leftcenterrightdel
 

Rượu: Tác nhân gây lão hóa gan

Muốn sống thọ thì không uống rượu (Ảnh minh họa)

90% quá trình chuyển hóa oxy hóa rượu (ethanol) diễn ra ở gan. Việc sản xuất các gốc tự do trong quá trình chuyển hóa ethanol tăng lên và việc sản xuất dư thừa các gốc tự do dẫn đến trạng thái stress oxy hóa. Stress oxy hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình lão hóa vì nó làm tổn thương mô mỡ, DNA và protein, từ đó dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Lạm dụng rượu trong thời gian dài dễ dẫn đến tổn thương tế bào gan và gây ra các bệnh về gan. Không uống rượu mới là bảo vệ sức khỏe.

Chất béo chuyển hóa: Tác nhân lão hóa tim

Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên JAMA Cardiology cho thấy không sử dụng chất béo chuyển hóa có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh tim và đột quỵ. Chất béo chuyển hóa đến từ hai nguồn, một là thực phẩm tự nhiên như thịt động vật (với lượng nhỏ) và một là nguồn nhân tạo. Những gì chúng ta cần kiểm soát chủ yếu là chất béo chuyển hóa nhân tạo.

Châu Lâm, giám đốc khoa dinh dưỡng lâm sàng của Bệnh viện nhi Côn Minh, Trung Quốc cho biết, chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế. Chúng xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần (chiên ngập dầu, nướng...). Cơ quan y tế quy định lượng chất béo chuyển hóa nạp vào cơ thể hàng ngày không được vượt quá 2,2 gam/người, nếu ăn quá nhiều sẽ gây bất lợi cho sức khỏe.

Bánh kẹo, đồ ngọt: Tác nhân gây lão hóa da

Chị em phụ nữ muốn bảo vệ da thì nên tránh ăn nhiều đồ ngọt (Ảnh minh họa)

Chu Anh, Phó trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Hồ Nam, Trung Quốc cho biết, nhiều phụ nữ đặc biệt thích ăn đồ ngọt, tuy nhiên chúng lại rất nguy hại cho sức khỏe. Lượng đường cao sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa da, da mất dần độ đàn hồi và dễ xuất hiện nhiều nếp nhăn, vết nám.

Thông thường, bạn nên hạn chế ăn nhiều đường bổ sung và đường tinh luyện như đồ uống ngọt, đồ ăn nhẹ, bánh quy, bánh nếp…

Thực phẩm nhiều muối: Tác nhân gây lão hóa dạ dày

Áp suất thẩm thấu cao của muối sẽ gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày dẫn đến hàng loạt các biến đổi bệnh lý như phù nề, viêm loét, hoại tử và xuất huyết dạ dày.

Mã Quan Sinh, Giám đốc Khoa Dinh dưỡng và Vệ sinh Thực phẩm, Trường Y tế Công cộng, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đã từng nói trong một bài báo rằng khi chúng ta ăn nhiều muối sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, trở thành “đồng phạm” của các chất gây ung thư.

Hơn 10 nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Pháp, Anh và Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng thực phẩm chứa nhiều muối và muối là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày từ 2 - 6 lần. Vì vậy, cố gắng nên ăn nhạt, ăn ít đồ mặn.

Thức ăn nóng: Tác nhân gây lão hóa thực quản

Bác sĩ Lý Ngô Quân, Trưởng khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Thanh Hoa Chang Gung ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, bề mặt của thực quản được bao phủ bởi các màng nhầy mỏng, nhiệt độ của thức ăn có thể ảnh hưởng lớn đến nó: nhiệt độ 10℃-40℃ là phù hợp nhất; 50℃-60℃ vừa đủ dung nạp; trên 65℃ sẽ gây bỏng. Đừng nghĩ rằng nhiệt độ 65℃ là rất cao, một chiếc bánh bao nóng có thể vượt quá nhiệt độ này.

Nếu nhiệt độ thức ăn quá cao sẽ làm bỏng niêm mạc thực quản và gây viêm nhiễm, hoại tử, về lâu dài có thể dẫn đến ung thư. Do đó, nhiệt độ thích hợp nhất để ăn uống là không lạnh cũng không nóng, môi của chúng ta chỉ cần cảm nhận được ấm là thích hợp nhất.

Ăn uống không cân bằng các nhóm chất: Tác nhân gây lão hóa đường ruột

Ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, ăn quá no khiến đường ruột bị suy yếu (Ảnh minh họa)

Vương Tiểu Quân, phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện sức khỏe bà mẹ trẻ em Hồ Bắc, Trung Quốc chia sẻ, "tuổi ruột" của người bình thường không khác nhiều so với tuổi sinh học của họ. Tuy nhiên, theo tuổi tác, áp lực cuộc sống và công việc tăng lên, cộng với chế độ ăn uống không hợp lý (như ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán, ăn đồ sống, ăn quá no…) khiến số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột giảm, trong khi vi khuẩn có hại tiếp tục tăng lên, cuối cùng dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và "lão hóa" chức năng đường ruột.

Do đó, bác sĩ khuyên mọi người nên ăn đa dạng chất xơ, mỗi ngày ăn khoảng 5-7 loại rau và trái cây, ăn thêm 1/3 ngũ cốc thô… giúp cân bằng vi khuẩn có lợi ở đường ruột.

Khói bếp: Tác nhân gây lão hóa phổi

Khói bếp khi nấu nướng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Đào Tân Cáo, một bác sĩ thuộc Khoa Hô hấp tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật cho biết, khói bếp có khả năng kích ứng mạnh đến niêm mạc của mũi, mắt, họng có thể gây viêm mũi, họng, viêm phế quản và các bệnh đường hô hấp khác, hít phải khói dầu lâu ngày cũng có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi nấu ăn, bạn nên bật máy hút mùi hoặc mở cửa sổ bếp. Bật máy hút mùi thêm 10 phút sau khi nấu.

Hà Vũ