Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh sẽ giúp duy trì cân nặng hợp lý và cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó giúp đối phó với bệnh viêm khớp. Nhiều người vẫn truyền nhau kinh nghiệm ăn cà chua không tốt cho bệnh viêm khớp, đâu là sự thật?

Thành phần dinh dưỡng của cà chua

Cà chua là một thực phẩm ngon và bổ dưỡng, bổ sung tốt cho hầu hết các chế độ ăn uống lành mạnh. Cà chua chứa một số chất dinh dưỡng và hợp chất quan trọng đối với sức khỏe, như vitamin C, lycopene, kali và vitamin K...

Một quả cà chua nhỏ khoảng 100g cung cấp 16 calo, 0,8g protein, 3,5g carbohydrate và 0,2g chất béo. Trong số carbohydrate, 2,4g là từ đường tự nhiên và 1,1g đến từ chất xơ. Cà chua được coi là một loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Ăn loại quả quen thuộc này có làm nặng thêm bệnh viêm khớp? - Ảnh 1.

Cà chua là thực phẩm ngon và bổ dưỡng.

Cà chua là một nguồn tuyệt vời của kali và vitamin C. Một số dạng vitamin A có lợi cũng có trong cà chua, bao gồm lutein, zeaxanthin và lycopene giúp chống lại sự ôxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.

 Người bệnh viêm khớp có nên ăn cà chua?

Những người bị viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, thường truyền tai nhau kinh nghiệm nên tránh ăn cà chua và các loại rau ăn đêm khác (như cà tím, khoai tây và ớt) vì chúng có thể gây viêm dẫn đến đau khớp. Quan niệm có thể xuất phát từ thực tế là họ thực vật này có chứa một hợp chất gọi là solanin, chất này từ lâu được cho là có thể gây viêm và đau khớp. Nếu ăn với một lượng lớn có thể gây độc. Nhưng hàm lượng solanin được tìm thấy trong các loại rau ăn đêm là cực kỳ thấp và không có mối liên hệ khoa học hoặc y tế nào giữa việc ăn cà chua và chứng viêm khớp. Thay vào đó, các nghiên cứu thực sự chỉ ra rằng cà chua có thể làm giảm chứng viêm toàn thân và chất solanin không trực tiếp gây ra chứng viêm ở người.

ThS.BS. Đinh Văn Minh (Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Dệt may) cho biết: Với một số người xuất hiện tình trạng đau khớp sau khi ăn cà chua, có thể là do sự nhạy cảm hoặc không dung nạp với các loại thực phẩm khác nhau. Vì vậy, nếu thấy các khớp thêm đau nhức, sưng tấy hoặc cứng sau khi ăn cà chua (hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào đó), hãy thử áp dụng chế độ ăn kiêng. Đó là hãy loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi thực đơn trong một vài tuần sau đó lại tiếp tục thêm vào chế độ ăn và xem xét có phản ứng khác biệt hay những dấu hiệu về cơn đau hay không.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ, khuyến nghị mọi người nên áp dụng một chế độ ăn nhiều rau và trái cây có màu, bao gồm cả cà chua, có thể giúp giảm viêm và cải thiện chức năng khớp. 

Theo suckhoedoisong.vn