Có một cuộc tranh luận không ngừng về việc liệu các loại lương thực chính như gạo và lúa mì có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 hay không, theo tờ Indian Express.

Bác sĩ đề xuất công thức ăn cơm tốt nhất giúp giảm lượng đường trong máu - Ảnh 1.

Nếu ăn cơm gạo trắng còn cám hoặc gạo lứt, kết hợp với đạm thực vật, thì chế độ ăn uống có thể trở nên lành mạnh

SHUTTERSTOCK

Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu về đề tài này. Và kết quả cho thấy ăn các loại lương thực này với số lượng hạn chế thì vẫn ổn, tiến sĩ V Mohan cho biết.

Ngoài ra, các kết quả cũng cho thấy hoạt động thể chất đầy đủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho người tiêu thụ gạo và lúa mì.

Cơm có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu với dữ liệu mạnh mẽ và đáng tin cậy nhất, bao gồm khoảng 135.000 người được theo dõi trong 15 năm từ 20 quốc gia ở 5 châu lục.

Kết quả đã cho thấy những người không mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu nhưng ăn nhiều cơm hơn trong suốt 15 năm, có nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn, tiến sĩ V Mohan cho hay, theo Indian Express.

Cơm gạo lứt có tốt hơn cơm trắng?

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm thay gạo trắng bằng gạo lứt. Kết quả đã phát hiện ra rằng ở những người thừa cân và có dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa, ăn cơm gạo lứt thay cơm trắng đã giảm phản ứng đường huyết trong suốt cả ngày.

Hội chuyển hóa bao gồm béo phì, tăng huyết áp, tăng đường huyết và tăng mỡ máu, thường liên quan đến tình trạng kháng insulin.

Ăn cách nào thì lành mạnh?

Hơn nữa, khi kết hợp gạo lứt với một số loại đậu hoặc đạm thực vật, sự dao động đường huyết của họ còn giảm hơn nữa. Do đó, chúng tôi kết luận rằng nếu ăn cơm gạo trắng còn cám hoặc gạo lứt, kết hợp với đạm thực vật, thì chế độ ăn uống có thể trở nên lành mạnh, tiến sĩ V Mohan cho hay, theo Indian Express.

Chỉ số đường huyết của gạo trắng cao hơn so với gạo lứt, carb trong gạo trắng được chuyển thành đường trong máu nhanh hơn so với gạo lứt. Đây là lý do tại sao gạo trắng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, béo phì, huyết áp và bệnh tim cao hơn.

Công thức tốt nhất để ăn cơm 

Ăn cơm như thế nào để giảm lượng đường trong máu? - Ảnh 2.

Một đĩa cơm được bác sĩ đề xuất

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Cách tốt nhất là thêm đạm vào bữa ăn. Đạm tạo cảm giác no và cần thời gian để tiêu hóa, từ đó làm chậm toàn bộ quá trình tiêu hóa và tránh tăng đột biến lượng đường trong máu.

Thay vì thay thế bằng loại thực phẩm khác, tiến sĩ V Mohan đề xuất nguyên tắc "công thức đĩa ăn" như sau:

  • ½ đĩa là rau lá xanh không chứa tinh bột
  • ¼ đĩa là đạm, tốt nhất là đạm thực vật như các loại đậu, đậu phụ
  • ¼ là cơm (gạo trắng còn cám hoặc gạo lứt).

Điều quan trọng là cần kết hợp với hoạt động thể chất và giảm cân, theo Indian Express.

Theo Thanh niên