1. Những sai lầm phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường khi ăn trái cây
Hầu hết các các loại vitamin cần thiết cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải thông qua chế độ ăn uống. Và trái cây là một trong những nhóm thực phẩm thiết yếu cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất tham gia vào việc chuyển hóa năng lượng và giúp mọi hoạt động của cơ thể diễn ra trơn tru hơn.
Ăn trái cây là cách tốt nhất để chúng ta bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: vitamin A, C, D, E, K, kali, kẽm, magiê, sắt, natri, folate…
Trái cây còn là một nguồn chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, giúp ổn định đường huyết.
Trái cây cung cấp chất chống oxy hóa giúp quá trình oxy hóa diễn ra chậm hơn, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Đặc biệt, các chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có nhiều trong các loại trái cây giàu vitamin A, C, E, beta-carotene, lycopene và selen giúp ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thương gây ra bởi các gốc tự do, có thể hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh: ung thư, đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ.
Trái cây cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cơ thể cần.
Tuy nhiên, trái cây cung cấp lượng đường khá lớn, một số loại trái cây lại chứa nhiều đường và ảnh hưởng đến sự cân bằng đường huyết.
Nguyên nhân khiến nhiều người bệnh đái tháo đường thường mắc sai lầm khi ăn trái cây có thể là do chưa hiểu rõ được tác dụng của trái cây đối với sức khỏe hoặc cho rằng trái cây thường ngọt chứa nhiều đường dẫn đến các trường hợp sau:
- Kiêng hoàn toàn không ăn trái cây.
- Chỉ ăn một vài loại trái cây như ổi, bưởi vì nghe nói tốt cho người bệnh đái tháo đường nhưng ăn rất nhiều và thường xuyên.
- Không để ý, ăn tùy thích.
Cả 3 trường hợp trên đều là sai lầm nên tránh. Người bệnh đái tháo đường cần hiểu rõ về tác dụng của trái cây và cách ăn như thế nào cho hợp lý.
2. Nguyên tắc ăn trái cây cho người bệnh đái tháo đường
2.1. Chọn loại trái cây phù hợp
Trái cây có nhiều loại, có loại làm tăng đường huyết từ từ nhưng cũng có loại làm tăng đường nhanh chóng. Yếu tố nhanh, chậm dựa vào hàm lượng đường và chất xơ trong trái cây.
Các loại trái cây phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là những loại chứa ít glucose, nhiều chất xơ và vitamin.
Người bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI bằng 55 hoặc ít hơn) giúp đường huyết tăng một cách chầm chậm. Hạn chế ăn trái cây có chỉ số đường huyết cao (GI bằng 70 trở lên) khi ăn vào đường tăng nhanh.
Những trái cây có chỉ số đường huyết thấp nên lựa chọn là: ổi, bưởi, cam, táo, lê, thanh long, bơ, chuối…
Những trái cây có chỉ số đường huyết cao nên hạn chế: nhãn, vải, mít, sầu riêng…
Người bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp như ổi.
2.2. Ăn đa dạng trái cây
Nên ăn đa dạng, thay đổi. Không nên theo thói quen, sở thích mà chỉ ăn một số loại trái cây nhất định. Ăn nhiều loại trái cây sẽ nhận được được nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác nhau.
2.3. Ăn nguyên trái
Ăn nguyên trái, nguyên múi (cam), nên ăn trái cây cả vỏ (táo) bởi chất xơ có nhiều trong vỏ, xác làm hấp thu đường chậm và có khả năng chống táo bón. Không nên ép thành nước để uống vì dễ tăng đường huyết cao sau ăn.
Ví dụ, bình thường người bệnh nên ăn một nửa trái cam, khi ép lấy một cốc nước thường phải sử dụng 2 quả cam, tăng lượng gấp 4 lần, khi uống có thể làm đường huyết tăng vọt.
2.4. Chọn trái cây tươi
Nên chọn trái cây tươi. Hạn chế sử dụng trái cây sấy hoặc phơi khô vì tỷ lệ đường cao, lượng các chất dinh dưỡng bị thay đổi khi chế biến. Trái cây sấy khô thường cho thêm chất phụ gia và chất bảo quản, không tốt cho sức khỏe.
Hạn chế sử dụng trái cây sấy khô vì có tỷ lệ đường cao.
2.5. Chọn trái cây vừa chín tới
Nên chọn trái cây vừa chín tới. Nếu càng chín và chuyển sang màu vàng đậm, nâu, thì hàm lượng đường trong trái cây sẽ càng cao, ví dụ như chuối, xoài.
2.6. Lượng trái cây trong mỗi lần ăn
Đây cũng là vấn đề người bệnh rất quan tâm. Theo khuyến cáo, lượng trái cây người bệnh nên ăn trong mỗi lần là 15g; mỗi ngày nên ăn 2-3 suất trái cây. Ví dụ:
- 1 quả na to (khoảng 300g): nửa quả
- 1 quả cam to (khoảng 300g): nửa quả
- Bưởi to: 2 múi
- Quả chuối trung bình: 1 quả
- Xoài: 1 má xoài
- Quả thanh long vừa: ¼ quả
- Đu đủ: ¼ quả
- Nho: 10 quả
- Dưa hấu: 1 miếng tam giác…
Với những loại trái cây ngọt hơn như: nhãn (10 quả), vải (5 quả), chôm chôm (5 quả), mít (3 múi), sầu riêng (nửa múi)…
Tham khảo suất ăn trái cây cho người bệnh đái tháo đường.
2.7. Thời điểm ăn trái cây hợp lý
Theo khuyến cáo của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, chúng ta có thể ăn trái cây ngay sau bữa ăn hoặc thời điểm cách bữa chính 2h tùy theo thói quen, sở thích cũng như mức độ đường huyết của mỗi người.
Ví dụ: Nếu đường huyết của người bệnh tăng nhiều sau bữa ăn chính thì nên ăn trái cây cách bữa ăn chính 2h. Có thể ăn 2-3 lần trái cây mỗi ngày.
Trái cây chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng cho sức khỏe mọi người và người bệnh đái tháo đường. Vì vậy khi muốn một bữa ăn nhẹ hay một món ăn vặt, người bệnh nên chọn trái cây thay vì khoai tây chiên hay các loại bánh, khoai củ.
Vì cơ thể mỗi người là khác nhau nên người bệnh cần có kiến thức để lựa chọn cách ăn phù hợp với mình. Có 1 cách là chúng ta sẽ test bằng cách đo đường huyết trước ăn và sau ăn. Nếu đường huyết sau ăn < 10 mmol/l là ổn.
Trong trường hợp có biểu hiện bất thường, đường huyết tăng cao, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để được kiểm tra cụ thể và điều chỉnh lượng thuốc phù hợp.
|
Theo suckhoedoisong.vn