử dụng kem chống nắng: Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da. Đảm bảo che chắn các bộ phận hở trên cơ thể khi ra ngoài. Chọn loại kem chống nắng phù hợp và bôi lại nếu cần.
- Hỏi ý kiến bác sĩ: Nếu có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng về da hoặc không biết cách chăm sóc da một cách tốt nhất, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu. Họ có thể đưa ra lời khuyên cụ thể và quyết định liệu cần thăm khám thường xuyên hay không.
Theo suckhoedoisong.vn