Chúng ta đều biết rằng nguyên nhân gây bệnh thừa cân, béo phì thường liên quan mật thiết với thói quen ăn uống. Nếu có thói quen ăn uống không tốt, bạn rất dễ bị tăng cân, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ mắc các căn bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,...
Dưới đây là 7 thói quen ăn uống mà bạn nên thay đổi để giữ cơ thể khỏe đẹp, hạn chế bệnh tật phát sinh.
1. Ăn quá nhanh
Vì cuộc sống và công việc bận rộn, nhiều người thường ăn uống vội vàng, gấp gáp, thậm chí chỉ giải quyết bữa ăn sáng trong vòng 3-5 phút, bữa trưa và tối chắc cũng không quá 10 phút. Tình trạng này kéo dài sẽ hình thành nên thói quen ăn nhanh. Đây là một trong những nguyên nhân gây béo phì phổ biến nhất trên thế giới.
Dạ dày cần có thời gian để nhận biết và truyền đi tín hiệu đói và no. Nếu ăn quá nhanh, trong khi não vẫn chưa nhận được "tín hiệu no", thì bạn vẫn tiếp tục đưa thức ăn vào dạ dày. Đợi đến khi não có phản ứng lại, thì chúng ta đã ăn vào quá nhiều thức ăn.
Ngoài ra, ăn quá nhanh cũng làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Khi không nhai kỹ thức ăn, chúng ta dễ gặp phải tình trạng khó tiêu, từ đó dẫn đến táo bón.
2. Thích ăn đồ ngọt, uống nước giải khát
Đồ ngọt và nước giải khát chứa hàm lượng đường rất cao. Việc hấp thụ quá nhiều đường trong thời gian dài có thể làm rối loạn các tín hiệu phát ra từ cơ thể đến não. Cơ thể chậm phát ra tín hiệu, khiến bạn dù đã ăn no nhưng vẫn cảm thấy đói, từ đó vô thức hấp thụ thêm nhiều đường.
3. Thích ăn cơm chan cùng với canh
Nhiều người có thói quen ăn cơm chan cùng với canh, bát cơm luôn có hỗn hợp cơm và nước. Tuy cách ăn này rất đưa cơm, dễ nuốt, nhưng nó lại không hề tốt cho sức khỏe.
Canh rau củ thường chứa nhiều muối và calo. Chan canh vào cơm tạo cảm giác dễ ăn, có thể khiến bạn vô thức ăn thêm một vài bát cơm. Thói quen này nếu duy trì trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu và các bệnh về dạ dày.
Với những người có hệ tiêu hóa kém, nó còn dễ gây ra tình trạng thừa axit dạ dày, đầy bụng, khó tiêu và nhiều hệ lụy về sức khỏe khác.
4. Thói quen ăn cố cho hết thức ăn thừa
Khi nấu hoặc gọi quá nhiều món ăn, chúng ta dù đã no nhưng vẫn cố gắng ăn hết vì tiếc của. Tuy nhiên, nếu tiếp tục ăn thì lượng calo nạp vào cơ thể sẽ vượt xa mức tiêu chuẩn, từ đó gây ra tình trạng tăng cân.
5. Thường xuyên ăn đồ ăn vặt
Những người béo thường không thể thiếu đồ ăn vặt trong tay. Các món ăn vặt như khoai tây chiên, bim bim, bánh kẹo... nếu ăn thường xuyên sẽ gây tăng cân, bởi chúng không chỉ có hàm lượng calo cao, mà còn chứa nhiều chất béo chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường...
6. Chỉ uống nước khi khát
Khi cảm thấy khát nghĩa là cơ thể đã ở trong tình trạng mất nước nhẹ, uống nhiều nước vào thời điểm này thực chất không tốt cho sức khỏe.
Muốn không tăng cân hoặc giảm cân thì thường ngày chúng ta cũng nên chú ý đến thói quen uống nước. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc duy trì đủ nước trong cơ thể có thể giúp giảm cân.
Uống nước không chỉ tạo cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn, mà còn giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể và giữ gìn vóc dáng.
(Ảnh minh họa)
7. Ăn uống theo tâm trạng
Đói vì tâm trạng là nguyên nhân rất lớn khiến nhiều người ăn uống vô độ và không thể giảm cân hiệu quả. Có những người khi cảm thấy buồn chán, tồi tệ, thường không kiểm soát được cơn thèm ăn, và ăn mất kiểm soát.
Tuy nhiên cảm giác đói này không thể được giải tỏa bằng cách ăn uống, và ngay cả khi đã no thì bạn vẫn có thể muốn ăn thêm. Để rồi ăn xong, cảm giác tội lỗi, hối hận trào dâng, khiến tâm trạng bạn càng thêm tồi tệ, từ đó rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Nếu thường xuyên ăn uống theo tâm trạng mà không kiểm soát, bạn sẽ ngày càng béo lên, đồng thời có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, mỡ máu, gan nhiễm mỡ và các rủi ro sức khỏe khác.
Theo vtc.vn