Trong khi đó bệnh rất nguy hiểm vì nó có khả năng di căn xa, chiếm khoảng 70-80% sẽ di căn đến gan, phổi. Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời giúp ngăn chặn biến chứng và khả năng tái phát.
1. Yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng
Bệnh ung thư vòm họng thường gặp ở các loại ung thư nói chung và trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ nói riêng. Đến nay, các nhà khoa học còn chưa thống nhất được nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Nhưng các nhà khoa học cho rằng các yếu tố nguy cơ chính của ung thư vòm họng là virus Epstein-Barr, di truyền và yếu tố môi trường.
Các ghi nhận cho thấy yếu tố môi trường có thể gây ung thư vòm họng trong đó thường thấy là yếu tố nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm),…có thể dẫn đến ung thư vòm họng.
Người ta còn thấy nếu ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men như: dưa muối, trứng, các loại củ… cũng gây bệnh ung thư vòm họng. Nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu cũng được xem là yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng.
Loại virus Epstein Barr (EBV) ở người thuộc nhóm Herpès là nguyên nhân gây bệnh u lympho Burkitt ở trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa ung thư vòm họng với EBV, do phát hiện được bộ gen của EBV trong tế bào khối u vòm họng và trong huyết thanh người bệnh ung thư vòm họng.
Một số tác giả cho rằng ung thư vòm họng có tính chất gia đình. Nghiên cứu cho thấy những người cùng huyết thống có khả năng cùng mắc bệnh ung thư vòm họng khá cao. Tuy nhiên căn nguyên của ung thư vòm họng không phải là đơn độc mà do nhiều yếu tố cùng tác động gây nên. Vì vậy, không phải một yếu tố gây ra ung thư mà sẽ có nhiều yếu tố tác động làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
2. Các biểu hiện ung thư vòm họng
Thông thường ung thư vòm họng ở giai đoạn đầu không có biểu hiện nên rất khó phát hiện. Các biểu hiện sớm thường thấy là đau đầu, người bệnh thường than phiền các cơn đau nửa đầu, đau từng cơn hoặc âm ỉ và đặc điểm là uống các thuốc giảm đau ít có tác dụng.
Ở giai đoạn sau, người bệnh có các biểu hiện sau đây:
2.1. Biểu hiện ở thần kinh
Người bệnh thường đau đầu, đau nửa đầu hoặc đau sâu trong hốc mắt, vùng thái dương. Đây là biểu hiện thường gặp nhất khiến người bệnh phải đi khám. Một số trường hợp xuất hiện tổn thương các dây thần kinh sọ não, ở giai đoạn muộn người bệnh có cảm giác tê bì ở miệng và vùng mặt cùng với bên đau đầu.
2.2. Biểu hiện ở mũi – xoang
Người bệnh thường bị ngạt mũi một bên, cùng với bên đau đầu, lúc đầu ngạt không thường xuyên sau ngạt liên tục. Các biểu hiện dễ nhận biết nhất là người bệnh chảy mũi nhầy, có thể chảy mũi mủ do viêm xoang phối hợp, thỉnh thoảng có xì ra nhầy lẫn máu.
2.3. Biểu hiện ở tai
Đối với người bệnh có khối u xuất phát từ thành bên họng mũi, loa vòi sẽ có biểu hiện tức như bị nút ráy tai cùng bên với đau đầu. Người bệnh ù tai, nghe kém thể dẫn truyền đơn thuần (do bị tắc vòi Eustache). Có thể gặp viêm tai giữa cùng bên do bội nhiễm.
Yếu tố môi trường có thể gây ung thư vòm họng trong đó thường thấy là yếu tố nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất.
2.4. Biểu hiện có hạch cổ và hạch dưới hàm
Khi xuất hiện hạch cổ nên nhiều người lo lắng nên đi khám ngay. Hạch cổ thường xuất hiện cùng bên với khối u, hạch hay nhìn thấy ở sau góc hàm, hạch lúc đầu nhỏ sau to dần, hạch cứng, ấn không đau.
Nếu không được phát hiện điều trị sớm ở giai đoạn muộn toàn thân người bệnh có biểu hiện kém ăn, mất ngủ, gầy sút, thiếu máu hay bị sốt do bội nhiễm.
Tuỳ theo di căn ở đâu mà biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Nếu khối u di căn phía trước thường gặp khối u ở nóc vòm, cửa mũi sau.
- Nếu khối u di căn vào hốc mũi gây nên ngạt tắc mũi. Thời gian đầu người bệnh ngạt một bên về sau khối u phát triển lấp kín cửa mũi sau gây ngạt tắc hai bên mũi và có khi chảy máu cam.
- Nếu khối u di căn ra hai bên thì khối u ở loa vòi, lan theo vòi Eustache ra tai giữa. Khi đó, người bệnh ù tai, nghe kém một bên rõ rệt và đau trong tai lan ra vùng xương chũm.
- Nếu khối u di căn xuống dưới sẽ đẩy phồng màn hầu là ảnh hưởng đến giọng nói của người bệnh và khiến nuốt hay bị sặc. Khối u có thể tới miệng, thường ở trụ sau của amidan và có thể gây ra hội chứng khiến người bệnh bị điếc.
- Nếu khối u di căn lên nền sọ gây các hội chứng nội sọ như: Tăng áp lực nội sọ và các hội chứng thần kinh khu trú khiến người bệnh bị liệt các dây thần kinh III, VI và nhánh mắt của dây V gây liệt các cơ vận nhãn, đau nhức vùng trán và ổ mắt; liệt các dây thần kinh V, VI gây lác trong, khít hàm, tê bì nửa mặt… hoặc toàn bộ 12 đôi dây thần kinh sọ não một bên bị liệt.
Tóm lại: Ung thư vòm họng rất hay gặp ở nam giới trong độ tuổi 40 - 60. Nếu được phát hiện sớm bệnh có thể được điều trị khỏi tuy nhiên do bệnh phát triển thầm lặng với triệu chứng không điển hình nên nhiều người bệnh phát hiện ở giai đoạn đã tiến triển.
Mặc dù vậy nhưng nếu người bệnh có biểu hiện nghi ngờ như đau đầu, ngạt mũi … thường xuất hiện ở một bên và nặng dần theo thời gian, điều trị thuốc vẫn không khỏi… cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể. Ngoài ra, người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra phát hiện sớm.
Ai nên thực hiện tầm soát ung thư vòm họng
- Người nhiễm virus EBV (Epstein – Barr);
- Người mắc bệnh mạn tính đường mũi họng;
- Người làm việc, thường xuyên tiếp xúc nhiều với bụi gỗ, khói, formaldehyde, môi trường kém thông khí, hóa chất;
- Người nghiện, hút nhiều thuốc, lạm dụng rượu bia; có chế độ ăn thiếu trái cây và rau xanh, ăn nhiều thịt cá ướp muối và đồ lên men;
- Người có tiền sử ung thư hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng;
- Đặc biệt người có các triệu chứng sau cần đi tầm soát ung thư vòm họng ngay: hạch cổ nổi một bên, đau tai, viêm tai, ù tai, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi, giảm thị lực, đau mặt, nhức đầu, đau họng…
|
Theo suckhoedoisong.vn