Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Hàn Quốc phát hiện AI có thể giúp tăng đáng kể khả năng xác định các nốt phát triển bất thường trong phổi. Lợi thế này của AI có được là do qua mỗi lần quét phim chụp X-quang ngực, chúng có khả năng học tập nhanh hơn, theo trang tin Daily Mail (Anh).
Ngoài ra, AI cũng nhạy hơn và ít bỏ sót các trường hợp cần điều trị ngay lập tức. Các nhà khoa học tin rằng sử dụng AI có thể giúp cải thiện tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân ung thư phổi.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho AI kiểm tra gần 10.500 ảnh chụp X-quang phổi. Các ảnh chụp này được thu thập từ một trung tâm sàng lọc trong giai đoạn từ tháng 6.2020 đến tháng 12.2021. Tất cả được chia ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất có sử dụng AI để phân tích ảnh. Nhóm thứ hai chỉ có bác sĩ đánh giá mà không dùng AI.
Trong số các bức ảnh X-quang, AI phát hiện 0,59% trường hợp có các nốt phổi bất thường cần điều trị ngay. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện của bác sĩ chỉ là 0,25%, tức chưa đến một nửa so với AI.
"Phát hiện các nốt phổi bất thường, vốn là dấu hiệu ban đầu của ung thư phổi, là một trong những việc rất quan trọng khi chụp X-quang ngực. Nhiều nghiên cứu đã đề xuất phần mềm máy tính có tích hợp AI để cải thiện hiệu quả phát hiện bất thường trong phổi cho bác sĩ nhưng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi", tiến sĩ Jin Mo Goo, đồng tác giả nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), cho biết.
Bệnh nhân ung thư phổi thường chỉ đến kiểm tra và phát hiện mình mắc bệnh khi cơ thể đã xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng. Khi đó, ung thư đã di căn và khó điều trị.
Trong giai đoạn đầu, ung thư phổi sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì đáng kể. Nhưng khi đã đến giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau nhức khi thở...
Theo Thanh niên