leftcenterrightdel
Salad trái cây có dứa là món ăn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik 

 

Tăng cường tiêu thụ thực phẩm thực vật như dứa giúp giảm nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường và bệnh tim. Ăn dứa cũng giúp đẹp da, tăng độ khỏe tóc, tăng cường năng lượng, giảm cân. Lợi ích của thực phẩm tại các nghiên cứu chỉ ra có thể phòng các bệnh sau.

Phòng bệnh hen suyễn

Một trong những chất dinh dưỡng có trong dứa là beta-carotene giúp ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn. Chất beta-carotene có trong rau quả màu cam, vàng, xanh đậm như dứa, xoài, đu đủ, mơ, bông cải xanh, dưa đỏ, bí đỏ và carrot.

Kiểm soát huyết áp

Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng cho biết, nạp lượng kali phù hợp giúp giảm 20% nguy cơ tử vong do bệnh tật. Trong dứa chứa lượng kali cao, thích hợp hỗ trợ kiểm soát mắc chứng cao huyết áp.

Phòng ung thư

Lượng vitamin C dồi dào trong dứa giúp chống lại sự hình thành của các gốc tự do, ngăn phát triển ung thư. Dứa cũng chứa lượng xơ cao hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Giảm mắc tiểu đường

Người bệnh tiểu đường loại I có chế độ ăn giàu chất xơ có xu hướng kiểm soát được mức đường huyết. Ngoài ra, người mắc tiểu đường loại 2 dùng nhiều chất xơ sẽ dần cải thiện lượng đường trong máu, lipid và mức insulin. Một quả dứa có khoảng 13 g chất xơ.

leftcenterrightdel
Trong dứa chứa chất xơ tốt cho bữa ăn của người mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik 

 

Thúc đẩy hệ tiêu hóa

Ăn dứa còn giúp ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động ổn định. Dứa cũng giàu bromelain, là một enzyme giúp cơ thể tiêu hóa protein. Bromelain cũng làm giảm các tế bào miễn dịch gây viêm cytokine, làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.

Cải thiện khả năng sinh sản

Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa đã được chứng minh tốt cho hệ sinh sản. Thực phẩm có hoạt tính chống oxy hóa cao như dứa được khuyến nghị cho các đôi mong con, ngăn phát triển các gốc tự do trong tế bào. Các chất chống oxy hóa trong dứa, như vitamin C, beta-carotene, khoáng chất đồng, kẽm và folate được Viện Y tế Quốc gia Mỹ chứng minh tốt cho khả năng sinh sản của cả nam, nữ giới.

Chữa lành và giảm viêm sưng

Nghiên cứu tại Ấn Độ, được công bố trên Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra bromelain trong thân cây dứa có thể giúp giảm sưng, bầm tím, chữa lành cơn đau do chấn thương hoặc do phẫu thuật.

Sức khỏe tim mạch

Hàm lượng chất xơ, kali và vitamin C trong dứa hỗ trợ duy trì sức khỏe hệ tim mạch. Tiêu thụ 4.069 mg kali mỗi ngày giảm 49% nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Cải thiện da

Ăn trái cây tươi chứa nhiều vitamin C hoặc bôi vitamin C ngoài da có thể giúp chống lại tổn thương da do ánh nắng mặt trời, ô nhiễm khói bụi; giúp giảm nếp nhăn và cải thiện kết cấu làn da. Vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành collagen hỗ trợ chống lão hóa da.

Khi bổ sung dứa vào chế độ ăn uống, bạn chọn quả dứa có thân chắc, căng mọng, không bị thâm, không có đốm mềm và có lá xanh ở ngọn. Dứa không tiếp tục chín sau khi hái, nên bạn có thể chọn quả có độ chín cao, vị sẽ ngọt. Bảo quản dứa nguyên quả ở nhiệt độ phòng, quả đã cắt vỏ nên được bảo quản trong tủ lạnh.

Các món thịt nướng có thêm dứa sẽ giúp tăng khẩu vị cho món ăn. Trộn dứa cùng dâu, quýt, cam, nho cùng dừa bào sợi là một gợi ý cho món salad trái cây nhiệt đới đủ dưỡng chất, giàu chất xơ. Bạn cũng có thể kết hợp dứa với quả óc chó hoặc hồ đào, pho mát vụn, và xốt dầu giấm balsamic hoặc cam quýt. Nước dứa ép tươi nguyên chất và dùng buổi sáng cũng là một gợi ý tốt cho sức khỏe.

Một số thành phần trong thuốc điều trị bệnh tim có thể gây tăng nồng độ kali trong máu. Vì vậy, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện đưa dứa vào bữa ăn. Tiêu thụ nhiều kali cũng có thể không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh thận.

Người bị bệnh trào ngược dạ dày cũng được khuyến nghị sử dụng trái cây có tính axit cao, như dứa ở lượng cho phép do có thể gây tăng triệu chứng ợ chua.

Theo vnexpress