|
|
Một số loại thực phẩm chứa nống độ cortisol cao, gây căng thẳng, thúc đẩy cảm giác thèm ăn, dẫn đến nguy cơ tăng cân. Ảnh:Shutterstock. |
Công việc, lạm phát, điểm kém đều là lý do khiến bạn trở nên căng thẳng, áp lực. Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, ước tính khoảng 77% người trẻ ở Mỹ đang phải đối diện với căng thẳng hàng ngày. Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể khiến bạn tăng cân. Khi căng thẳng, não gửi tín hiệu tới kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol và adrenaline dẫn đến tăng cân.
Theo Florence Comite, bác sĩ nội tiết được đào tạo tại Viện Y tế Quốc gia, lượng cortisol quá cao dẫn đến lượng đường huyết gia tăng gây tích tụ mỡ thừa.
Căng thẳng khiến bạn ăn nhiều khiến cân nặng tăng. Khi bị căng thẳng mạn tính, chúng ta có xu hướng ăn thực phẩm chứa nhiều carbohydrate. Nếu không biết kiểm soát lượng thức ăn nạp vào, bạn có thể căng thẳng ở mức cao hơn.
Bác sĩ thể thao Kellie K. Middleton cho biết: “Các loại thực phẩm gây căng thẳng chứa nồng độ cortisol cao cùng với sự gia tăng insulin, khiến bạn ăn uống vô độ, mất kiểm soát. Những thực phẩm này làm lượng đường huyết lên xuống bất thường. Khi đó, bạn sẽ tiêu thụ nhiều thực phẩm có đường, đồ ăn đã qua chế biến. Một lần nữa, cân nặng lại tăng nhanh".
Như vậy, chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây căng thẳng, dẫn đến tăng cân. Dưới đây là 9 thực phẩm gây căng thẳng mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị từ bỏ, theo Eat this not that.
|
|
Tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo làm tăng cảm giác thèm ăn dẫn đến tình trạng tăng cân Ảnh:Shutterstock. |
Bánh sừng bò, bánh nướng xốp
Theo tiến sĩ Middleton, những thực phẩm này chứa nhiều đường, chất béo, carbohydrate tinh chế khiến nồng độ cortisol tăng đột biến làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng.
Ở trạng thái này, nồng độ cortisol ở mức cao sẽ kích hoạt giải phóng insulin, tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tăng cân.
Cà phê
Chuyên gia dinh dưỡng Barbara Kovalenko cho biết bạn nên từ bỏ cà phê vào mỗi buổi sáng nếu không muốn tăng cân. Nồng độ cortisol trong cơ thể tăng và giảm một cách tự nhiên trong ngày theo chu kỳ nội tiết tố được gọi là đồng hồ sinh học.
Theo nghiên cứu, cơ thể giải phóng lượng cortisol cao nhất trong khoảng thời gian 6-10h, giúp bạn thức dậy nhanh chóng. Caffeine thúc đẩy sản xuất cortisol trong cơ thể, kích hoạt hệ thống phản ứng căng thẳng giúp bạn cảm thấy thoải mái.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng cà phê, bạn sẽ bồn chồn, lo lắng, áp lực. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thèm đường và carbs gây tăng cân.
Mì ống
Theo chuyên gia dinh dưỡng Kristina Ford, bạn có thể rất nhạy cảm với gluten ngay cả khi không mắc bệnh celiac. Celiac là loại bệnh đường ruột do mẫn cảm với thành phần gluten, gây khó khăn cho việc tiêu hóa các chất dinh dưỡng.
Gluten là loại protein được tìm thấy trong mì ống, bánh mì, có thể khiến cơ thể tiết ra cortisol. Những ảnh hưởng do dị ứng thực phẩm gây ra rất khó nhận biết. Người bị dị ứng sẽ có nguy cơ mắc chứng viêm cấp thấp khiến cơ thể luôn trong tình trạng căng thẳng.
Khi cortisol tăng cao, giải phóng hormone đói, gây rối loạn các hormone khác, bạn có xu hướng thèm ăn, khiến cơ thể tích tụ mỡ thừa gây tăng cân.
|
|
Đồ ăn siêu chế biến khiến bạn trở nên lo lắng, căng thẳng. Ảnh:Shutterstock. |
Đồ ăn siêu chế biến
Bánh quy, bánh tortilla, khoai tây chiên được coi là những thực phẩm siêu chế biến gây ra tình trạng lo lắng và căng thẳng tâm lý. Chuyên gia dinh dưỡng Mary Sabat, chủ sở hữu của Body Design, cho biết: “Ăn vô độ những thực phẩm này sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng cao".
Soda
Đồ uống có đường như soda, trà đá ngọt có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, cáu kỉnh, căng thẳng đầu óc.
Mary Sabat cho biết: “Soda kích hoạt giải phóng cortisol giúp cơ thể đối phó với căng thẳng. Mức độ cortisol cao có thể dẫn đến tích trữ chất béo ở vùng bụng, tăng cảm giác thèm ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn”.
Rượu
|
|
Rượu bia là nguyên nhân khiến bạn trở nên căng thẳng, béo phì. Ảnh:Shutterstock. |
Ngồi xem Netflix cùng một ly rượu có thể giúp bạn loại bỏ sự căng thẳng trong ngày. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khi uống rượu, lượng cortisol có thể cao hơn mức thường thấy. Điều này khiến bạn dễ căng thẳng, tăng cân.
Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Richards, tác giả của The Candida Diet, cho biết: “Uống rượu làm gián đoạn giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc làm tăng lượng cortisol, gây ra cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm giàu chất béo và carbohydrate vào sáng hôm sau”.
Bánh quế
Tiến sĩ Sony Sherpa của Nature’s cho biết các loại carbohydrate đã qua chế biến như bánh quế, bánh mì trắng được tiêu hóa nhanh chóng khiến lượng đường trong máu lên xuống bất thường dẫn đến cảm giác lo lắng.
Những thực phẩm như vậy không mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Ngược lại, chúng còn gây căng thẳng cho cơ thể, não bộ, làm bạn dễ tăng cân. Tiêu thụ một lượng lớn những thực phẩm này gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Thực phẩm chiên rán
Các loại thực phẩm chiên rán như gà rán, khoai tây chiên, cá rán, làm tăng hormone gây căng thẳng. Kristina Ford cho biết: “Những thực phẩm này có chứa nhiều chất béo làm tăng tình trạng viêm nhiễm, gia tăng cortisol".
Cơ thể gặp khó khăn hơn trong việc phân hủy chất béo chuyển hóa, không thể sử dụng nó làm nguồn nhiên liệu ngay lập tức. Các chất béo tích tụ trong cơ thể khiến bạn phải hoạt động nhiều hơn để tiêu thụ.
|
|
Thực phẩm chiên rán chứa nhiều chất béo làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Ảnh:Shutterstock. |
Theo tạp chí Advances in Nutrition, bạn nên tránh xa những thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa. Đây còn được gọi là dầu hydro hóa một phần, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến và dầu dùng để chiên thức ăn. Tiêu thụ quá nhiều chất béo này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch .
Pizza
Tiến sĩ Sherpa cho biết: “Thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, bánh pizza chứa nhiều muối, chất béo và calo dẫn đến sự gia tăng hormone gây căng thẳng".
Các sản phẩm từ sữa giàu chất béo không có giá trị dinh dưỡng khiến bạn dễ tăng cân, căng thẳng.
Chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ khiến cơ thể tích tụ mỡ thừa, tâm trạng bồn chồn, lo lắng.
Theo zingnews