Quả cà có nhiều màu sắc và chủng loại khác nhau như màu xanh, trắng, đen,.. trong đó cà tím (còn có tên cà dái dê, cà tím dài, cà dê) là loại cà được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn. Trước khi tìm hiểu vấn đề ăn cà tím có độc không thì bạn cần nắm được giá trị dinh dưỡng và các công dụng của cà tím đối với sức khỏe.
1. Giá trị dinh dưỡng của cà tím
Khoảng 96g cà tím nấu chín có chứa:
- 33,6 kcal
- 8,29g cacbohydrat (trong đó 3,04g là đường)
- 2,4g chất xơ
- 10,6mg magie
- 14,4mg phốt pho
- 117mg kali
- 13,4mg folat
- 8,93mg cholin
- 21,1mcg beta caroten.
Ngoài ra cà tím cũng chứa các vitamin như vitamin C, vitamin K cùng một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng khác như niacin và đồng.
2. Tác dụng của cà tím đối với sức khỏe
- Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Ngoài việc chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe thì cà tím còn chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa anthocyanin - là một sắc tốt có đặc tính chống oxy hóa mạnh - tạo nên màu sắc cho loại cà này. Đặc biệt, anthocyanin trong cà tím là nasunin, luetin và zeaxanthin đặc biệt có lợi.
Các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các hưu hại do gốc tự do gây ra. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh mãn tính chẳng hạn như bệnh tim hay ung thư.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Nhờ hàm lượng cao các chất chống oxy hóa cùng chất xơ, vitamin C, vitamin B6 mà cà tím có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách cải thiện chức năng tim, giảm nồng độ cholesterol xấu cũng như chất béo trung tính và giảm mức độ nghiêm trọng của cơn đau tim. Tuy nhiên các nghiên cứu về tác dụng này chủ yếu là trên động vật, vẫn cần các nghiên cứu sâu hơn trên người để có thể kết luận cụ thể.
- Thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu
Cà tím giàu chất xơ có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả nhờ cơ chế làm chậm tốc thụ tiêu hóa cũng như hấp thụ đường trong cơ thể (giảm mức độ của các enzyme có liên quan tới việc hấp thụ đường). Việc hấp thụ chậm hơn giúp lượng đường trong máu không bị tăng vọt - điều này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường.
Theo nghiên cứu dẫn trên Healthline thì chiết xuất cà tím giàu polyphenol có tác dụng giúp hạ đường huyết. Do vậy mà cà tím là thực phẩm nằm trong danh sách thực phẩm khuyến nghị với bệnh nhân tiểu đường, bên cạnh chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm ngũ cốc và rau củ khác.
- Giúp giảm cân
Như đã nói ở trên, cà tím giàu chất xơ và ít calo nên có thể trở thành thực phẩm ưu tiên cho bất kì chế độ giảm cân nào.
- Có thể có lợi ích chống ung thư
Solasodine rhamnosyl glycosides (SRG) là một hợp chất tìm thấy trong cà tím đã được chỉ ra có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư cũng như giảm nguy cơ tái phát một số loại ung thư chẳng hạn như ung thư da.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu trái cây và rau củ như cà tím có liên quan tới việc giảm và bảo vệ chống lại nguy cơ ung thư tuyến tụy, dạ dày, đại trực tràng, bàng quang, cổ tử cung và ung thư vú.
Tuy nhiên các tác dụng này chưa được nghiên cứu rộng rãi mà chỉ giới hạn trong ống nghiệm và trên động vật.
- Khả năng nhận thức
Nasunin - một loại anthocyanin trong cà tím có thể giúp bảo vệ màng tế bào não khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra cũng như giúp vận chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào và loại bỏ chất thải ra ngoài.
Anthocyanin còn được biết đến với công dụng ngăn ngừa viêm thần kinh và thúc đẩy quá trình lưu thông máu tới não. Điều này giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và những vấn đề liên quan tơi suy giảm tinh thần có liên quan tới tuổi tác hiệu quả.
- Sức khỏe của mắt
Cà tím cũng chứa hai anthocyanin khác là luetin và zeaxanthin có tác dụng ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác dẫn tới giảm thị lực ở người lớn tuổi.
3. Những lưu ý khi ăn cà tím
Mặc dù cà tím rất tốt cho sức khỏe nhưng cần nhớ một số lưu ý dưới đây để bạn có thể tận dụng tối đa các tác dụng của cà tím khi ăn:
- Ăn cà tím nướng có độc không?
Cà tím có thể chế biến thành nhiều món ăn như hấp, chiên, nướng, xào hay nấu súp hoặc canh. Cà tím nướng không có độc, bạn có thể kết hợp với nhiều loại gia vị khác để tăng hương vị cho món ăn từ cà tím của mình như mỡ hành, trứng, các loại nước sốt thịt,... hoặc nướng trực tiếp các lát cà tím mỏng trên vỉ nướng.
Có một lưu ý là bạn không nên ăn quá nhiều món nướng cùng lúc vì có thể gây khó tiêu. Ngoài ra khi chế biến cà tím ở nhiệt độ cao trong thời gian dài cũng làm hao hụt đáng kể lượng vitamin và dưỡng chất trong quả.
- Làm cách nào để cắt cà tím không bị đen/thâm?
Khi cắt cà tím, thay vì sử dụng dao bằng thép carbon có thể gây ra phản ứng hóa học khiến cà tím chuyển sang màu thâm đen thì bạn nên sử dụng dao bằng thép không gỉ.
Hoặc bạn có thể ngâm cà tím với một chút muối và chanh/giấm ngay sau khi cắt để giữ màu trắng đẹp hơn.
- Ai không nên ăn cà tím?
Theo Đông Y, cà tím có tính năng cực hàn, thanh can, giáng hoả, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ huyết, hoá đàm, thanh nhiệt, giải độc.
Vì thế mà cà tím không phù hợp với người bị tiêu chảy, thể hàn, người đang có vấn đề về dạ dày, người mới ốm dậy, người đang yếu hoặc mệt mỏi, người đang bị bệnh thận (do lượng oxalate trong cà tím cao dễ gây sỏi thận), người bị hen suyễn hoặc người mẫn cảm với cà tím có thể bị ngứa da và miệng sau khi ăn.
- Ăn cà tím có nên bỏ vỏ?
Khi nấu, do vỏ cà tím giàu vitamin nhóm B và vitamin C nên hãy cố gắng giữ lại vỏ bằng cách khi chọn cà, chọn quả có da bóng sáng, vỏ mịn. Tránh những quả cà tím bị héo, vỏ dập hay đổi màu bất thường. Hơn nữa nhiệt độ cao khi nấu có thể khiến lượng vitamin hao hụt tới 50% nên cần giữ lại vỏ để giảm lượng vitamin dễ hao hụt do quá trình chế biến với nhiệt.
- Cà tím có ăn sống được không?
Cà tím có thể được chế biến thành các món như salad giúp giữ lại tối đa các vitamin và chất dinh dưỡng. Mặc dù loại cây này có chứa một chất gọi là solanine nhưng chủ yếu là tại hoa và lá, lượng solanine trong quả cà tím không đủ cao (khoảng 11mg) chưa tới ngưỡng có thể gây ngộ độc solanine là 400mg. Tuy nhiên không nên vì vậy mà ăn quá nhiều sẽ gây tích tụ solanine dẫn tới ngộ độc nặng.
Trong cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác, với nồng độ 0,01mg/100g. Để tránh độc, chỉ nên ăn cà tím 2-3 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 100 – 200g bằng cách nấu các món ăn đơn giản để ăn cùng cơm.
Lưu ý khi ăn cà tím sống, cần rửa sạch, để ráo nước, trộn cùng với giấm và dầu ô liu để dễ ăn và trung hòa và thúc đẩy sự phân hủy solanine. Không nên ướp muối cà tím trước khi nấu vì điều này có thể khiến cà tím bị mềm và ngập nước nhanh chóng do ruột cà tím có tính mềm xốp dễ hấp thụ nước, dầu và gia vị.
- Bảo quản cà tím trong bao lâu?
Bạn nên bảo quản cà tím nguyên quả trong tủ lạnh hoặc trong túi bảo quản thực phẩm chuyên dụng từ 7 - 10 ngày. Sau khi cắt, cà tím nên được sử dụng ngay. Bạn cũng có thể bảo quản cà tím trong tủ động trong tối đa 12 tháng, nhưng tốt nhất hãy ăn cà tím khi còn tươi để thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon của nó.
- Cà tím kỵ với gì?
Do cà tím có tính hàn nên không nên kết hợp cùng các thực phẩm khác như cua ghẹ, hải sản, thịt vịt, ngan, ếch, ốc,.. dễ gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
4. Các món ngon từ cà tím có tác dụng chữa bệnh
Lưu ý các món ngon này có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh, người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ áp huyết với cà tím xào mã đề
Chuẩn bị cà tím 200g, mã đề 15g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10, dầu mè, nước tương (xì dầu) một lượng thích hợp. Đem nguyên liệu rửa sạch sau đó cho dầu vào chảo, chờ tới khi dầu nóng thì phi thơm tỏi, hành và gừng. Sau đó cho cà tím, mã đề đã chuẩn bị vào xào rồi nêm gia vị vừa ăn. Mỗi ngày ăn một lần để có hiệu quả.
- Tiêu thực tan ứ, giảm mỡ, hạ huyết áp với canh gà cà tím
Chuẩn bị gà giò 1 con, cà tím 200g, sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu, muối một lượng thích hợp. Gà làm sạch, bỏ nội tạng; cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm bỏ gà vào xào sơ. Tiếp đó, đổ nước vào, bỏ cà, sơn tra, muối vào, nấu sôi bằng lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm chừng 30 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, dùng thay thức ăn.
- Táo bón
Chuẩn bị 100 - 200g cà tím nấu với thức ăn, ăn hàng ngày với cơm.
- Viêm phế quản cấp
Chuẩn bị cà tím 500g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà cắt dọc dài. Gừng thái lát, tỏi nghiền trộn nước tương, dầu, muối, đường. Sau đó đem chưng cách thủy.
- Giảm huyết áp với cà tím nhồi thịt om chay
Chuẩn bị 3 quả cà tím nhỏ dài, nhân thịt chay 300g, sốt cà chua 15ml, dầu vừng 2 thìa, gia vị. Cà thái dọc làm 2 nửa bỏ ruột, ngâm nước muối, vớt ra vắt nhẹ cho ráo. Nhồi nhân thịt chay đã trộn gia vị, rán vàng phía nhồi nhân, xếp vào xoong. Tiếp đó xào hành, bột mì và sốt cà chua để om.
Dị ứng với các thực phẩm ưa bóng râm như cà tím hiếm khi xảy ra. Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng cà tím, hay thăm khám bác sĩ để có tư vấn đối phó phù hợp.
Châu Anh/Nguồn: Healthline, Medical News Today