Theo Hội gan mật Việt Nam, gan là một cơ quan lớn của cơ thể có nhiều chức năng quan trọng như: chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tiết ra mật, ngăn chặn các chất độc... Các chức năng trên bị ảnh hưởng khi tế bào gan bị tổn thương, cũng như chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Bệnh nhân mắc các bệnh về gan ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày với những thực phẩm bổ dưỡng cho gan. Cùng với đó nên tìm hiểu những loại thực phẩm gây hại cho gan, bệnh nhân cần kiêng hoặc hạn chế tiêu thụ.
Các thực phẩm gây hại tuy không phải yếu tố chính gây ung thư gan nhưng chúng cũng góp phần vào việc tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Do đó, nếu ăn uống cẩn thận, đúng cách, người mắc bệnh về gan sẽ có thêm cơ hội ngăn ngừa ung thư gan.
1. Thức ăn nhanh
Chuyên gia của Hội gan mật Việt Nam cho biết, phải giảm bớt mỡ trong chế độ ăn vì khi tế bào gan bị tổn thương thì lập tức trong bào tương của nó sinh ra những giọt mỡ có thể bóp nghẹt hạt nhân của tế bào và giết chết tế bào. Đó là hiện tượng thoái hóa mỡ của gan. Vì vậy chế độ ăn có nhiều lipid phải loại trừ ngay.
Thức ăn nhanh có xu hướng chứa nhiều đường, muối và chất béo hơn mức gan có thể xử lý. Một nghiên cứu năm 2023 phát hiện ra rằng những người ăn đồ ăn nhanh trong 20% hoặc hơn các bữa ăn của họ sẽ tích tụ quá nhiều chất béo trong gan. Điều này khiến cho gan phải làm việc với công suất cao gây tổn thương gan và còn tệ hơn đối với những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc thừa cân.
Các loại thức ăn nhanh phổ biến:
- Hamburger
- Gà rán
- Pizza
- Hotdog
- Bánh mì kẹp
2. Thực phẩm siêu chế biến
Thực phẩm siêu chế biến đã được bảo quản, tinh chế và chúng chứa nhiều chất phụ gia để có thời gian sử dụng lâu hơn so với thực phẩm tươi. Để phát hiện thực phẩm siêu chế biến, hãy kiểm tra bảng thành phần. Gan phải xử lý các chất phụ gia và chất bảo quản này ngoài đường, muối và chất béo có trong thực phẩm sẽ dẫn đến quá tải. Ăn quá nhiều thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và các bệnh ung thư.
Các loại thực phẩm siêu chế biến phổ biến:
- Bánh ngọt, bánh quy và kẹo đóng gói
- Khoai tây chiên
- Các thực phẩm ăn liền (mì, phở ăn liền, xúc xích ăn liền,...)
3. Thực phẩm chứa đường bổ sung
Một gánh nặng lớn cho gan chính là đường bổ sung có trong các loại đồ ngọt, đồ uống giải khát, bánh kẹo... Thói quen ăn uống nhiều các sản phẩm chứa đường bổ sung sẽ mang lại phản ứng bất lợi cho gan.
Khi căng thẳng hoặc mệt mỏi, chúng ta thường có xu hướng ăn đồ ngọt. Lượng đường bổ sung có trong những loại đồ ngọt khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để xử lý sẽ gây căng thẳng cho gan. Ăn nhiều đường dễ dẫn đến tăng cân, đây là một yếu tố gây bệnh gan nhiễm mỡ.
Các loại đường bổ sung thường thấy trong bảng thành phần bao gồm:
- Fructose: Có trong siro ngô, nước ngọt, trái cây đóng hộp, bánh kẹo.
- Sucrose: Đường ăn thông thường, có trong đường trắng, đường nâu.
- Glucose: Đường đơn giản, thường được thêm vào các sản phẩm thực phẩm và đồ uống.
- Dextrose, lactose hoặc maltose.
4. Chất làm ngọt nhân tạo
Chất làm ngọt nhân tạo là những hợp chất hóa học được sử dụng để tạo vị ngọt cho thực phẩm và đồ uống mà không cung cấp calo. Chúng thường được sử dụng trong các sản phẩm dành cho người ăn kiêng, người bệnh đái tháo đường hoặc những người muốn giảm lượng đường tiêu thụ.
Một số nghiên cứu cho thấy những chất thay thế đường này có thể không tốt cho gan và ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn có lợi trong ruột. Chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể và gây ra hậu quả cho quá trình tiêu hóa cũng như các vấn đề về gan ở một số trường hợp.
Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ nhiều chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến tăng cân, béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh về gan, bao gồm gan nhiễm mỡ. Vào năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo như một cách để giảm cân.
Các chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến bao gồm:
- Aspartam
- Acesulfame kali (Ace-K)
- Đường sucralose
- Neotame
- Advantame
- Đường saccarin
Để bảo vệ sức khỏe gan, mọi người nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều chất phụ gia. Thay vì sử dụng các sản phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo, nên ưu tiên các loại thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau củ để cung cấp vị ngọt tự nhiên.
5. Ngũ cốc tinh chế
Ngũ cốc tinh chế được chế biến để thay đổi kết cấu, hình thức hoặc hương vị. Những chất xơ và các vitamin và khoáng chất quan trọng bị loại bỏ trong quá trình tinh chế khiến ngũ cốc mất đi lợi ích đối với vi khuẩn đường ruột, điều này rất quan trọng để giữ cho đường ruột khỏe mạnh.
Khi ăn ngũ cốc tinh chế, lượng đường trong máu tăng nhanh hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ và viêm gan.
Các loại thực phẩm phổ biến được làm từ ngũ cốc tinh chế bao gồm:
- Bánh mì trắng
- Bánh bao
- Bánh ngọt
- Bột yến mạch
- Gạo trắng
- Thực phẩm làm từ bột mì trắng hoặc bột mì đa dụng
6. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Ăn nhiều những thực phẩm này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gan nhiễm mỡ.
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn bao gồm:
- Thịt bò, thịt cừu và thịt lợn
- Nội tạng động vật
- Xúc xích
- Thịt xông khói
7. Rượu bia gây hại cho gan
Uống rượu, bia gây tổn thương gan. Uống nhiều rượu, bia cùng với việc ăn các loại thực phẩm được đề cập ở trên có thể đẩy nhanh quá trình ảnh hưởng xấu đến gan.
Các nghiên cứu cho thấy, uống rượu thúc đẩy tổn thương gan và tăng khả năng phát triển xơ gan. Ngay cả một lượng rượu vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ bị xơ hóa. Sử dụng rượu quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan, một loại ung thư gan.
Vì vậy, để bảo vệ chức năng gan, ngăn ngừa nguy cơ tổn thương gan dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan, người bệnh viêm gan cần kiêng tuyệt đối uống rượu bia.
Theo suckhoedoisong.vn