leftcenterrightdel
Nhu cầu giáo dục y tế tại Ấn Độ là rất lớn. 

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về tính khả thi của phương án này.

Mỗi năm, khoảng 25 nghìn sinh viên Ấn Độ ra nước ngoài học y khoa. Các điểm đến du học được nhiều người lựa chọn là Nga, Ukraine, Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Kyrgyzstan, Kazakhstan. Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi học tập ở nước ngoài.

Đơn cử, giữa xung đột Nga - Ukraine, các sinh viên ngành y phải rời khỏi Ukraine, trở về nước và bị gián đoạn học tập. Các trường đại học trong nước không thể tiếp nhận nhóm sinh viên này do đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, nhiều người mạo hiểm trở lại Ukraine học tập bất chấp các lý do an toàn.

Anh Pulkit Parikh, người thành lập Diễn đàn Sinh viên Ấn Độ – Ukraine, cho biết nhiều sinh viên sống trong điều kiện khó khăn tại Ukraine. “Mọi người bất chấp nguy hiểm từ các cuộc đánh bom, tên lửa để tiếp tục việc học tại Ukraine. Họ không còn lựa chọn nào khác vì gia đình đã đầu tư tiền bạc cho việc du học”, anh Parikh cho biết.

Trước nhu cầu về giáo dục y tế, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, thông báo sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học y khoa thêm 75 nghìn suất trong năm năm, tính từ năm 2025. Mục tiêu nhằm củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đất nước.

Thủ tướng Modi cho biết: “Trong 10 năm qua, có khoảng 100 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh y khoa trên cả nước nhưng khoảng 25 nghìn thanh niên vẫn phải ra nước ngoài học tập và đối mặt rủi ro. Nhận thấy nhu cầu giáo dục y khoa ngày càng tăng, chúng tôi sẽ mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngại trước kế hoạch của chính phủ. Ông Amulya Nidhi, người đồng sáng lập Tổ chức Y tế Nhân dân Ấn Độ, cho biết, theo kế hoạch trên, các trường phải mở rộng việc quản lý và đào tạo sinh viên y khoa.

Họ sẽ phải mở rộng cơ sở vật chất, tăng cường phòng lab, thuê thêm giảng viên, liên hệ với nhiều bệnh viện y khoa để sinh viên đi lâm sàng. Dù chính phủ có kế hoạch trên nhưng ngân sách hàng năm dành cho giáo dục vẫn giữ nguyên. Như vậy, các trường đại học không có đủ nguồn vật lực, nhân lực để quản lý số lượng chỉ tiêu tăng.

“Trong những năm qua, nhiều trường đại học đã cố gắng tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng họ thiếu giảng viên và cơ sở hạ tầng cần thiết. Đây là thách thức đáng kể vì việc đào tạo sẽ không đạt hiệu quả nếu không đáp ứng đủ cơ sở vật chất thiết yếu”, ông Nidhi nói.

Như vậy, nếu muốn kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh đạt hiệu quả như mong đợi, chính phủ và chính quyền các địa phương, trường đại học cần gia tăng đầu tư và phân bổ ngân sách phù hợp cho giáo dục y tế.

Hồi tháng 2/2024, cựu Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Gia đình Mansukh Mandaviya, thông tin số lượng trường cao đẳng y khoa đã tăng từ 340 lên 707 trong 10 năm. Việc mở rộng số lượng trường đào tạo y khoa cho thấy nỗ lực của chính phủ để giải quyết tình trạng đào tạo y khoa còn nhiều hạn chế.

Theo giaoducthoidai