1. Tư thế cái cây
Đây là tư thế giữ thăng bằng trên một chân. Để thực hiện tư thế này và giữ được trong một khoảng thời gian cần sự tập trung cao.
Chính vì vậy sẽ giúp người tập tạm tránh xa lịch trình bận rộn do công việc hay học tập và hướng sự tập trung vào động tác.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng lưng.
- Lấy chân trái làm trụ, dồn trọng lượng cơ thể sang chân trái.
- Nhấc chân phải lên khỏi sàn và dùng tay nắm chân phải, đưa lòng bàn chân phải áp vào gốc đùi bên trái sao cho đầu gối phải hướng ra ngoài.
- Giơ hai tay qua đầu.
- Hít vào và thở ra thật sâu. Giữ tư thế trong 6 giây.
- Chuyển đổi với chân kia.
Tư thế cái cây.
2. Trồng cây chuối nâng cao sự tập trung
Khi thực hiện động tác này, người tập phải thực sự tập trung vào từng chuyển động của cơ thể sao cho vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng để giữ thăng bằng bằng đầu. Đây là tư thế hiệu quả cải thiện sự tập trung, giúp tăng cường máu lên não, giảm chóng mặt.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp trên sàn nhà. Thư giãn.
- Đặt hai cẳng tay gần đầu hoặc trên mặt đất tùy ý. Chúc đỉnh đầu xuống sàn.
- Bắt đầu từ từ nâng đầu gối lên rời khỏi sàn.
- Siết cơ bung và tập trung
- Nâng cả hai chân lên với các ngón chân hướng lên trần nhà. Đảm bảo toàn bộ cơ thể nằm trên một đường thẳng.
- Giữ nguyên tư thế đó trong ít nhất ba đến năm phút.
- Trở về tư thế ban đầu và thư giãn.
Tư thế trồng cây chuối.
3. Tư thế tay chạm ngón chân cái
Đây là một tư thế ít được biết đến do đòi hỏi sự cân bằng và tập trung cao độ. Mặc dù có vẻ dễ dàng thực hiện nhưng nó đòi hỏi sự linh hoạt và sức mạnh cơ thể. Do đó, người tập sẽ phải mất một thời gian để cải thiện sự tập trung và sức mạnh tư duy khi thực hiện bài tập này.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng trên mặt đất. Trụ chắc bằng chân trái.
- Nhấc chân phải lên cao, dùng tay phải nắm lấy mé ngoài chân phải hoặc dùng các ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái tay phải nắm lấy ngón chân trái và đưa thẳng sang ngang.
- Tay trái sang ngang. Mắt nhìn vào một điểm phía trước để tập trung và giữ thăng bằng.
- Giữ tư thế trong 6 giây. Hạ chân phải xuống và đổi bên.
Lưu ý: Không thực hiện động tác này nếu bạn bị chấn thương đầu gối hoặc đã trải qua phẫu thuật.
Tay chạm ngón chân cái.
4. Tư thế chiến binh
Tư thế chiến binh có nhiều biến thể, và đây là một biến thể phổ biến và được biết đến nhiều nhất, được gọi là Virabhadrasana, có tác dụng tăng cường sự tập trung do động tác đòi hỏi ổn định cơ thể, giảm căng thẳng tinh thần.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng lưng, từ từ cuộn từng đốt sống cong người về phía trước, hai bàn tay áp xuống sàn.
- Chống chắc tay, duỗi thẳng chân trái về phía sau, gót chân hướng lên trần.
- Chân phải tạo thành góc 90 độ. Đưa hai tay lên cao qua đầu, giữ lưng thẳng, mắt nhìn về giữa hai tay. Tập trung giữ tư thế thăng bằng và kéo căng chân trái.
- Giữ tư thế trong 6 giây rồi đưa chân trái về cạnh chân phải, hai tay áp xuống sàn, tiếp tục đưa chân phải ra sau và thực hiện tư thế chiến binh trên chân phải.
Lưu ý: Nếu bạn đang bị tiêu chảy hoặc rối loạn tủy sống thì không nên tập động tác này.
Tư thế chiến binh.
5. Tư thế đại bàng
Đây là động tác hiệu quả để tăng khả năng tập trung và trí nhớ, đồng thời giúp cân bằng toàn bộ cơ thể thông qua các động tác vặn và uốn cong. Để thực hiện, người tập cần gạt bỏ cuộc sống bận rộn và danh sách việc cần làm và những lo lắng sang một bên và chỉ tập trung vào sự cân bằng của cơ thể, ghi nhớ động tác vặn người và hướng tới việc củng cố tinh thần và thể chất của mình.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng trên mặt đất. Trụ chắc bằng chân trái.
- Nâng chân phải lên, hơi cong chân trái và bắt chéo chân phải qua vùng đùi trái sao cho mu bàn chân phải áp vào bụng chân trái. Mắt nhìn vào một điểm và người tập cần thật sự tập trung để giữ thăng bằng.
- Nâng hai khuỷu tay lên ngang vai. Bắt chéo khuỷu tay phải qua bên trái sao cho hai lòng bàn tay chạm nhau.
- Hít vào, thở ra thật sâu và tập trung
- Giữ tư thế trong 20 giây nếu có thể.
- Từ từ hạ chân phải, bung tay, bung chân trở về tư thế đứng thẳng.
- Thư giãn và đổi bên.
Lưu ý: Không thực hiện tư thế này nếu bạn đang mang thai.
Tư thế đại bàng.
6. Tư thế bán nguyệt
Tên gọi của tư thế này xuất phát từ hình dáng cơ thể trông giống như một nửa vầng trăng khi thực hiện. Ở đây, cơ thể được giữ cân bằng trên một chân với sự hỗ trợ của một cánh tay có tác dụng hướng cơ thể và tâm hồn tập trung vào thời điểm hiện tại.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, hai chân rộng bằng hông.
- Cuộn từng đốt sống lưng, đưa người về phía trước, hai bàn tay áp xuống sàn. Khoảng cách giữa tay và chân bằng chính chiều dài thân mình.
- Chuyển trọng lượng vào chân phải và tay phải.
- Từ từ nâng và duỗi căng chân trái ra sau, đưa cánh tay trái hướng lên trần. Mắt nhìn thẳng vào một điểm để giữ thăng bằng. Lúc này, cơ thể như một mặt phẳng nghiêng với lồng ngực không úp xuống mà hướng ra ngoài bên phải.
- Giữ tư thế lâu nhất trong khả năng.
Tư thế bán nguyệt.
7. Tư thế con quạ
Tư thế con quạ là một tư thế khá khó thực hiện do đòi hỏi sức mạnh của cánh tay, sự cân bằng của cơ thể và khả năng tập trung cao. Do đó, đây là một tư thế thường được áp dụng để cải thiện sự tập trung.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, cúi người về phía trước, áp hai lòng bàn tay xuống sàn với chiều rộng bằng vai.
- Uốn cong cánh tay và đồng thời nâng hai gót chân. Điều chỉnh khoảng cách cánh tay và chân sao cho hai đầu gối gác được lên hai cánh tay.
- Siết cơ bụng và hơi đưa người về phía trước để nâng hai chân khỏi mặt đất.
- Giữ nguyên tư thế trong 20 giây.
Tư thế con quạ.
8. Kiểm soát hơi thở
Với bài tập này, cơ thể và năng lượng bên trong được đưa vào hoạt động đúng hướng, làm thư giãn mọi căng thẳng, mang lại sự nhẹ nhõm và hướng tới một tâm trí bình tĩnh và khỏe mạnh. Tập trung vào hơi thở giúp người tập tạm thời gạt bỏ áp lực, nỗi lo lắng, muộn phiền trong cuộc sống.
Cách thực hiện:
- Ngồi xuống sàn một cách thoải mái, giữ lưng thẳng.
- Hãy chắc chắn rằng bạn quên đi mọi lo lắng và tập trung vào hiện tại
- Đặt ngửa hai lòng bàn tay lên đùi, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau.
- Nhắm mắt lại
- Hít vào và thở ra thật sâu và tập trung.
- Thực hiện bài tập trong 3-5 phút.
Kiểm soát và tập trung vào hơi thở.
Theo suckhoedoisong.vn