Khi con gái lên 6 tuổi, Li Sha (sống tại Tô Châu, Giang Tô) nhận thấy con lớn chậm hơn bạn bè đồng trang lứa. Đến năm 8 tuổi, cô bé chỉ cao thêm chưa đầy 1 cm.

Những năm tiểu học, con gái Li Sha thấp hơn mức trung bình của bạn bè khoảng 20 cm. Người mẹ đau thắt lòng khi những người lạ thường hỏi: "Con bạn đang học mẫu giáo đúng không?".

Năm con 9 tuổi, cô cho con gái tiêm mũi hormone tăng chiều cao đầu tiên. Sau một năm, cô bé cao thêm 12 cm. Sáu tháng tiếp theo, mỗi tháng bé cao thêm 0,7 cm.

Gia đình đã chi 100.000 nhân dân tệ (hơn 355 triệu đồng) cho việc tiêm hormone, là một khoản tiền lớn so với mức thu nhập, nhưng Li Sha cảm thấy xứng đáng với những gì con gái cô nhận được.

                                   Nhiều phụ huynh ở Trung Quốc ám ảnh về chiều cao của con.


Có rất nhiều cha mẹ ở Trung Quốc có cùng nỗi lo với Li Sha. Chiều cao của con trở thành nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh. Đặc biệt, với phụ huynh muốn con cao lớn nhanh, những bài thể dục, chế độ ăn hay thực phẩm chức năng thông thường không thỏa mãn mục tiêu của họ.

Nhiều người bắt đầu tiêm hormone tăng trưởng để con điều trị chứng thấp lùn. Việc cha mẹ chi hàng trăm nghìn nhân dân tệ cho một mũi tiêm không phải hiếm. Tuy nhiên, cơn sốt tăng chiều cao bằng tiêm hormone kéo theo cuộc tranh cãi về giá cả tăng nhanh và liệu chúng có đang bị lạm dụng.

Tiền mất, tật mang


Tháng 11/2018, Liu Zhen lần đầu tiên đưa con gái đi tiêm hormone tăng trưởng. Thời điểm đó, con của cô đã 8 tuổi 2 tháng nhưng chỉ cao 120,1 cm. Liu Zhen cho rằng con mình phát triển chậm, nhưng không nghĩ con bị thiếu hormone.

"Hormone tác dụng ngắn cần phải tiêm mỗi ngày. Tôi cắn răng chắt bóp để con được dùng loại tác dụng dài, giá đắt gấp đôi nhưng mỗi tuần chỉ cần tiêm một lần", Liu Zhen nói.

Vào tuần thứ 12, bác sĩ kiểm tra lại và cho biết các chỉ số của đứa trẻ đều bình thường và bé đã cao thêm 2,8 cm. Điều này khiến Liu Zhen rất vui mừng.

Tuy nhiên, sau tháng thứ 3, cháu bé được phát hiện có dị tật phát triển và phải tiêm thuốc ức chế để kiểm soát sự phát triển bất thường.

Những tháng sau đó, con gái Liu Zhen chỉ cao thêm lần lượt 0,8 cm, 0,5 cm rồi 0,3 cm. Bác sĩ khuyên cô nên đổi cho con sang dùng loại hormone tác dụng ngắn, bởi tác dụng vừa đủ thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Sau khi cho con gái tiêm hormone tăng trưởng liên tục trong 15 tháng, Liu Zhen nghĩ rằng khi ngừng tiêm, con có thể "bắt kịp" bạn bè bằng việc tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn. Thế nhưng, cô đã phải thất vọng.

"Trong 17 tháng sau khi ngừng tiêm, con tôi chỉ cao thêm 7,5 cm và có chiều cao 141,5 cm", Liu kể. Cô quyết định cho con tiếp tục tiêm hormone tác dụng ngắn.

Không tính chi phí khám sức khỏe, tổng số tiền điều trị trong 15 tháng của con gái cô là khoảng 130.000 nhân dân tệ.

Ngày 4/8, Xinhua đưa tin cách đây không lâu, Huang Ke, Phó giám đốc Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi của Trường Đại học Y khoa Chiết Giang, cho biết đã tiếp nhận một trường hợp mẹ đưa con đến "phòng khám tăng chiều cao". Trong một năm, người mẹ chi 480.000 tệ phí điều trị nhưng con chỉ cao thêm 1 cm.

Việc tiêm hormone tăng chiều cao cho trẻ không bị thiếu hormone tăng trưởng cũng dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng. Trẻ không phải bệnh nhân thấp lùn, nếu được tiêm hormone thì trên lý thuyết có thể cao lớn nhanh hơn, song không nên làm vậy vì không thuộc phạm vi chỉ định.

Những kẻ trục lợi


Ám ảnh về chiều cao của các bậc cha mẹ đã thổi bùng sự phát triển của thị trường hormone tăng chiều cao. Các loại hormone cũng đa dạng về chủng loại (có cả dạng nước và dạng bột) lẫn giá thành.

Liu Jing, sống tại một thành phố hạng hai ở Giang Tô, nói với Sino-Singapore Jingwei rằng lần đầu tiên tiêm hormone tăng chiều cao cho con, anh đã chọn Saizen lỏng tác dụng kéo dài của Jinsai Pharmaceutical. Giá của một chai chất lỏng tác dụng kéo dài là 4.300 tệ, một chai tiêm được 3 lần, một lần một tuần.

Sau khi đứa trẻ cao thêm 5 cm, Liu Jing đổi sang lọ 1.100 tệ, chất lỏng tác dụng ngắn của Jinsai Pharmaceutical, tiêm mỗi ngày một lần, có thể dùng được khoảng nửa tháng.

Ngày 4/8, nguồn tin nội bộ của một công ty sản xuất hormone tăng chiều cao tiết lộ rằng giá của các sản phẩm hormone tăng trưởng hiện tại sẽ không tăng và các sản phẩm đang được phát triển sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thị trường trong tương lai.

                                  Một số loại hormone tăng chiều cao ở Trung Quốc.


Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng ở trẻ em thấp lùn ở Trung Quốc đang đi đúng hướng, nhưng tỷ lệ thâm nhập vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo nghiên cứu của Guoyuan Securities ngày 21/7/2021, tỷ lệ bệnh nhân tầm vóc thấp trong nước được điều trị năm 2020 chỉ là 5,7%.

Mặt khác, việc lạm dụng hormone tăng chiều cao và mức giá quá cao từng nhiều lần gây tranh cãi.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sino-Singapore Jingwei, Gong Tao, Chủ tịch Quỹ Shenzhen Zhongjin Huachuang, nói rằng một mặt, một số bậc cha mẹ đã coi thường tác dụng của hormone tăng chiều cao và lạm dụng nó trong thời gian dài.

Mặt khác, một số đơn vị y tế lợi dụng lợi ích kinh tế, thúc đẩy bác sĩ kê thêm hormone tăng chiều cao với mức chiết khấu cao, tạo ra hiện tượng giá càng cao thì càng bán chạy.

Theo Zing