Đầy hơi là tình trạng bụng bạn có cảm giác đầy và căng, tình trạng này xảy ra khi trong dạ dày có nhiều khí. Thông thường, đầy hơi là do chế độ ăn uống chưa hợp lý, nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn.
1. Nguyên nhân gây đầy hơi vào ban đêm
- Ăn bữa ăn quá nhiều chất xơ
Nếu bữa tối bạn ăn một bữa ăn lớn hoặc nhiều thực phẩm chứa chất xơ hay chứa FODMAP (tức là một số carbohydrate nhất định mà đường tiêu hóa khó phân hủy), thì điều này có thể khiến bạn bị đầy hơi về đêm.
Một số thực phẩm dễ gây đầy hơi hơn, chẳng hạn như:
+ Đậu và đậu lăng
+ Một số loại rau, đặc biệt là bắp cải, cải Brussels, bông cải xanh, súp lơ trắng, cải chíp, hành, tỏi, atiso và măng tây
+ Thực phẩm làm từ lúa mì như bánh mì hoặc mì ống
+ Một số loại trái cây, đặc biệt là táo, anh đào, lê và đào
+ Các sản phẩm từ sữa có chứa Lactose như sữa, sữa chua, kem và phô mai
+ Sorbitol, một loại đường rượu thường có trong kẹo cao su hoặc thực phẩm không đường
+ Nước giải khát có ga
|
|
Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ có thể gây đầy bụng (Ảnh: Internet) |
- Ăn bữa ăn giàu chất béo
Nếu bữa tối của bạn có nhiều thực phẩm giàu chất béo như pizza hoặc burger và khoai tây chiên, điều này cũng có thể khiến bạn bị đầy hơi và chướng bụng. Đó là vì chất béo mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn carbohydrate hoặc protein.
Vì vậy, khi thức ăn nằm trong dạ dày của bạn trong một thời gian dài, điều đó có thể tương tác với vi khuẩn trong ruột và gây ra sự phát triển khí nhiều hơn, từ đó làm đầy bụng.
- Ăn quá nhiều
Ăn nhiều phần thức ăn cùng một lúc cũng có thể làm tăng sản xuất khí trong dạ dày. Bên cạnh việc chiếm nhiều không gian hơn trong dạ dày (khiến bạn cảm thấy no hơn), nạp nhiều thức ăn hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và dễ gây ra tình trạng đầy hơi.
- Bị táo bón
Cũng giống như cách thức thức ăn nằm trong đường tiêu hóa lâu hơn có thể khiến bạn bị đầy hơi, phân cũng vậy, phân nằm trong ruột già của bạn. Nếu bạn không đi ngoài cả ngày, sự tích tụ đó có thể bắt đầu khiến bạn cảm thấy đầy hơi và khó chịu vào buổi tối.
Các triệu chứng khác của táo bón bao gồm đau bụng, rặn khi đi ngoài, phân cứng, đau khi đại tiện.
- Không vận động đủ sau bữa tối
Sau bữa tối, mọi người thường dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và sau đó có thể đi ngủ luôn. Tuy nhiên, vận động ít sau bữa ăn có thể làm quá trình tiêu hoá diễn ra chậm hơn và có thể gây đầy bụng.
Tập thể dục nhẹ sau khi ăn, chẳng hạn như đi dạo, có thể giúp giảm đầy hơi ở một số người. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy tập thể dục nhẹ nhàng giúp loại bỏ khí khỏi đường tiêu hóa và giảm đầy hơi.
|
|
Không vận động sau bữa ăn tối có thể khiến quá trình tiêu hoá diễn ra trì trệ (Ảnh: Internet) |
- Mắc chứng không dung nạp thực phẩm
Đầy hơi sau khi ăn một số loại thực phẩm là điều khá bình thường. Nhưng nếu bạn nhận thấy rằng một số món trong thực đơn gây ra đầy hơi hoặc chướng bụng kèm theo đó là sự đau đớn, khiến bạn bị tiêu chảy hoặc khiến bạn phải thay đổi thói quen ban đêm thông thường của mình, thì bạn có thể mắc chứng không dung nạp thực phẩm.
Các chứng không dung nạp thực phẩm phổ biến nhất bao gồm :
+ Không dung nạp lactose (một loại đường có trong sữa như sữa hoặc kem)
+ Không dung nạp gluten (một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch hoặc lúa mạch đen)
+ Không dung nạp histamine (một chất hóa học tự nhiên có trong thực phẩm như phô mai, dứa, chuối, bơ và sô cô la)
- Sử dụng loại thuốc mới
Một số loại thuốc được biết là gây táo bón, có thể khiến bạn đầy hơi như:
+ Thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là SSRI
+ Thuốc phiện như oxycodone và hydrocodone
+ Thuốc chặn canxi
+ Thuốc kháng histamine như diphenhydramine
Tác dụng phụ này thường biến mất theo thời gian, nhưng nếu thuốc khiến tình trạng đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ.
- Nuốt không khí
Nuốt không khí cũng có thể gây đầy hơi. Mọi người có thể nuốt không khí bằng cách:
+ Ăn hoặc uống quá nhanh
+ Hút thuốc
+ Nhai kẹo cao su
+ Đeo răng giả lỏng lẻo
Hầu hết thời gian, cơ thể sẽ giải phóng phần lớn không khí nuốt vào thông qua ợ hơi, và lượng khí còn lại sẽ đi qua ruột và ra ngoài qua trực tràng.
- Bệnh lý tiềm ẩn
Nhiều tình trạng về đường tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng. Mặc dù các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không nhất thiết chỉ vào ban đêm. Các bệnh lý này bao gồm:
+ Bệnh celiac, đây là một tình trạng tự miễn dịch gây tổn thương ruột non khi người mắc bệnh ăn thực phẩm có chứa gluten.
+ Rối loạn tiêu hóa chức năng, chỉ các triệu chứng tái phát của chứng đau dạ dày không có nguyên nhân rõ ràng. Các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng có thể bao gồm: Đau hoặc nóng rát ở dạ dày, đầy hơi, ợ hơi nhiều hoặc buồn nôn sau khi ăn. Cảm giác no sớm khi ăn. Đau dạ dày không liên quan đến bữa ăn hoặc biến mất khi ăn.
+ Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), là tình trạng axit dạ dày liên tục chảy ngược lên thực quản gây ợ nóng, nuốt nghẹn...
+ Liệt dạ dày, đây là một rối loạn chức năng ảnh hưởng đến dây thần kinh và cơ dạ dày. Các dấu hiệu của liệt dạ dày như buồn nôn, đau bụng, cảm giác no khi chỉ ăn vài miếng, trào ngược, không thèm ăn, giảm cân.
+ Tắc ruột, xảy ra khi có vật gì đó chặn đường ruột. Các triệu chứng tắc nghẽn đường ruột bao gồm đau bụng dữ dội, nôn mửa, không thể đại tiện hoặc đầy hơi và các dấu hiệu đau bụng khác.
+ Hội chứng ruột kích thích (IBS), một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến dạ dày và ruột. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai.
+ Suy tụy, là tình trạng xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ một loại enzyme cụ thể mà cơ thể sử dụng để tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Đây hơi, đau bụng, tiêu chảy, phân có nhầy hôi, giảm cân là những triệu chứng của suy tuỵ.
Trong những trường hợp hiếm hoi, một số loại ung thư, bao gồm ung thư ruột kết và ung thư buồng trứng có thể gây đầy hơi.
|
|
Thường xuyên đầy hơi vào ban đêm có thể cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn (Ảnh: Internet) |
2. Các biện pháp giúp giảm đầy hơi nhanh chóng
Bạn có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà để giảm triệu chứng đầy hơi:
- Massage bụng
Xoa bóp bụng có thể giúp ruột di chuyển. Massage theo đường đi của ruột già đặc biệt hữu ích, cụ thể:
+ Đặt tay ngay phía trên xương hông bên phải.
+ Xoa theo chuyển động tròn với lực ấn nhẹ lên phía bên phải lồng ngực.
+ Xoa thẳng qua vùng bụng trên về phía lồng xương sườn bên trái.
+ Di chuyển từ từ xuống xương hông trái.
+ Lặp lại khi cần thiết.
Khi massage mọi người có thể sử dụng một số tinh dầu như dầu tràm, dầu gió để xoa bóp. Nếu trong quá trình massage, bạn cảm thấy cơn đau quá mức thì nên ngừng massage.
- Uống trà gừng
Bạn có thể thái vài lát gừng và ngâm cùng nước nóng để uống. Theo nghiên cứu trên tạp chí Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng 1, gừng có chứa gingerol - một hợp chất được chứng minh là có tác dụng làm giảm sự tích tụ khí bằng cách khuyến khích cơ tiêu hoá thư giãn.
- Dùng thuốc giảm đầy hơi không kê đơn
Bạn cũng có thể dùng thuốc không kê đơn (OTC) nếu muốn giảm đầy hơi nhanh chóng. Hãy thử dùng thuốc chống đầy hơi không kê đơn như simethicone (Gas-X) hoặc TUMS. Cả hai đều giúp phá vỡ các bong bóng khí trong đường tiêu hóa, có thể hạn chế đầy hơi và chướng bụng. Hoặc bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của dược sĩ chuyên môn.
|
|
Trà gừng giúp giảm đầy hơi hiệu quả (Ảnh: Internet) |
3. Cách phòng tránh đầy hơi vào ban đêm
Loại trừ những nguyên nhân do bệnh lý, bạn có thể phòng tránh đầy hơi vào ban đêm bằng cách:
- Ăn chậm: giúp làm giảm nguy cơ nuốt không khí và hỗ trợ phân hủy thức ăn, cũng như có thể ngăn bạn ăn quá nhiều.
- Đi bộ: Đi lại nhẹ nhàng khoảng 15 hoặc 20 phút sau bữa ăn tối để tiêu hoá hoạt động tốt hơn và giảm nguy cơ đầy bụng.
- Ăn khẩu phần nhỏ hơn: Thức ăn vào dạ dày ít hơn đồng nghĩa với việc thức ăn sẽ được tiêu hóa nhanh hơn, do đó bạn sẽ ít chướng bụng hơn.
- Nạp chất xơ đúng cách: Bạn nên tránh việc ăn những thực phẩm giàu chất xơ cùng một vữa. Thay vào đó, bạn có thể phân chia những thực phẩm đều ra các bữa trong ngày.
- Uống đủ nước: Duy trì đủ nước cũng giúp ngăn ngừa táo bón và đầy hơi.
- Tránh hoặc hạn chế những thực phẩm khiến bạn đầy bụng: Nếu bạn nhận thấy món thịt bò và bông cải xanh xào hoặc món mì ống phô mai luôn khiến bạn khó chịu, bạn nên tránh hoặc ăn ít những thực phẩm này.
Vân Anh/Nguồn: Wellandgood