Bàn chân con người có 26 xương, 33 khớp và hơn 100 cơ, dây chằng và gân được tạo thành từ các mô xơ chắc khỏe để giữ tất cả các bộ phận chuyển động lại với nhau - chưa kể đến việc bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể.
9 vấn đề sức khỏe thường gặp ở bàn chân và cách xử lý
Áp lực khi phải "mang vác" trọng lượng trong thời gian dài khiến đôi chân của bạn có nguy cơ bị thương cao hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Dưới đây là những vấn đề sức khỏe thường gặp ở bàn chân và cách xử lý, theo Everyday Health:
1. Nấm nông ở chân (Athlete's Foot)
Bệnh nấm nông ở chân hay còn được gọi là bệnh nấm da chân ở vận động viên là một dạng nhiễm trùng do các vi nấm ký sinh có ảnh hưởng tới vùng da giữa các ngón chân và lòng bàn chân. Tùy từng trường hợp mà nấm có thể lan sang móng chân hoặc thậm chí là da tay.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh nấm nông ở chân bao gồm: đau nhói, nóng rát hoặc châm chích, ngứa ở da giữa các ngón chân và lòng bàn chân; bàn chân mọc mụn ngứa; da chân bong tróc đóng vảy hoặc nứt như bị nẻ; vùng da bị nấm thô ráp và khô hơn; móng chân có thể tăng sinh sừng dày hơn, vụn hơn và đổi màu, rất dễ bị tách rời khỏi ngón chân (bong móng).
Để điều trị, trước tiên, cần phải giữ cho vùng chân bị nấm luôn khô ráo, sạch sẽ; chú ý thay giày và tất thường xuyên; không được đi chân trần trong nhà để ngăn ngừa nhiễm trùng thêm cho bản thân và người khác.
Thuốc điều trị sẽ tùy thuộc và loại nấm gây bệnh là gì cũng như mức độ nghiêm trọng. Thông thường, thuốc trị nấm sẽ được chỉ định.
2. Phồng rộp (Blisters)
Hầu hết các vết phồng rộp ở chân sinh ra do quá trình ma sát giữa da chân và bên trong giày. Các nốt phồng rộp có thể gây đau đớn và rát; dễ bị nhiễm khuẩn hơn khi bị vỡ. Do vậy, khi phát hiện chân có các vết phồng rộp, cần băng lại và để cho nốt phồng vỡ tự nhiên.
Thuốc mỡ kháng sinh có thể cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng. Người bị tiểu đường nếu bị phồng rộp ở chân cần nói chuyện với bác sĩ trước khi tự ý điều trị bất kỳ nốt phồng nào bởi nhóm này có nguy cơ nhiễm trùng cao, lâu lành hơn người khỏe mạnh bình thường.
3. Biến dạng khớp bàn ngón chân cái (Bunions)
Biến dạng khớp bàn ngón chân cái hay còn gọi là biến dạng ngón chân cái, được hiểu là tình trạng xuất hiện một cục u xương ở gốc khớp ngón chân cái, khiến cho ngón chân cái hướng vào ngón bên cạnh dẫn tới cục chai da ở điểm tiếp xúc, quanh khớp này có thể bị sưng đỏ, nóng. Đây có thể là kết quả của dị tật bẩm sinh, viêm khớp, chấn thương, di truyền hoặc do thói quen đi giày quá chật ở phần mũi chân.
|
|
Ảnh: Cristina Lichti/Alamy |
Điều trị biến dạng khớp bàn ngón chân cái thường bao gồm chườm đá, nghỉ ngơi đầy đủ và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (thuốc giảm đau OTC). Một số bài tập giúp mở rộng phạm vi chuyển rộng, đi giày rộng hơn và sử dụng giày có đệm lót đầu ngón chân cũng có thể giúp ích. Phẫu thuật thường là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp trước đó không đem lại hiệu quả giúp giảm đau và đi lại bình thường.
4. Nốt chai chân hoặc vết sần
Đây là thuật ngữ chỉ những mảng da dày và cứng có thể hình thành ở bàn chân, mặt bên hoặc giữa các ngón chân. Do các nốt chai và vết sần tương đối cứng nên có thể gây đau khi đi lại.
Các nốt này có thể tự loại bỏ tại nhà bằng cách loại bỏ lớp da cứng sau khi ngâm chân với nước ấm để phần da của vết chai mềm hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lấy da quá mức có thể dẫn tới chảy máu hoặc nhiễm trùng. Đôi khi việc bôi kem dưỡng ẩm lên nốt chai có thể giúp chúng mềm dần theo thời gian.
5. Viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân là tình trạng đau nhói ở bàn chân vào buổi sáng, hoặc khi đứng/ngồi quá lâu có liên quan tới dải mô dày chạy dọc dưới gan chân (nối xương gót chân với ngón chân) bị viêm. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên chạy đường dài có thể dễ bị chấn thương ở lòng bàn chân hơn, bao gồm viêm cân gan chân, nhưng nhìn chung đây được coi là chấn thương do sử dụng quá mức mà hầu như ai cũng có nguy cơ mắc phải.
Để giúp giảm đau, bác sĩ có thể khuyên bạn chườm lạnh lên vùng bị đau và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen; nghỉ ngơi đầy đủ; sử dụng giày hỗ trợ khi di chuyển; vật lý trị liệu.
6. Ngón chân hình búa
Ngón chân hình búa là tình trạng khớp ngón chân bị thay đổi do sự mất cân bằng giữa cơ và dây chằng xung quanh nó dẫn tới khớp ngón chân giữa bị cong lên và biến dạng. Cọ sát với giày dép sẽ khiến phần cong lên của ngón chân bị đau đớn, sưng tấy và thậm chí là lở loét.
Phương pháp điều trị ngón chân hình búa tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của ngón chân. Đôi chi chỉ cần mang giày dép phù hợp, sử dụng miếng đệm lót dưới ngón chân sẽ giúp giảm nguy cơ đau đớn về sau. Ngoài ra, thuốc giảm đau/kháng viêm không kê đơn, nẹp ngón chân, tập co duỗi ngón chân để cơ gân linh hoạt hơn cũng có thể giúp ích.
Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu đau ở mức độ nặng, nghiêm trọng, các phương pháp khác không hiệu quả, ngón chân hình búa làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Phẫu thuật loại bỏ phần xương nhô ra trên ngón chân và căn chỉnh khớp hoặc gắn thêm giá đỡ xương để điều chỉnh vị trí ngón chân.
Ngoài ngón chân hình búa đặc trưng bởi khớp ngón chân gồ lên thì có hai tình trạng khác cũng ở ngón chân xảy ra do sự mất cân bằng cơ - gân - dây chằng đó là ngón chân uốn cong và tật ngón v (ngón chân hình vuốt) cũng có thể gây đau đớn và bất tiện khi đi lại.
|
|
Biến dạng ngón chân khác (Ảnh: Adobe Stock) |
7. Bệnh gút
Bệnh gút là một loại viêm khớp xảy ra khi axit uric tích tụ không kiểm soát được trong các mô khớp và dịch khớp, thường bắt đầu từ khớp ngón chân cái. Bệnh gút ở chân có thể khiến người bệnh gặp phải các cơn đau nhức nhối, khó chịu và rất dễ tái phát nhiều lần trong tương lai. Khớp ở bàn chân có thể bị sưng đỏ, nóng do lưu lượng máu tới khớp gia tăng.
Nguy cơ mắc bệnh gút có thể giảm bằng cách thay đổi chế độ ăn uống như tránh các loại thực phẩm được biết là gây tăng axit uric, như thịt đỏ, hải sản và rượu, đặc biệt là bia. Khi cơn gút ở chân tấn công, việc uống đủ nước, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc kháng viêm giúp giảm đau như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc kháng viêm steroid hoặc colchicine cùng thuốc hạ axit uric máu sẽ có hiệu quả.
8. Móng chân quặp
Móng chân quặp hay còn gọi là móng mọc ngược, móng chọc thịt rất phổ biến ở ngón cái. Tình trạng này xảy ra khi góc trước của bờ bên móng chân chọc và xé rách tổ chức phần mềm ở cuốn móng bên làm cho vị trí móng chọc xuống sưng, đau và dễ dẫn tới nhiễm khuẩn ở cuốn móng bên đó. Ở giai đoạn viêm nặng, móng có thể tiết mủ, dịch; có mùi;... việc không được điều trị có thể dẫn tới nhiễm trùng xương rất nguy hiểm, nhất là ở người mắc bệnh tiểu đường.
Nếu móng chân mọc ngược, bạn có thể thử ngâm ngón chân vào nước ấm trong 15 hoặc 20 phút nhiều lần trong ngày và nhét một miếng bông nhỏ hoặc chỉ nha khoa dưới mép móng mọc ngược để khuyến khích móng mọc lên. Ở các cơ sở y tế, bác sĩ có thể giúp nâng hoặc loại bỏ phần móng mọc quặp đồng thời sử dụng kháng sinh tại chỗ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
9. Nấm móng chân
Nấm móng chân thường hình thành sau khi móng bị tổn thương khiến chỗ nối móng - da, nơi móng tiếp xúc với da ngón chân, bị đứt. Nấm móng khiến móng chân dày lên; màu móng có các đốm trắng hoặc vàng ngả nâu; móng chân bị nấm có thể bị biến dạng, trở nên giòn hơn, vụn hơn; móng chân có thể có mùi hôi và đau đớn.
Điều trị nấm móng chân tương đối khó và việc điều trị cần phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như loại nấm bị nhiễm là gì. Thời gian điều trị đôi khi có thể mất tới vài tháng mới thấy hiệu quả nhưng bệnh cũng rất dễ tái phát.
|
|
Ảnh: Irina Tiumentseva/iStock |
Thuốc điều trị nấm móng chân có thể bao gồm thuốc bôi lên móng, thuốc chống nấm hoặc kết hợp cả hai. Nếu thuốc không giúp ích thì phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ nhiễm trùng nấm.
Nhìn chung, do bàn chân đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta nên điều cần nhớ là không được bỏ qua cơn đau ở bàn chân hay những triệu chứng bất thường khác.
Châu Anh/Nguồn: Everyday Health