Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sẽ khác hẳn ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Bệnh lý tim mạch là bệnh lý gây tử vong đứng đầu ở phụ nữ sau thời kỳ tiền mãn kinh.

Trên thực tế, tôi gần như rất ít gặp bệnh nhân nữ dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, bệnh nhân nam giới bị nhồi máu cơ tim khá nhiều ca trẻ tuổi, thậm chí chỉ từ 20-30 tuổi. Điều gì góp phần như vậy? Đó chính là do lượng estrogen ở phụ nữ. Tuy nhiên, khi phụ nữ vào thời kỳ tiền mãn kinh, đó là khoảng thời gian các nguy cơ tim mạch tăng cao nhất. Thậm chí, ở những phụ nữ trẻ tuổi bị tiền mãn kinh sớm hoặc có phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng mà không dùng estrogen, nguy cơ bệnh lý tim mạch cũng cao hơn bình thường. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh cũng có các nguy cơ khác thúc đẩy làm gia tăng bệnh lý tim mạch, đó là đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol xấu (LDL cholesterol), giảm cholesterol tốt (HDL cholesterol), béo phì và ít hoạt động.

Tiền mãn kinh là một diễn tiến tự nhiên của phụ nữ. Chúng ta không thể tránh được điều này cũng như không thể tránh được việc chúng ta ngày càng già đi. Trong thời kỳ tiền mãn kinh phụ nữ cũng có nhiều triệu chứng bất thường như bốc hỏa, cảm giác mệt mỏi không giải thích được, ra mồ hôi về đêm, khô vùng âm đạo, kinh nguyệt không đều, ngủ kém, tính khí thất thường, da và tóc khô, giảm trí nhớ, giảm khả năng tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ tiền mãn kinh nên đi khám bệnh ngay nếu như bạn có một trong những triệu chứng sau:

Hồi hộp đánh trống ngực

Đó là cảm giác tim đập rất nhanh, có những lúc thấy như hẫng ở ngực. Tim đập rất nhanh thời kỳ này có thể do cơn tim nhanh kịch phát trên thất. Cơn tim nhanh kịch phát trên thất thời kỳ này thường là cơn tim nhanh vòng vào lại nút nhĩ thất. Rất may cơn tim nhanh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng đốt có tần số radio. Một cơn tim nhanh nữa cũng hay gây hồi hộp đánh trống ngực thời kỳ này đó là cơn rung nhĩ. Nhận biết cơn rung nhĩ là rất quan trọng trong thời kỳ này vì nó có thể gây ra tai biến mạch não cho bạn. Rung nhĩ về lâu dài cũng có thể dẫn tới suy tim. Điều trị rung nhĩ có thể triệt đốt bằng sóng có tần số radio trên hệ thống lập bản đồ 3 chiều hoặc có thể dùng thuốc khống chế nhịp hoặc dùng thuốc chống loạn nhịp chuyển về nhịp xoang.

Khó thở

Nếu leo lên thang gác mà bạn thấy khó thở, hãy đến khám bác sĩ. Bởi đây có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành hoặc suy tim. Khó thở cũng có thể là triệu chứng thường gặp của rung nhĩ. Khi có triệu chứng này, thường các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim để chẩn đoán.

Cảm giác đè nặng ở ngực

Triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh lý mạch vành. Chúng ta đừng nghĩ là nhồi máu cơ tim phải là đau như xé ngực. Nó nhiều khi chỉ là cảm giác bị đè ở ngực, thậm chí thấy đè nhẹ ở ngực. Cảm giác này có thể bị tái đi tái lại với ngày càng nhiều hơn. Khi có triệu chứng này, bạn nên đến khám ngay ở các phòng khám chuyên khoa tim mạch.

Đau đầu

Đau đầu là triệu chứng khá thường gặp ở người tiền mãn kinh. Khi có triệu chứng này không được bỏ qua, hãy kiểm tra ngay huyết áp của bạn. Nó có thể là triệu chứng của tăng huyết áp và có thể là tiền triệu của tai biến mạch não.

Hoa mắt chóng mặt hoặc choáng

Nó có thể do nhiều các rối loạn khác nhau như đái tháo đường, suy tim hoặc rối loạn nhịp như là rung nhĩ hoặc nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Đau hàm

Điều này có thể là triệu chứng của trái tim không khỏe mạnh. Nó có thể là triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim ở phụ nữ tiền mãn kinh. Đặc biệt khi đau hàm tái đi tái lại nhiều lần. Các lần sau càng ngày càng tăng về chu kỳ và thời gian cơn đau.

Phù chân

Phụ nữ khi còn kinh nguyệt hay bị phù nhẹ chân khi đang trong thời kỳ kinh. Trong thời kỳ tiền mãn kinh triệu chứng này có thể do ứ đọng dịch ở chân. Triệu chứng này có thể là do tình trạng suy tim ứ trệ. Khi có triệu chứng này, bạn cũng nên đến khám ở các phòng khám chuyên khoa tim mạch.

Khó nằm đầu bằng

Khi có triệu chứng này có thể do bạn bị ứ đọng dịch ở phổi và là triệu chứng suy tim. Cần tới khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng này.

Theo Sức khỏe và đời sống