leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Nước cốt dừa là gì?

Cùi dừa mềm màu trắng được nạo nhuyễn, sau đó ngâm và nhồi với nước, vắt lấy phần chất lỏng đậm đặc, sánh mịn có màu trắng sữa tạo thành nước cốt dừa. Đây là thành phần thực phẩm truyền thống được sử dụng phổ biến trong ẩm thực, nhất là Đông Nam Á.

Hơn nữa, nó được chiết xuất từ vụn dừa, mặc dù đặc sánh giống sữa nhưng không thuộc danh mục sản phẩm từ sữa nên có thể dùng thay thế sữa. Nước cốt dừa còn được xem là siêu phẩm giàu dinh dưỡng cho người thuần chay hoặc người không dung nạp đường sữa.

Nước cốt dừa (hay còn gọi là sữa dừa) là thực phẩm giàu axit lauric cùng các thành phần thiết yếu khác, có đặc tính giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm. Tuy hàm lượng calo khá cao nhưng nó cũng là nguồn vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho sức khỏe.

Lợi ích của nước cốt dừa đối với vóc dáng và sức khỏe

Tốt cho da và tóc

Lợi ích của nước cốt dừa đầu tiên phải kể đến việc tăng cường chăm sóc cho làn da và mái tóc của bạn. Chất chống oxy hóa và các vitamin trong loại chất lỏng này có thể giúp giữ ẩm, tẩy tế bào chết cho da, trị ngứa và giảm gàu, xơ gãy cho tóc.

Hỗ trợ giảm cân

Một số nghiên cứu cho thấy chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCTs) trong nước cốt dừa có thể hỗ trợ giảm cân và trao đổi chất. Ngoài ra, chất này có tác dụng hỗ trợ giảm trọng lượng cơ thể, số đo vòng eo rất tốt.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cho thấy, những người đàn ông thừa cân tiêu thụ thực phẩm có chứa MCTs giảm bớt cảm giác thèm ăn trong ngày.

Tăng cường hệ miễn dịch

Dừa chứa acid lauric có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn có hại giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng khác nhau.

Giảm viêm loét dạ dày

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí phytotherapy research, nước cốt dừa có đặc tính kháng sinh, có khả năng làm giảm sự phát triển của vết loét và giảm kích thước của chúng.

Có lợi cho tim mạch

Một lợi ích khác của nước cốt dừa là hỗ trợ trong việc thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa cho thấy, ăn cháo có chứa nước cốt dừa làm giảm cholesterol LDL (xấu) và tăng cholesterol HDL (tốt) lên tới 18%.

Giảm huyết áp

Nước cốt dừa chứa các khoáng chất thiết yếu như kali, natri, calci và sắt có thể giúp giảm huyết áp bằng cách cải thiện lưu thông máu, giữ cho các mạch máu thư giãn không bị tắc nghẽn.

Hỗ trợ bệnh đái tháo đường

Các acid béo chuỗi trung bình trong nước cốt dừa có thể hỗ trợ làm chậm tốc độ đường huyết trong máu. Điều này ngăn ngừa sự gia tăng lượng đường trong máu làm giảm sự phát triển của bệnh đái tháo đường.

Ngăn ngừa viêm nhiễm

Nước cốt dừa chứa acid lauric có đặc tính chống viêm giúp giảm tình trạng viêm khớp, đau nhức cơ bắp…

Tốt cho tiêu hóa

Những người không dung nạp đường lactose - một loại đường có trong sữa và các chế phẩm từ sữa, có thể chuyển sang uống nước cốt dừa vì ít gây khó tiêu. Ngoài ra, uống nước cốt dừa cũng cải thiện sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột, do đó cải thiện sức khỏe đường ruột tốt.

Sử dụng nước cốt dừa cần chú ý gì?

Nước cốt dừa tuy có nguồn gốc thực vật nhưng nó cũng chứa nhiều calo nên cần tiêu thụ vừa phải. Nếu uống riêng biệt thì trung bình mỗi ngày chỉ nên giới hạn một cốc nhỏ. Nếu dùng sữa dừa chế biến món ăn, thức uống khác cũng không thể dùng quá thường xuyên.

Sữa dừa cũng có thể tận dụng làm sữa rửa mặt hoặc dùng gội đầu để cải thiện làn da và mái tóc của bạn. Chú ý sau mỗi lần dùng phải rửa lại bằng nước sạch và chỉ nên áp dụng khoảng 2 - 3 lần/tuần.

Khi pha chế nước cốt dừa, bạn nên chọn loại dừa có nguồn gốc sạch, uy tín và không dùng dừa đã để quá lâu. Sữa dừa có thể cho vào chai thủy tinh bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhưng tốt nhất vẫn là sử dụng trong ngày.

Theo tieudung.kinhtedothi