Dưới đây là 9 sai lầm hàng đầu khi sử dụng tủ đông bảo quản thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cùng các vấn đề khác về sức khỏe.

1. Không niêm phong/bọc thực phẩm đúng cách

Tủ đông chỉ thực sự an toàn khi bạn biết niêm phong thực phẩm đúng cách. Mọi người đều khuyên rằng bạn nên sử dụng túi hút chân không để loại bỏ oxy tốt nhất giúp thực phẩm tươi lâu hơn, giảm lây nhiễm chéo gây ngộ độc và tiết kiệm không gian trong tủ đông. Tuy nhiên nếu không có túi hút chân không thì bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm, các loại hộp chuyên cho bảo quản trong tủ đông để niêm phong đồ ăn.

Một nguyên tắc khi bảo quản thực phẩm trong ngăn đông chính là sơ chế trước khi niêm phong. Với rau củ bạn nên chần sơ và để nguội; thịt và cá nên được rửa sạch và chia thành các túi nhỏ.

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc - Ảnh 1.

Tủ đông chỉ thực sự an toàn khi bạn biết niêm phong thực phẩm đúng cách (Ảnh: Internet)

2. Cấp đông thực phẩm không nên đông lạnh

Không phải thực phẩm nào bạn cũng nên bảo quản trong tủ đông. Các loại rau sống như rau diếp (Xà lách), dưa chuột bí xanh… nhìn chung là các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao khiến tế bào trong chúng vỡ ra, bị hỏng và bạn có thể dễ dàng thấy chúng "sũng nước" khi rã đông. Hoặc phô mai mềm, trứng sống nguyên vỏ khi bảo quản trong tủ đông còn dễ bị "nổ, vỡ cấu trúc bên ngoài".

Dưới đây là một số thực phẩm không nên bảo quản trong tủ đông do dễ bị mất/giảm mùi vị, giảm dinh dưỡng, mất cấu trúc hoặc dễ bị hỏng:

- Sữa và các chế phẩm từ sữa

- Khoai tây

- Trứng sống nguyên vỏ

- Thực phẩm chiên rán

- Phô mai/pho mát

- Trái cây và rau xanh tươi sống, giàu nước

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc - Ảnh 2.

Không phải thực phẩm nào cũng nên bảo quản trong tủ đông (Ảnh: Internet)

- Thực phẩm đã rã đông một lần

- Mì ống, nui

- Cơm nguội

- Tỏi

- Mayonaise

- Các loại đồ uống có ga

- Cà phê.

3. Nhiệt độ tủ đông không đúng

Nếu bạn muốn sử dụng tủ đông để bảo quản thực phẩm đúng cách thì bạn cần chắc chắn rằng nhiệt độ của tủ phải chính xác. Hầu hết các loại tủ đông hay ngăn đá tủ lạnh đều có thể điều chỉnh nhiệt độ bảo quản.

Theo khuyến cáo từ FDA (Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), nhiệt độ thích hợp cho ngăn đá là từ -18 độ C.

4. Không dọn dẹp tủ đông thường xuyên

Không phải ai cũng có thói quen dọn dẹp tủ đông. Thường thì bạn nên dọn thường xuyên nếu có thời gian, nếu không thì cũng nên dọn tủ đông sạch sẽ ít nhất 2 lần/năm. Dọn dẹp tủ sạch sẽ không những giúp bạn loại bỏ vi khuẩn từ các thực phẩm mà còn giúp kiểm tra tình trạng thực phẩm để ưu tiên sử dụng hay loại bỏ nếu hư hỏng.

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc - Ảnh 3.

Nên dọn tủ đông sạch sẽ ít nhất 2 lần/năm (Ảnh: Internet)

5. Bảo quản quá thời hạn sử dụng

Thời hạn sử dụng các thực phẩm bảo quản trong tủ đông nếu chúng được sơ chế, đóng gói và niêm phong đúng cách như sau:

- Trái cây, rau củ và nguyên liệu làm bánh: 8 - 12 tháng

- Thịt gia cầm: 6 - 9 tháng

- Cá: 3 - 6 tháng

- Thịt xay: 3 - 4 tháng

- Thịt ướp muối: 1 - 2 tháng

- Thực phẩm chế biến sẵn hoặc các sản phẩm đông lạnh sẵn: 1 - 2 tháng.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý tới việc dán nhãn và phân loại thực phẩm cũ/mới để thuận tiện cho việc sử dụng. Phân loại thực phẩm để bảo quản các ngăn đông khách nhau cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

6. Cho thực phẩm đang nóng vào tủ đông

Thực phẩm nên được làm nguội trước khi cho vào tủ đong nếu bạn không muốn nhiệt độ của ngăn đông tăng lên và khiến các thực phẩm vốn đang được bảo quản đúng nhiệt độ bị ảnh hưởng tới chất lượng.

Hơn nữa, khi nhiệt độ tăng lên, vi khuẩn sẽ có điều kiện để hoạt động và khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, ôi thiu và biến chất.

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc - Ảnh 4.

Cần sơ chế sạch sẽ các thực phẩm như thịt cá trước khi cho vào tủ đông và phân loại cẩn thận (Ảnh: Internet)

7. Rã đông mọi thứ ở nhiệt độ phòng

Rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng là sai lầm thường gặp nhất của nhiều gia đình Việt, phổ biến nhất là với các thực phẩm như thịt, cá. Nhất là khi đang vào hè, nhiều người cho rằng nhiệt độ nóng bên ngoài là đủ để rã đông nhanh chóng. Rã đông bằng cách này sẽ khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn gây hư hỏng và ngộ độc.

Cách rã đông chính xác là bạn để thực phẩm cần rã đông lên ngăn mát tủ lạnh vào hôm trước để thực phẩm rã đông từ từ, ngâm thực phẩm trong nước sạch hoặc rã đông bằng lò vi sóng. Với cách rã đông bằng ngâm nước lạnh cần chú ý túi đựng thực phẩm phải còn nguyên vẹn, không bị rách khiến không khí và nước ngấm vào thực phẩm làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Với rã đông trong lò vi sóng thì cần sử dụng nhiệt độ rã đông phù hợp, nếu để quá nóng thực phẩm bị làm chính dễ bị hư hỏng nếu không sử dụng ngay.

8. Mở tủ đông khi mất điện

Theo Eatting Well, ngay cả khi mất điện, việc tủ đông được đóng kín sẽ giúp thực phẩm có thể duy trì mức an toàn để sử dụng từ 1 - 2 ngày miễn là không để lọt không khí bên ngoài vào và nhiệt độ phòng ở 40 độ F trở xuống. Nhưng tuyệt đối bạn không được làm đông lại thực phẩm khi tủ đông bị cắt điện từ 24 - 48h.

Còn khi tủ đông có điện lại trong vòng 24h thì có thể đông lạnh lại với điều kiện chưa mở tủ ra.

9 sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ đông làm tăng nguy cơ ngộ độc - Ảnh 5.

Không mở tủ đông khi mất điện (Ảnh: Internet)

9. Lưu trữ quá nhiều hoặc quá ít đồ trong tủ đông

Tủ đông của bạn sẽ hoạt động tốt nhất nếu như không bị nhồi nhét thực phẩm để bảo quản. Bởi khi nhồi nhét thực phẩm, không khí lạnh không thể lưu thông xung quanh chúng để đông lạnh một cách "hoàn hảo" và tăng nguy cơ hư hỏng thực phẩm.

Ngược lại, nếu tủ đông quá ít đồ cũng khiến tủ hoạt động tốn điện hơn. Bạn nên sử dụng các túi nước đá để lấp đầy khoảng trống này - đặc biệt phương pháp này còn hữu ích cho việc bảo quản thực phẩm ở ngăn đông khi việc mất điện vào mùa hè xảy ra thường xuyên hơn.

Châu Anh/Nguồn: Eatting Well