1. Ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột
Đây là một sai lầm thường gặp ở nhiều bệnh nhân trầm cảm. Sau khi dùng thuốc chống trầm cảm một thời gian, nhiều người thấy các triệu chứng bệnh đã cải thiện, đã tự ý ngừng dùng thuốc, vì cho rằng mình đã khỏi bệnh.
Trên thực tế thuốc chống trầm cảm có thể phải dùng trong ít nhất 6 tháng, hoặc một năm, để ngăn ngừa tái phát bệnh. Không những thế, một số người có thể cần dùng thuốc chống trầm cảm kéo dài để kiểm soát các triệu chứng.
TS. BS. Trịnh Thị Bích Huyền, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Việc ngừng dùng thuốc khi chưa dùng hết lộ trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ, có thể khiến người bệnh trở lại trạng thái trầm cảm, thậm chí các triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Thuốc chống trầm cảm được cho là không gây nghiện nhưng nếu dừng thuốc đột ngột hoặc quên không uống thuốc có thể gây ra những cảm giác khó chịu giống như hội chứng cai thuốc với những biểu hiện: Hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi, khó chịu trong người, lơ mơ...
Nên: Người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo đơn bác sĩ đã kê. Nếu muốn ngừng dùng thuốc chống trầm cảm hoàn toàn, cần trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách ngừng dùng thuốc một cách an toàn theo thời gian, bằng cách giảm dần lượng thuốc.
2. Không thông báo khi gặp tác tác dụng phụ của thuốc
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chống trầm cảm bao gồm: Tăng cân, thay đổi khẩu vị, khô miệng, buồn nôn, táo bón, mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, bồn chồn hoặc lo lắng, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương…
Tuy nhiên, các tác dụng phụ sẽ hết trong vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân vẫn gặp các tác dụng phụ kéo dài... rồi tự ý bỏ thuốc.
Nên: Thay vì bỏ liều hoặc ngừng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ mà bạn đang gặp phải. Bác sĩ sẽ có các giải pháp phù hợp, ví dụ: Giảm liều thuốc chống trầm cảm hoặc chuyển sang thuốc khác có thể hiệu quả hơn.
3. Lạm dụng rượu hoặc ma túy khi dùng thuốc chống trầm cảm
Lạm dụng ma túy hoặc rượu gây ảnh hưởng đối với những người dùng thuốc chống trầm cảm. Việc sử dụng các loại thuốc như cần sa, cocaine, amphetamine, heroin hoặc ketamin trong khi dùng thuốc chống trầm cảm có thể làm cho các triệu chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.
Nên: Đối với người lạm dụng sử dụng rượu hoặc ma túy, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách chấm dứt những thói quen này.
4. Không khai báo về các loại thuốc/chất bổ sung đang dùng
Việc không cho bác sĩ biết về các loại thuốc hoặc chất bổ sung đang dùng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người bệnh, bởi thuốc chống trầm cảm có thể tương tác với nhiều loại thuốc và chất bổ sung khác nhau.
Nên: Trước khi dùng thuốc chống trầm cảm, cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc và chất bổ sung đang sử dụng.
5. Không nói với bác sĩ về các bệnh đang mắc phải
Thuốc chống trầm cảm có thể gây ảnh hưởng cho những người mắc một số bệnh lý. Do đó, việc không trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh đang mắc có thể khiến việc dùng thuốc chống trầm cảm gặp rủi ro nghiêm trọng. Chẳng hạn, thuốc chống trầm cảm cần được kê đơn một cách cẩn thận cho những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, vì chúng có thể gây ra cơn hưng cảm ở một số người.
Nên: Nên trao đổi với bác sĩ các tình trạng sức khỏe của bạn để được tư vấn, kê đơn và hướng dẫn dùng thuốc đúng, an toàn. Việc cung cấp cho bác sĩ tâm thần càng nhiều thông tin thì càng giúp tránh được những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra.
6. Không khám bác sĩ chuyên khoa
Nhiều người dùng thuốc trầm cảm theo mách bảo, theo đơn của người khác do ngại đi khám, sợ tốn kém… Tuy nhiên, đây là sai lầm nghiêm trọng. Việc chẩn đoán, điều trị trầm cảm không chính xác có thể khiến bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn.
TS. BS. Trịnh Thị Bích Huyền nhấn mạnh, bệnh nhân không được tự ý đi mua thuốc về dùng hoặc tự điều chỉnh thuốc; không được dùng đơn thuốc của người khác... vì mỗi cơ thể sẽ có phác đồ điều trị, liều lượng thuốc khác nhau. Việc dùng thuốc chống trầm cảm cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nên: người bệnh nên đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và hướng dẫn điều trị trầm cảm chính xác, phù hợp và hiệu quả.
7. Chỉ uống thuốc chống trầm cảm để kiểm soát các triệu chứng trầm cảm
Mặc dù thuốc chống trầm cảm có hiệu quả với bệnh trầm cảm, nhưng thuốc sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi được kết hợp với nhiều biện pháp can thiệp để giải quyết giai đoạn trầm cảm. Việc chỉ dựa vào việc uống thuốc mà không kết hợp với các liệu pháp tâm lý khác sẽ khiến cho việc điều trị lâu dài và hiệu quả không cao.
Nên: Kết hợp dùng thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý để điều trị trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp thay đổi lối sống để hỗ trợ cải thiện tâm trạng nhằm kiểm soát chứng trầm cảm: Thực hiện chế độ ăn lành mạnh với các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các loại hạt. Đồng thời, kết hợp tập thể dục ít nhất 30 phút (như đi bộ, chạy bộ hoặc đi xe đạp) từ 3 đến 5 ngày/tuần.
8. Không nói với bác sĩ khi thuốc chống trầm cảm không có tác dụng
Một số bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm có thể có hiệu quả hơn những người khác. Nhưng một số bệnh nhân lại không mấy cải thiện các triệu chứng bệnh khi dùng thuốc. Nhiều người đã lựa chọn tiếp tục dùng thuốc mà không trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Đây là một sai lầm. Việc không trao đổi với bác sĩ về tác dụng của thuốc làm giảm hiệu quả điều trị bệnh, khiến bệnh có thể trầm trọng hơn, khó điều trị hơn.
Nên: Nếu thuốc chống trầm cảm không có tác dụng, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp hơn.
Việc dùng thuốc chống trầm cảm theo đơn nhưng không cải thiện các triệu chứng bệnh, có thể bạn mắc chứng trầm cảm kháng trị. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng, vì những người bị mắc chứng trầm cảm kháng trị có thể điều trị bằng các liệu pháp: Tâm lý trị liệu, kích thích từ trường xuyên sọ, liệu pháp chống co giật hoặc kích thích dây thần kinh phế vị…
Theo suckhoedoisong.vn