leftcenterrightdel
 Dưa muối là món ăn quen thuộc và phổ biến. (Nguồn: ĐMX)

Dưa, cà muối chua là một trong những món ăn quen thuộc, thường xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình nhờ hương vị tươi ngon và kết cấu giòn, mọng nước. Trong khi nhiều người xem đây là món ăn ngon, dễ bảo quản, số khác cho rằng dưa muối không có lợi cho sức khỏe, dễ gây ung thư.

Ăn dưa muối có gây ung thư không?

Theo Aboluowang, nỗi sợ hãi này xuất phát từ việc dưa chua chứa nitrit - một chất độc hại tự nhiên. Nitrit thu được bằng cách phân hủy và khử nitrat trong môi trường nhiệt độ cao và môi trường thiếu khí.

Thông thường, trong quá trình muối dưa sẽ diễn ra phản ứng biến đổi nitrat (chất tồn dư trong rau, củ do được bón phân urê hoặc hút từ đất có nitrat cao) thành nitrit.

Khi dưa chua được ngâm lâu ngày, nitrat sẽ tạo ra nhiều phản ứng khử với vi khuẩn hơn, theo thời gian, hàm lượng nitrit trong dưa chua tăng dần.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi hấp thụ lượng nitrit 0,5 gam, cơ thể sẽ xảy ra phản ứng ngộ độc cấp tính. Trường hợp nặng sẽ xảy ra phản ứng huyết sắc tố, kèm theo các rối loạn thần kinh như chóng mặt, nhức đầu, đau nửa đầu, đột quỵ, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi nói chung.

Nitrit có thể gây hại cho cơ thể con người, liệu dưa muối chua có mối liên hệ rõ ràng với bệnh ung thư không?

Thực tế, lượng nitrit chúng ta tiêu thụ hằng ngày không thể đạt đến mức gây hại cho sức khỏe, trừ khi bạn ăn dưa chua lượng nhiều và trong thời gian dài. Tuy hàm lượng nitrit tăng trong quá trình muối dưa nhưng sau đó giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Một tháng sau khi muối, món ăn sẽ đạt mức an toàn hơn.

Nói cách khác, miễn là dưa muối hợp vệ sinh và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chúng sẽ không gây hại lớn cho cơ thể và khó có khả năng gây ung thư.

Ba điểm cần ghi nhớ để giảm thiểu tác hại của dưa muối

Bảo đảm nguồn gốc dưa chua rõ ràng, sạch sẽ

Bạn có thể thử tự muối dưa để đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Nếu không có điều kiện tự làm, nên chọn mua nơi uy tín, chất lượng.

Không ăn dưa mới muối

Một số người không thích dưa ngâm lâu, muối được vài ngày đã lấy ra ăn. Với họ, vị của dưa lúc này không bị mặn, giòn và ngon hơn.

Nhưng trên thực tế, dưa mới muối có hàm lượng lớn nitrit, ăn vào dễ gây độc tố cho cơ thể. Ngoài ra, đường tiêu hóa có môi trường axit đặc biệt, có thể cung cấp các điều kiện sinh lý cho nitrit phát triển. Do đó, nếu thực sự thích ăn dưa muối, hãy chờ tới khi dưa chua hẳn.

Nếu mắc các bệnh mạch máu mãn tính và bệnh về thần kinh như huyết áp cao, bệnh về tim mạch và mạch máu não, hãy ăn ít dưa chua.

Bệnh nhân cao huyết áp nên xây dựng chế độ ăn ít muối, theo đáp ứng tiêu chuẩn của WHO là dưới 5 gam. Lượng muối trong dưa chua khá nhiều, người bệnh có thể khó kiểm soát huyết áp nếu ăn dưa chua.

Những ai không nên ăn dưa muối trong thời gian dài?

Người từng bị đột quỵ

Những người bị đột quỵ tiêu thụ một lượng lớn muối không chỉ làm tăng khả năng tái phát bệnh mà còn dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gout và sỏi thận. Người bệnh nếu tiêu thụ hơn 5g muối mỗi ngày, nguy cơ phát triển bệnh gout tăng 17%.

Người cao tuổi bị loãng xương

Ăn quá nhiều muối khiến cơ thể cạn kiệt canxi, xương của người già trở nên mỏng manh hơn và tình trạng loãng xương trở nên nghiêm trọng hơn. Người cao tuổi bị loãng xương nên tránh ăn quá nhiều dưa chua.

Người mắc các bệnh về đường tiêu hóa

Các yếu tố gây hại trong dưa chua dễ bám vào niêm mạc, làm suy yếu đường tiêu hóa. Trong trường hợp nặng, người bị bệnh tiêu hóa ăn dưa muối nhiều, có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Theo baoquocte