Quả cam khi còn xanh - Ảnh Internet
Cam có tên tiếng Anh là orange, là loài cây ăn quả cùng họ với bưởi. Có nhiều ý kiến cho rằng nó được lai được trồng từ thời xa xưa giữa bưởi (Citrus maxima) và quýt (Citrus reticulata). Kích thước của quả cam nhỏ hơn nh iều so với quả bưởi, vỏ cũng mỏng hơn, có thể dùng tay để bóc được. Tuy nhiên cam lại to và dày vỏ hơn quýt.
Loài cam có nguồn gốc ở Đông Nam Á, có thể từ Ấn Độ, Việt Nam hay miền nam Trung Quốc. Hiện nay, cam được trồng rộng rãi ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu vẫn thường được trồng ở vùng nhiệt đới. Các giống cam ngày nay đã cho quả quanh năm, nhưng mùa cam rộ nhất vẫn là vào khoảng tháng 11 hàng năm.
1. Những điều cần biết về quả cam
Quả cam có màu xanh, khi chín thì vỏ thường đổi dần sang màu vàng hoặc màu da cam. Quả cam có vị chua ngọt hoặc thiên chua. Ngày nay, con người cũng đã lai giống được nhiều loại cam có vị thuần ngọt.
Có hai loại cam thường thấy là loại cam với lớp vỏ mỏng, mịn dễ dàng bóc được và cam có vỏ dày, sần sùi. Quả cam thường được ăn trực tiếp sau khi lột vỏ. Cam sành thường được vắt hoặc ép các múi lấy nước uống vì thế công dụng của cam sành đối với sức khỏe rất lớn.
Cam là loại quả rất giàu chất dinh dưỡng. Người ta tính ra trong mỗi 100 gr quả cam có chứa 87,6 g nước, 1.104 microgram carotene, 30 mg vitamin C, 10,9 g chất tinh bột, 93 mg kali, 26 mg canxi. Ngoài ra, với trọng lượng cam tương tự còn có chứa 9 mg magnesium, 0,3 g chất xơ, 4,5 mg natri, 7 mg chromium, 20 mg phốt pho, 0,32 mg sắt và giá trị năng lượng là 48 Kcal.
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày chúng ta nên ăn mọt quả cam để cung cấp cho cơ thể lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Đặc biệt là trẻ em nên được ưu tiên uống 1 cốc nước cam để cơ thể dễ dàng hấp thụ các chất có trong đó. Chính vì thế nhiều người coi cam là loại quả thiết yếu cần được ăn hàng ngày.
Vậy tác dụng của cam đối với sức khỏe như thế nào?
2. Những tác dụng của cam
2.1. Cam có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong quả cam có các thành phần chính là nước, carotene, tinh bột, kali, canxi. Cam có vitamin gì? Cam là trái cây chứa nhiều vitamin như vitamin C, vitamin nhóm B, vitamin P, vitamin A,... Ngoài ra, nó còn có chứa một lượng magnesium, chất xơ, natri, chromium, phốt pho và sắt với tổng giá trị năng lượng lên tới 48 Kcal.
Vì thế, cam được đánh giá là loại quả rất giàu chất dinh dưỡng, được coi là loại quả bổ sung nguồn vitamin C dồi dào cho cơ thể.
2.2. Tăng cường thể lực
Nước cam vắt có tác dụng gì? Khi cơ thể mệt mỏi, bạn thường có cảm giác khát, cảm thấy cần phải bổ sung nước thì lúc này uống một cốc nước cam vắt giúp bạn tăng cường thể lực hiệu quả. Lượng đường fructoza và nước có trong cam sẽ được hấp thụ nhanh chóng, lập tức cơ thể sẽ được giải khát và bồi bổ thể lực.
Nên ăn cam hoặc uống nước ép cam sau khi quả cam được bổ ra không quá 30 phút, để hàm lượng vitamin C không bị thất thoát lãng phí. Đối với những người luyện tập thể thao, hãy bỏ thêm chút muối sau khi luyện tập để bổ sung muối và điện giải đã mất trong quá trình bài tiết mồ hôi.
2.3. Ăn cam giúp tăng sức đề kháng
Ăn cam đem lại hiệu quả hỗ trợ hệ thống miễn dịch rất tốt. Trong cam chứa vitamin P, hay còn gọi là rutin giúp mạch máu khỏe mạnh, vitamin nhóm B, dưỡng chất không thể thiếu cho hệ thần kinh, các khoáng chất ngăn ngừa các bệnh tim mạch, viêm nhiễm và ung thư, chống cảm cúm, chống viêm, ức chế các tế bào ung thư, xoa dịu cơn đau ruột, dạ dày, gan.
Vitamin C còn có tác dụng làm dịu và giúp vết thương mau lành, giảm chảy máu chân răng, điều trị viêm nướu (lợi).
2.4. Tăng cường thị lực
Thành phần carotenoid và vitamin A có sẵn trong cam giúp sáng mắt, phục hồi mắt yếu. Đặc biệt phụ nữ bị thoái hóa điểm vàng, việc sử dụng cam như một loại thực phẩm bổ sung thường xuyên, đem lại hiệu quả đáng kể, mắt người bệnh được cải thiện rõ ràng sau một thời gian.
Các chất chống oxy hóa khác trong cam cũng có thể làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
2.5. Tốt cho hệ tiêu hóa
Quả cam cung cấp một lượng chất xơ, rất tốt cho đường ruột. Trung bình một quả cam có đến 3 gam chất xơ, chiếm 12% lượng chất xơ cần thiết hàng ngày cần nạp vào cơ thể.
Ngoài ra, chất xơ còn hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu và lượng insulin, mang lại giấc ngủ ngon.
2.6. Tốt cho trí não, phòng chống đột quỵ và bệnh về tim mạch
Axit folic có trong cam đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của não. Còn flavanoid thì sản xuất ra flavanoes tốt cho trí nhớ.
Nước cam giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng lưu lượng máu lên não, chữa chứng hay quên, giảm thiểu đột quỵ, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Quả cam có rất nhiều tác dụng trong cuộc sống của con người - Ảnh Internet
2.7. Chống ung thư
Trong quả cam có chứa các chất thuộc nhóm flavonoid như hesperitin và naringinin. Những chất này làm giảm bệnh bạch cầu ở trẻ em, cũng như chống lại bệnh ung thư vú, ung thư gan và ruột kết.
2.8. Quả cam hỗ trợ làm đẹp da
Trong cam có chất chống oxy hóa và giàu vitamin C beta carotene, giúp ngăn ngừa lão hóa da, bảo vệ da khỏi các gốc tự do.
Vitamin C cũng được biết đến là chất làm sáng da tự nhiên, giảm sưng. Nếu ăn cam thường xuyên, bạn sẽ có một làn da tươi trẻ, mịn màng, căng bóng; không tì vết thâm mụn, nám hay đồi mồi.
2.9. Ngăn ngừa rụng tóc, bạc tóc sớm
Vitamin C trong cam giúp tổng hợp collagen không chỉ làm đẹp da, mà còn giúp tóc chắc khỏe, bóng mượt. Ăn cam thường xuyên, tóc bạn sẽ giảm rụng đi đáng kể, tránh được hiện tượng tóc bạc sớm.
2.10. Hỗ trợ giảm cân
Ngoài ra, lượng chất xơ trong cam cũng hỗ trợ cho việc giảm cân rất hiệu quả, cho bạn một thân hình cân đối, lý tưởng.
2.11. Cam hỗ trợ khả năng sinh sản của nam giới
Theo các nghiên cứu khoa học công bố, việc ăn cam hoặc uống nước ép cam thường xuyên làm tăng Testosterone ở nam giới. Khi nồng độ này trong cơ thể họ tăng lên, thì khả năng sinh sản cũng được cải thiện. Vitamin C có trong cam làm tăng sản xuất Oxit Nitric, giúp cải thiện sự giãn mạch, hỗ trợ việc cương dương rất nhiều.
Mặt khác, các chất chống oxy hóa có trong cam có thể bảo vệ tinh trùng khỏi các tổn thương di truyền, tránh những dị tật tinh trùng bẩm sinh. Thêm vào đó, nồng độ Axit Folic và vitamin C dồi dào có trong cam giúp nam giới sung sức hơn, cải thiện sức khỏe, tăng sự dẻo dai trong đời sống tình dục vợ chồng.
Nước cam có tác dụng lợi tiểu, việc đi tiểu nhiều sẽ thải bớt lượng vi khuẩn gây bệnh đường sinh dục ra ngoài cơ thể.
Vì những lý do trên, quả cam được cho là một trong những thần dược tự nhiên có thể cải thiện sức khỏe tinh trùng và khả năng quan hệ tình dục ở nam giới.
Tác dụng khác đến từ việc ăn cam:
Quả cam cũng được dùng làm gia vị hay đồ trang trí trong một số món ăn. Ngoài ra, cũng có các sản phẩm khác làm từ cam. Cùi cam, vỏ cam... được dùng để chế biến tinh dầu hay nước hoa, làm gia vị trong thực phẩm, thành phần của mỹ phẩm, chất tẩy rửa.
3. Những lưu ý khi ăn cam
3.1. Khi nào thì không nên ăn cam?
Quả cam có nhiều tác dụng đến vậy, nhưng không phải cứ ăn càng nhiều thì càng có lợi. Khi ăn cam, chúng ta cần có những lưu ý sau để không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe:
- Không ăn quá nhiều cam: Cam thường có vị chua, nếu ăn nhiều cam một lúc sẽ xuất hiện cảm giác ghê răng do men răng bị ảnh hưởng.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ăn quá nhiều cam sẽ khiến chúng ta dung nạp quá nhiều vitamin C và axít oxalic, dễ dẫn đến các bệnh về tiết niệu như sỏi thận, sỏi tiết niệu. Vì thế, một ngày người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 3 quả cam.
Không nên ăn quá 3 quả cam trong một ngày để bảo vệ sức khỏe - Ảnh Internet
- Không ăn cam lúc đói: Khi ăn cam với cái dạ dày rỗng, các axit hữu cơ trong cam sẽ kích thích màng nhầy ở thành dạ dày nếu dạ dày, dễ dẫn đến đau dạ dày, loét dạ dày.
- Thực phẩm tránh ăn cùng một lúc với cam:
Không ăn cam cùng củ cải: Nếu bạn ăn cam cùng thời điểm ăn củ cải, các chất có trong hai loại thực phẩm này sẽ tác động lẫn nhau, gây ức chế axit thioxianic về tuyến giáp, gây ra bệnh bướu cổ.
Không ăn cam và uống sữa gần thời điểm: Không nên uống sữa và ăn hoặc uống nước cam gần nhau trong khoảng 1 giờ trở lại. Axit tartaric và vitamin C từ cam có thể làm protein trong sữa bị vón cục trong bụng, khiến bạn có thể bị chướng bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy; tùy liều lượng, thời gian dùng... mà gây ra các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
3.2. Thời điểm ăn cam trong ngày
Không có giới hạn về thời điểm nên ăn hoặc không nên ăn cam trong ngày. Vì thế chúng ta có thể muốn ăn cam vào lúc nào cũng được, mà không sợ ảnh hưởng tới sức khỏe.
3.3. Bà bầu có ăn được cam không?
Bà bầu rất nên ăn cam để bồi bổ cơ thể và tốt cho thai nhi trong bụng.
Quả cam giúp cho người mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch, lựơng chất xơ cao giúp ngăn ngừa táo bón, giải độc, lợi tiểu.
Cam còn là một nguồn thực phẩm tự nhiên cung cấp vitamin B6 và axit folic dồi dà, vì thế trong thời điểm mang thai, người mẹ ăn cam sẽ giúp con phát triển trí não, tránh bị dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh bắt nguồn từ việc thiếu hụt axit folic.
Phụ nữ mang thai nên ăn ba quả cam mỗi ngày để bổ sung vitamin C (Bà bầu cần nạp vào cơ thể khoảng 85 mg hằng ngày).
Quả cam là một loại quả hữu ích trong cuộc sống của con người. Tác dụng của cam khi sử dụng một cách khoa học sẽ giúp con người nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Thùy Dung