1. Tại sao thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến tim mạch?

Mãn kinh thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 đến 55, đánh dấu sự chấm dứt kinh nguyệt và suy giảm sản xuất estrogen.

Estrogen là một loại hormone được sản xuất tự nhiên trong cơ thể phụ nữ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Estrogen còn cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh động mạch vành (giảm nguy cơ đau tim), giúp kiểm soát mức cholesterol (làm giảm nguy cơ tích tụ mảng bám bên trong thành động mạch).

Trong và sau thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ dần sản xuất ít estrogen hơn trước. Điều này làm tăng nguy cơ thu hẹp động mạch vành trong khi trước đây nó bảo vệ lớp lót của thành động mạch làm giảm sự tích tụ mảng bám. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành hoặc tình trạng tuần hoàn như đột quỵ.

Ngoài ra, khi cơ thể già đi, các mạch máu có thể trở nên cứng hơn do huyết áp cao. Đây cũng là yếu tố nguy cơ liên quan đến đau tim và đột quỵ.

photo-1696306695337

Suy giảm estrogen ở phụ nữ mãn kinh là nguy cơ gây bệnh tim mạch.

2. Yếu tố nào làm trầm trọng hơn bệnh tim mạch ở phụ nữ mãn kinh?

Khi phụ nữ bước sang tuổi 50, độ tuổi mãn kinh tự nhiên, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên đáng kể. Những phụ nữ trẻ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hoặc mãn kinh do phẫu thuật, không dùng estrogen cũng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

Phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nếu:

  • Mắc bệnh đái tháo đường.
  • Hút thuốc.
  • Huyết áp cao.
  • Cholesterol cao.
  • Béo phì.
  • Lối sống ít hoạt động.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
photo-1696306697623
 

Tiền sử gia đình mắc bệnh tim làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ mãn kinh

3. Dấu hiệu cơ thể cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch thời kỳ mãn kinh

- Tăng cân: Nhiều phụ nữ sau mãn kinh nhận thấy tăng cân, đặc biệt là quanh vùng bụng. Điều này có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, vì mỡ bụng dư thừa có liên quan đến các vấn đề về tim mạch.

- Thay đổi tâm trạng và hành vi: Sự dao động nội tiết trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến tâm trạng thất thường, cáu kỉnh và thậm chí trầm cảm. Những thay đổi cảm xúc này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe tim mạch thông qua việc lựa chọn lối sống.

- Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường: Nguy cơ này tăng lên sau thời kỳ mãn kinh làm tăng đáng kể các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.

- Triệu chứng thời kỳ mãn kinh: Nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm và rối loạn giấc ngủ là những triệu chứng thường gặp sau mãn kinh. Những điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng, gây bất lợi cho sức khỏe tim mạch.

photo-1696306698641

Các triệu chứng thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

4. Biện pháp ngăn ngừa bệnh tim sau mãn kinh

Do nguy cơ mắc bệnh tim tăng cao trong và sau thời kỳ mãn kinh nên phụ nữ trên 50 tuổi phải chủ động bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình. 

Dưới đây là 5 lời khuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim sau mãn kinh:

- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, tăng cường tim và mạch máu, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể. Đặt mục tiêu hoạt động aerobic cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.

- Quản lý cân nặng: Tăng cân là điều bình thường sau khi mãn kinh nhưng bạn nên chú ý đến cân nặng và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nguyên nhân do cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Để quản lý cân nặng hiệu quả, bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

photo-1696306699080

Tập thể dục thường xuyên giúp quản lý cân nặng và ngăn ngừa bệnh tim mạch.

- Chế độ ăn uống lành mạnh: Áp dụng chế độ ăn có lợi cho tim, nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, natri và đường bổ sung. Ưu tiên thực phẩm hỗ trợ sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như cá béo, các loại hạt và dầu ô liu.

- Kiểm soát huyết áp: Thường xuyên theo dõi huyết áp. Giữ huyết áp dưới 140/90 mm Hg là điều cần thiết cho sức khỏe tim mạch. Nếu huyết áp của bạn tăng cao, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hướng dẫn về thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc.

- Quản lý lượng đường và cholesterol trong máu: Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Lượng đường trong máu lúc đói phải dưới 100 mg/dL và mức sau bữa ăn (sau khi ăn) phải dưới 140 mg/dL.

Ngoài ra, bạn cần theo dõi mức cholesterol. Đặt mục tiêu đạt mức HDL (cholesterol tốt) cao, trên 40 mg/dL. Ngược lại, hãy cố gắng đạt được mức chất béo trung tính và LDL (cholesterol xấu) ở mức thấp.

- Quản lý căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, tập thở sâu hoặc yoga. Quản lý căng thẳng có thể tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch của bạn.

- Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu có thể góp phần gây ra bệnh cao huyết áp và các vấn đề khác liên quan đến tim. Do đó, bạn nên hạn chế uống rượu, nếu có chỉ nên uống theo khuyến cáo, 1ly/ngày, không uống quá 5 ngày/tuần.

Theo suckhoedoisong.vn