Rượu: Theo Business Insider, khi bạn bị ớn lạnh, có lẽ đồ uống mang lại cảm giác nóng như rượu rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bạn nên tránh uống rượu bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi vì nó có thể gây mất nước. Thậm chí, đồ uống có cồn còn cản trở hiệu quả của các loại thuốc kháng sinh, đồng thời gây hại dạ dày và gan. Ảnh: Vox.
Đồ uống chứa caffeine: Cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine có thể khiến cơ thể càng mất nước và khiến tình trạng đau nhức cơ trở nên tồi tệ hơn khi bị ốm. Vì caffeine là chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều. Kết hợp với các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy, caffeine sẽ chỉ khiến tình trạng mất nước thêm trầm trọng. Ảnh: Healthline.
Đồ ăn vặt: Đồ ăn nhiều dầu mỡ và chiên rán có vẻ hấp dẫn khi cảm thấy nhạt miệng vì bị ốm. Tuy nhiên, chúng lại chứa nhiều chất béo gây viêm, có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm từ trước trong cơ thể. Đồng thời, những thực phẩm này cũng khó phân hủy và ảnh hưởng hệ tiêu hóa. Ảnh: Dipa.
Ngũ cốc khó tiêu hóa: Cảm cúm đôi khi khiến bạn bị đau bụng, vì vậy, bạn nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như carbohydrate đơn, tinh chế. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như bánh quy khô, bánh mì nướng và bánh quy giòn dễ gây đau bụng và khó tiêu hóa khi bạn bị cảm cúm. Ngoài ra, nếu bạn bị đau họng hoặc ho, những thực phẩm khô này có thể kích thích cổ họng. Ảnh: Teabreakfast.
Thức ăn hoặc đồ uống có đường: Nhiều người nghĩ rằng nước ép trái cây giàu vitamin C là thứ tốt nhất để uống khi bị ốm. Tuy nhiên, đồ uống này không giàu dinh dưỡng như mọi người tưởng lầm và có thể làm viêm hệ thống miễn dịch vì chứa đường. Những thực phẩm chứa đường tinh luyện cũng làm tăng tình trạng viêm và giảm khả năng hoạt động hiệu quả của các tế bào bạch cầu. Ảnh: Medicalnewstoday.
Súp đóng hộp: Giống nước ép trái cây, súp đóng hộp có thể là "cứu cánh" cho những ngày ốm yếu. Nhưng thực phẩm này lại thường không có nhiều dinh dưỡng và chứa natri, tăng nguy cơ mất nước và gây viêm cho cơ thể. Ảnh: Eatingwell.
Kem: Theo Eatthis, nhiều người nghĩ rằng ăn kem có thể làm dịu cơn đau họng, khiến bạn thoải mái hơn khi bị ốm. Tuy nhiên, hầu hết kem được làm từ sữa đầy đủ chất béo, có nghĩa là thực phẩm này chứa nhiều chất béo bão hòa gây viêm. Ngoài ra, đồ ngọt có nhiều đường này có thể làm tăng tình trạng viêm, không tốt cho hệ miễn dịch đang bị suy yếu. Ảnh: Eatthis.
Đồ ăn cay: Bạn không nên ăn cay khi bị ốm, đặc biệt nếu sổ mũi là một trong những triệu chứng chính. Hợp chất capsaicin trong ớt là chất kích thích đường mũi, khiến chất nhầy tiết ra nhiều hơn. Ảnh: Newstextarea.
Đu đủ: Loại trái cây nhiệt đới này là thực phẩm có khả năng giải phóng histamine, chất gây tắc nghẽn. Histamine có khả năng làm cho đường mũi sưng lên, dẫn đến cảm giác nghẹt và chảy nước mũi. Vì vậy, bạn nên tránh ăn đu đủ cho đến khi đường mũi thông thoáng và không còn tắc nghẽn. Ảnh: Saudedica
Theo zingnews