Cơn đau ở xương gò má và răng có thể đau âm ỉ hoặc đau nhói, cơn đau có thể cấp tính (ngắn hạn) hoặc dần trở nên trầm trọng theo thời gian. Dưới đây là 9 nguyên nhân phổ biến gây đau ở xương gò má và răng.
1. Nhiễm trùng xoang
Nhiễm trùng xoang hoặc viêm xoang là tình trạng viêm ở xoang và gây sưng tấy.
Xoang những khoảng không chứa đầy không khí trong hộp sọ, nằm sau trán, xương mũi, má và mắt. Chúng ta có 4 xoang cạnh mũi, trong đó xoang lớn nhất (xoang hàm trên) nằm ở hàm gần xương gò má. Do vậy, khi bị nhiễm trùng xoang, bạn có thể cảm thấy đau ở vùng xương gò má.
Mô xoang bị viêm gây ra các triệu chứng khác nhau như:
- Sổ mũi
- Đau đầu
- Nghẹt mũi
- Đau mặt ở má
- Cảm giác đau và khó chịu cũng có thể lan đến răng
Viêm xoang cấp tính và nhẹ có thể tự khỏi. Đối với viêm xoang do nhiễm trùng vi khuẩn thì cần sử dụng kháng sinh. Một số trường hợp bị viêm xoang mãn tính và nặng, phẫu thuật có thể là một lựa chọn.
Một số biện pháp khác giúp giảm triệu chứng viêm xoang như rửa mũi xoang, hít hơi nước, giữ độ ẩm phù hợp, uống nước và nghỉ ngơi, chườm ấm.
|
|
Viêm xoang có thể gây sưng tấy và đau ở má, có thể lan đến răng (Ảnh: Internet) |
2. Áp xe răng
Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng ở răng, nướu, xương nhưng có thể lan sang gò má và các mô xung quanh nếu không được điều trị. Nếu bạn vệ sinh răng miệng không đúng cách, khiến vi khuẩn trong miệng phát triển có thể gây áp xe răng. Áp xe thường trông giống như một cục u, vết loét hoặc mụn nhọt đỏ, sưng tấy.
Áp xe cũng làm tăng nguy cơ viêm tủy xương. Đây là một bệnh nhiễm trùng lây lan đến xương của bạn, chẳng hạn như xương hàm. Các triệu chứng của nhiễm trùng này bao gồm:
- Đau hàm hoặc đau mặt một cách trầm trọng
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đổ mồ hôi
- Mệt mỏi
Để điều trị áp xe răng, bạn cần đến bác sĩ nha khoa. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm rạch và dẫn lưu, điều trị tuỷ, nhổ răng, sử dụng thuốc kháng sinh.
3. Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
Khớp thái dương hàm kết nối xương hàm với hộp sọ của bạn. Nó hoạt động như một bản lề, cho phép hàm của bạn di chuyển theo các hướng khác nhau.
Đôi khi, khớp này có thể bị dịch chuyển, bị thương hoặc bị tổn thương do viêm khớp. Điều này gây ra cảm giác đau khi nuốt, nhai hoặc nói chuyện cũng như tạo ra âm thanh "răng rắc" khi cử động hàm. Ngoài ra, rối loạn khớp thái dương hàm có thể gây đau nửa đầu, đau tai, ù tai, khó mở miệng.
Phương pháp điều trị TMJ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Các bác sĩ thường thử các phương án không xâm lấn trước, như thuốc hoặc phương pháp điều trị không phẫu thuật. Nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện, bạn có thể cần phẫu thuật hàm.
|
|
Rối loạn khớp thái dương hàm thường gây ra cảm giác đau khi nuốt hoặc nói chuyện (Ảnh: Internet) |
4. Đau dây thần kinh sinh ba
Một rối loạn thần kinh như đau dây thần kinh sinh ba cũng có thể gây đau xương gò má và đau răng.
Dây thần kinh sinh ba mang lại cảm giác cho khuôn mặt. Áp lực lên dây thần kinh này có thể gây đau ở hàm, răng hoặc má.
Nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ nhưng một số hành động nhất định có thể gây ra chứng rối loạn này:
- Nhai
- Đánh răng
- Nói chuyện và mỉm cười
- Chuyển động đầu
- Ảnh hưởng từ cơn gió vào mặt
Các bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp thuốc, phẫu thuật và các liệu pháp khác để điều trị chứng đau dây thần kinh sinh ba.
5. Đau răng
Đau răng có thể do nhiều lý do như sâu răng, bệnh về nướu, răng bị nứt,... Các triệu chứng chung của đau răng như:
- Cơn đau âm ỉ không biến mất
- Cơn đau nhói, nhói ở răng
- Răng nhạy cảm
- Sưng nướu răng
- Đau đầu
- Sốt
- Rùng mình
- Hơi thở có mùi hôi hoặc vị khó chịu
Đau răng cũng có thể gây ra cảm giác đau ở hàm.
Phụ thuộc vào nguyên nhân và cách điều trị đau răng sẽ khác nhau, bao gồm: nhổ răng, trám răng, thuốc kháng sinh và giảm đau, triệt tuỷ răng,... Ngoài ra, để giảm triệu chứng bạn có thể súc miệng bằng nước muối, súc miệng bằng hydrogen peroxide hoặc chườm đá.
|
|
Cơn đau liên quan đến đau răng thường gây đau âm ỉ (Ảnh: Internet) |
6. Thủ tục nha khoa
Việc bạn bị đau xương gò má và đau răng sau khi làm thủ thuật nha khoa không phải là hiếm. Điều này bao gồm đau sau:
- Nhổ răng
- Triệt tuỷ răng
- Trám răng
Đau nhức má và răng là chuyện bình thường. Nhưng hãy gọi cho nha sĩ nếu tình trạng sưng, đau vẫn tiếp tục hoặc trầm trọng hơn sau 3 ngày.
7. Nghiến răng
Nghiến răng là một nguyên nhân khác gây đau xương gò má và răng.
Nghiến răng thường xảy ra trong lúc ngủ nên có thể bạn không hề biết đến vấn đề này. Nhưng nghiến răng kéo dài có thể gây ra:
- Đau đầu
- Đau mặt
- Đau tai
- Giấc ngủ bị gián đoạn
- Gãy răng
- Đau ở khớp thái dương hàm
Nếu không được điều trị, nghiến răng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, tổn thương răng như răng bị mòn hay răng lung lay hoặc nứt, rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), đau mặt.
Để kiểm soát tình trạng nghiên răng, bạn có thể cần sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng, kiểm soát căng thẳng, duy trì lối sống lành mạnh.
8. Bệnh nha chu
Bệnh nha chu, hay bệnh nướu răng, phá hủy các mô mềm trong miệng cũng như xương nâng đỡ răng của bạn. Tình trạng này thường xảy ra do vệ sinh răng miệng không đúng cách.
Bệnh nha chu có thể gây chảy máu chân răng, nướu màu đỏ hoặc tím, hôi miệng, đau khi nhai, đau có thể lan sang hàm, tụt nướu, răng lung lay.
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng nặng có thể gây mất răng. Nhiễm trùng cũng có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và được cho là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim.
Một số phương pháp điều trị bệnh nha chu như vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy vôi răng định kỳ, phẫu thuật thu nhỏ túi, LANAP (Quy trình gắn mới hỗ trợ bằng laser), ghép xương, ghép nướu.
|
|
Viêm nha chu không được điều trị có thể gây mất răng (Ảnh: Internet) |
9. Bệnh động mạch vành (CAD)
Bệnh động mạch vành là tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành, nơi cung cấp máu giàu oxy cho tim.
Bệnh động mạch vành thường liên quan đến đau ngực, khó thở và chóng mặt. Nhưng bệnh cũng có thể biểu hiện như đau mặt và khó chịu ở hàm, má và cổ.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành bao gồm: thừa cân, thiếu hoạt động thể chất, ăn uống không lành mạnh, hút thuốc.
Các biến chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm: nhịp tim bất thường, đau thắt ngực, đau tim, đột tử.
Điều trị bệnh động mạch vành thường bao gồm thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, quản lý các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp cần phẫu thuật hoặc thủ thuật.
Đau xương gò má và răng khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Khi bạn bị đau xương gò má và răng kèm theo các triệu chứng sau, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị:
- Sốt
- Ớn lanh
- Buồn nôn
- Đau nhói mãi không dứt
Ngoài ra, nếu bạn gặp thêm các triệu chứng như đau ngực, hụt hơi, yếu đuối, khó chịu ở cánh tay thì nên gọi cấp cứu ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim.
Vân Anh/Nguồn: Healthline