|
|
Ăn uống khoa học là điều cần thiết để người trẻ tuổi phòng ngừa đau tim. Đồ họa: Thiện Nhân |
Ông Vijay Thakkar - chuyên gia y học chức năng, huấn luyện viên thể hình tại Mumbai (Ấn Độ) - cho biết, ở độ tuổi 20 - 30, bạn có xu hướng bỏ qua những lo ngại về sức khỏe tim mạch, tuy nhiên, bệnh tim không chờ đến tuổi già để trở nên nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, thói quen ăn uống của nhiều người trẻ hiện nay đã chuyển từ các bữa ăn nấu tại nhà truyền thống sang thực phẩm chế biến và thức ăn nhanh, khiến nguy cơ phát triển các dấu hiệu sớm của bệnh tim đặc biệt cao.
Chế độ ăn tốt cho tim người trẻ nên áp dụng
Ông Vijay Thakkar hướng dẫn các chế độ ăn uống tốt cho người trẻ để bảo vệ sức khỏe tim mạch:
1. Ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế
Gạo trắng và bột tinh chế có thể làm tăng lượng đường trong máu và làm tăng mức độ các hạt LDL (lipoprotein mật độ thấp) trong quá trình lưu thông, có thể làm tắc nghẽn các vùng bị tổn thương của động mạch để hình thành mảng bám.
Hàm lượng maida (một loại bột mì) trong chế độ ăn uống của bạn nếu không kiểm soát cũng sẽ tạo ra nhiều triglyceride, vì maida được phân hủy thành glucose trong cơ thể để hấp thụ.
Lượng glucose dư thừa này dễ dàng được chuyển đổi thành triglyceride (mỡ máu/lipid) trong cơ thể, điều này cũng liên quan đến việc làm giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt).
Các loại ngũ cốc nguyên hạt, như gạo lứt, jowar, bajra và yến mạch, là những lựa chọn thay thế tốt hơn vì chúng giàu chất xơ, giúp làm giảm tổng lượng cholesterol và ổn định lượng đường trong máu.
2. Chất béo lành mạnh
Dầu mù tạt, dầu ô liu và dầu lạc rất giàu chất béo không bão hòa đơn, giúp giảm cholesterol xấu. Mặt khác, các loại dầu bổ sung nhiều chất béo bão hòa (như dầu dừa và bơ ghee, nếu dùng quá nhiều) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, các loại thực phẩm như hạnh nhân, quả óc chó và hạt lanh, rất giàu axit béo omega-3, rất tốt để giảm viêm và hỗ trợ chức năng tim.
3. Ăn nhiều trái cây và rau quả
Các loại trái cây như ổi, lựu, đu đủ và các loại rau như rau bina, cà chua và ớt chuông chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ và các loại vitamin thiết yếu giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa hoặc tổn thương tế bào và tình trạng viêm.
4. Sử dụng protein nạc và thực vật
Chế độ ăn uống truyền thống cung cấp nhiều nguồn protein khác nhau, từ đậu lăng (dal) và đậu gà đến cá và gà. Các nghiên cứu cho thấy protein có nguồn gốc thực vật, như các loại đậu, đậu lăng và đậu nành, giúp giảm mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Trong khi đó, protein động vật nạc như thịt gà và cá (đặc biệt là cá béo như cá thu và cá hồi) là nguồn axit béo omega-3 tuyệt vời, được biết đến với tác dụng bảo vệ tim.
5. Giảm muối và đường
Lượng muối dư thừa làm tăng huyết áp, đây là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, trong khi lượng đường dư thừa góp phần gây ra bệnh béo phì và tiểu đường, cả hai đều liên quan đến các vấn đề về tim.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêu thụ ít hơn 5 gam muối mỗi ngày.
Tương tự như vậy, việc giảm tổng lượng đường tiêu thụ hằng ngày trong vòng 90 gam mỗi ngày không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo laodong