Nghiên cứu công bố trên chuyên san The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy những người ăn chay trường thường ít mỡ thừa, khỏe mạnh và ít bệnh tật hơn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Ăn chay thế nào để kiểm soát tiểu đường? - ảnh 1

Ăn chay có thể giảm tác động của biến chứng tiểu đường đến sức khỏe

SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, người ăn chay cũng có nguy cơ thấp mắc ung thư đại trực tràng và tuyến tiền liệt. Lợi ích này có được là do họ không ăn thịt đỏ và thịt chế biến, vốn là những món làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, hàm lượng chất chống ô xy hóa cao trong rau củ, trái cây cũng góp phần ngăn ngừa ung thư.

Chế độ ăn chay, đặc biệt là thuần chay, sẽ có nhiều chất xơ và nhờ đó giúp ổn định đường huyết. Chất xơ không chỉ thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa mà còn làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Hơn nữa, chất xơ làm tăng cảm giác no và kiềm chế cơn đói, từ đó hỗ trợ giảm cân.

Để đạt được các lợi ích của chất xơ, một người trưởng thành nên ăn 21 đến 25 gram chất xơ mỗi ngày. Ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây, đậu và các loại hạt là lựa chọn rất tốt.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy lợi ích của chế độ ăn thuần chay với người tiểu đường. Chế độ ăn này giúp kiểm soát đường huyết, tăng độ nhạy insulin và ngăn ngừa biến chứng. Người ăn chay trường cũng giảm nhu cầu uống thuốc và ngăn ngừa tổn thương thần kinh do đường huyết cao.

Các biến chứng thường gặp của tiểu đường là suy giảm chức năng thận, xơ vữa động mạch, đột quỵ, suy giảm thính lực, sa sút trí tuệ và tổn thương dây thần kinh ở mắt hay tay chân. Ăn chay không ngăn được các biến chứng này nhưng có thể giảm thiểu tác động của chúng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm khi ăn chay là có thể gây thiếu hụt một số dưỡng chất. Ví dụ, không phải tất cả nhưng một số người ăn chay trong thời gian dài có thể bị thiếu vitamin B12, vitamin D, canxi và omega-3. Mọi người có thể bổ sung các dưỡng chất này qua trứng, sữa hay thực phẩm bổ sung.

Theo Thanh niên