1. Tập Cardio quá nhiều khiến khó giảm cân
Giảm cân từ tập thể dục là điều mà nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, có nhiều người tập thể dục đều đặn nhưng vẫn không giảm cân. Nguyên nhân là do tập các bài tập Cardio quá nhiều. Cardio (cardiovascular) là phương pháp tập luyện có tác dụng đốt cháy calo nhanh chóng, góp phần tăng nhịp tim, cải thiện quá trình trao đổi chất. Từ đó, giúp giảm cân, giảm mỡ hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập Cardio hoặc tập Cardio quá nhiều có thể khó giảm cân. Nguyên nhân là Cardio có thể khiến cơ thể tập trung vào sức bền hơn, tích trữ năng lượng dưới dạng chất béo. Đồng thời cũng làm tăng sự thèm ăn khiến bạn khó có thể giảm cân.
2. Không tập các bài rèn luyện sức mạnh
Nếu bạn vẫn thường xuyên tập thể dục nhưng không giảm cân, nguyên nhân có thể do bạn không tập các bài tập sức mạnh (bài tập thể lực, rèn luyện sức bền hoặc cơ bắp). Thực tế, việc luyện tập sức mạnh sẽ giúp đốt cháy nhiều calo hơn, từ đó giảm cân.
Nếu vẫn có thói quen tập các bài tập tim mạch, hãy thực hiện các bài tập sức mạnh ngắt quãng ngắn nỗ lực hết sức xen kẽ vào buổi tập thông thường. Những bài tập này hiệu quả hơn nhiều trong việc thúc đẩy các hormone nhắm vào các chất béo cứng đầu.
3. Không nghỉ ngơi đủ sau tập luyện
Phục hồi và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Có đủ thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể hồi phục và chuẩn bị cho buổi tập tiếp theo. Không nghỉ ngơi có thể giảm hiệu suất luyện tập sau này.
Hãy thiết lập một thói quen tập luyện vừa giúp vận động toàn bộ cơ thể và nghỉ ngơi hợp lý để có thể giảm cân hiệu quả.
4. Không cân bằng lượng calo nạp vào và lượng calo đốt cháy
Nhiều người chỉ tập trung vào việc đốt cháy calo mà không chú ý lượng calo nạp vào cơ thể. Để giảm cân, cơ thể cần đốt cháy nhiều calo hơn mức nạp vào. Nếu nạp calo nhiều hơn mức đốt cháy thì cho dù tập thể dục cũng khó có thể giảm cân.
Ngoài ra, việc ăn không đủ calo cũng có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân trở lại sau đó.
5. Không uống đủ nước
Uống nước có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng bằng cách giữ cho lượng calo nạp vào ở mức thấp. Ngoài ra việc uống nước đủ cũng giúp cơ thể thải độc, ngăn ngừa mất nước, điều hòa nhiệt độ cơ thể…
6. Ngủ không đủ giấc
Thời gian ngủ cho người trưởng thành thường cần là từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Việc ngủ không đủ giấc liên tục có thể dẫn đến tăng cân.
Thiếu ngủ hoặc mất ngủ có liên quan đến béo phì và tăng nguy cơ tăng cân trong tương lai. Nguyên nhân là do các hormone ghrelin (hormone đói) và leptin (hormone no) đóng vai trò trong chu kỳ giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sự thèm ăn.
Mức độ ghrelin có thể tăng lên và mức độ leptin có thể giảm xuống khi giấc ngủ mất cân bằng. Những thay đổi mức độ này có xu hướng dẫn đến đói nhiều hơn và ít no hơn.
7. Căng thẳng
Nếu tập thể dục mà không có thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục sẽ gây căng thẳng cho cơ thể. Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản xuất nhiều hormone ghrelin, làm gia tăng cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn, đặc biệt là thức ăn giàu chất đường và chất béo. Từ đó, dẫn đến tăng cân.
Do đó, cần cân bằng giữa căng thẳng liên quan đến tập thể dục và thời gian phục hồi để cơ thể khỏe mạnh và có thể giảm mỡ thừa.
8. Do thuốc điều trị bệnh
Một số loại thuốc có thể dẫn đến tăng cân, bao gồm: Thuốc chống loạn thần (clozapine, olanzapine và risperidone), thuốc chống trầm cảm SSRI và SNRI, thuốc chống động kinh (valproate), thuốc trị đái tháo đường rosiglitazon, thuốc chẹn beta, corticoid, insulin…
9. Bệnh lý
Một số tình trạng sức khỏe có thể là nguyên nhân khiến bạn không thấy cân nặng giảm đi sau khi đã tập thể dục: Hội chứng Cushing, trầm cảm, bệnh đái tháo đường, mãn kinh, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tuyến giáp…
Theo suckhoedoisong.vn