Laura Baker - Ảnh: Gia đình Baker

Laura Baker, một giáo viên giáo dục đặc biệt 57 tuổi đã nghỉ hưu ở Santa Barbara, California, được chẩn đoán ung thư não 18 tháng khi cô viết những dòng đau buồn trên Facebook vào mùa thu 2019: “Tôi hiện đang có một số triệu chứng đáng lo ngại nhưng dường như không ai biết phải làm gì”.

Những gì Baker thực sự cần là được chụp CT đầu. Bệnh viện địa phương có một máy quét CT đang hoạt động, nhưng nó “vô ích” đối với Baker vì cô vượt quá giới hạn trọng lượng được quảng cáo của máy quét là 625 pound (283,5kg), ngoài ra thân thể quá khổ của cô cũng vượt quá khả năng xử lý của máy.

Baker dư cân nghiêm trọng trong phần lớn cuộc đời của mình. Cô bị hai chứng rối loạn y học gây sưng tấy nặng ở khu vực giữa thân, hông và chân.

Trong bài đăng trên Facebook, Baker đã yêu cầu giúp đỡ để gây quỹ mua một chiếc máy chụp cắt lớp di động. Cô thậm chí đã gọi điện cho các nhà sản xuất, nhưng được thông báo là không có máy đó.

Baker qua đời 9 tháng sau đó, vào tháng 7/2020, để lại chồng, John, và con gái, Katie. Không biết nếu được chụp CT nó có giúp kéo dài cuộc sống của cô hay không, nhưng đối với Baker và những người thân yêu của mình, câu chuyện xảy ra là một ví dụ đau buồn về việc hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia “đã thất bại” với những người như Baker.

Có rất nhiều Laura Baker ở nước Mỹ, họ phải đối mặt với vô số trở ngại vì kích thước ngoại khổ của bản thân và rất phẫn nộ khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Theo phỏng vấn với một số người mắc bệnh béo phì, các rào cản về thể chất bao gồm vòng đo huyết áp và máy quét không vừa với họ.

Ngoài trang thiết bị không đầy đủ, những người “siêu trọng” cho biết các bác sĩ thường không nhìn qua kích thước của họ mà đưa ra các câu trả lời thuộc lòng - họ phải giảm cân - bất kể triệu chứng như thế nào. Các chuyên gia cho việc này dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không được chẩn đoán và những người béo phì thường từ chối gặp bác sĩ cho đến khi căn bệnh của họ nặng lên.

Tiến sĩ Robert Kushner, chuyên gia y học béo phì tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: “Đất nước đang đối mặt với cái mà tôi gọi là một đại dịch, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta không được chuẩn bị để xử lý “nhóm dân cư” này.

Ít nhất cứ 3 người Mỹ thì có 1 người mắc bệnh béo phì, và con số này đang tăng lên. Theo một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ béo phì ở người Mỹ trưởng thành, đã tăng trong nhiều thập niên, đạt mức cao mới là 42% trong giai đoạn 2017-18. Nhiều người không phải đối mặt với những thách thức Laura Baker gặp phải, nhưng các chuyên gia cho biết những người bị béo phì nghiêm trọng - chỉ số khối cơ thể từ 40 trở lên, chiếm tới 9,2% người trưởng thành - có khả năng gặp trở ngại khi đi khám định kỳ và khi được sử dụng các thiết bị chẩn đoán y tế như máy MRI.

Khi cơ thể người Mỹ phình ra, ngành y tế phát triển chậm, dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ được trang bị để điều trị cho những người ngoại cỡ. Tiến sĩ Kushner nói: “Hầu hết các bác sĩ không được chuẩn bị đầy đủ và không được đào tạo về cách tiếp cận một người mắc bệnh béo phì”.

Patty Nece bị chứng vẹo cột sống tiến triển, cô được bác sĩ xác nhận cơn đau gặp phải là “đau do béo phì” - Ảnh: New York Times

Patty Nece, một luật sư ở Virginia, nhớ lại khi việc chụp X-quang tuyến vú định kỳ của chị bị trì hoãn một cách khó xử, vì áo bảo hộ không vừa. Trải nghiệm này tệ đến nỗi chị đã không chụp nhũ quang trong suốt 15 năm, sau khi hai người bạn được chẩn đoán mắc ung thư vú.

Nữ chủ tịch hội đồng quản trị của Liên minh hành động chống béo phì (OAC) cho biết: “Tôi không muốn phải trải qua sự sỉ nhục”. Sau đó, có lần chị đến gặp bác sĩ chỉnh hình vì bị đau dữ dội ở hông. Bác sĩ nói với Nece: "Chị cần phải giảm cân”. Chỉ đến khi Nece đến gặp một bác sĩ khác, chị mới biết rằng cơn đau không liên quan gì đến kích thước cơ thể mình, chị bị chứng vẹo cột sống tiến triển.

Michelle Vicari, một nữ nhà văn ở California, có một ký ức không thể xóa nhòa về những gì đã xảy ra trong cuộc hẹn với bác sĩ phụ khoa khi cô 18 tuổi. Một y tá đưa cho Vicari một chiếc áo choàng bằng giấy nhưng nó không vừa với khổ người của cô. Cô y tá thở dài và mang cho cô một chiếc khác, Vicari nói, nhưng nó cũng không vừa.

“Chỉ cần khoác một cái phía trước và một cái phía sau”, người y tá nói giọng bực bội - “Chúng tôi không có áo choàng cho những người to lớn như bạn”. Vicari, hiện 49 tuổi, đã không đi khám phụ khoa suốt 9 năm. Cô đã phải chịu đựng căn bệnh lạc nội mạc tử cung không được điều trị, cho đến khi cô gặp một bác sĩ khác.

Béo phì từ lâu đã được coi là một sự thất bại, một sản phẩm của những người lười biếng và bất cẩn với chế độ ăn uống của mình. Nghiên cứu mới của các chuyên gia cho rằng bệnh béo phì nên được điều trị như một bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bất kể nguyên nhân của nó là gì. Tuy nhiên, các trường y khoa vẫn không cung cấp đủ các khóa đào tạo cần thiết để điều trị một căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 70 triệu người Mỹ.

Các chuyên gia lưu ý rằng những người “siêu trọng” dễ bị tiểu đường và các vấn đề về tim mạch và hô hấp hơn những người có trung bình, nhưng béo phì không phải lúc nào cũng do chế độ ăn không lành mạnh và thiếu tập thể dục.

Sarah Bramblette (Miami) bị béo phì từ khi trẻ. Cô mắc phải hai chứng bệnh mãn tính giống như Baker: phù bạch huyết, gây sưng tấy do tích tụ chất lỏng bạch huyết; và phù thũng, khiến mô mỡ tích tụ ở tay và chân.

Sarah Bramblette bị béo phì do chứng phù bạch huyết - Ảnh: New York Times

Hội đồng Y khoa Béo phì Hoa Kỳ (BOM), được thành lập 10 năm trước để giúp các bác sĩ tìm hiểu cách điều trị bệnh béo phì, bắt đầu cung cấp các bài kiểm tra chứng nhận vào năm 2012. Kể từ đó, tổng cộng 5.242 bác sĩ Hoa Kỳ và Canada đã vượt qua kỳ thi và được BOM cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, tại 4 tiểu bang - Idaho, Montana, Vermont và Wyoming - chỉ có không quá 10 bác sĩ được hội đồng BOM chứng nhận.

Theo phunuonline