leftcenterrightdel
 

Ăn nội tạng động vật có béo không, ai không nên ăn nội tạng động vật hay ăn nội tạng động vật bao lâu một lần,... là những băn khoăn phổ biến xung quanh món ăn giàu protein và cholesterol này.

Dưới đây là những thông tin cần biết liên quan tới việc ăn nội tạng động vật mà bạn có thể tham khảo:

1. Nội tạng động vật có giá trị dinh dưỡng cao

Theo WebMD, ngoại trừ lòng (ruột) và óc thì hầu hết các loại thịt nội tạng đều là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Cụ thể, nội tạng đặc biệt giàu vitamin B, chẳng hạn như vitamin B12 và folate cùng các khoáng chất như sắt, magie, selen, kẽm. Nội tạng động vật cũng giàu các vitamin tan trong dầu quan trọng như vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K.

leftcenterrightdel
Nội tạng động vật có giá trị dinh dưỡng cao (Ảnh: ST) 

 

Hơn nữa, nội tạng động vật là một nguồn protein tuyệt vời với tất cả 9 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể, giúp duy trì hoạt động hiệu quả.

Chẳng hạn, khoảng 100 gam gan bò nấu chín có: 191 calo, 29 gam protein, 2715% nhu cầu vitamin B12 hàng ngày (DV), 1588% DV đồng, 1048% vitamin A, 263% DV Riboflavin, 109% DV Niacin, 60% DV vitamin B6, 66% DV selen, 48% DV kẽm, 36% DV sắt.

Hoặc khoảng 113 gam tim bò sống có chứa: 127 calo, 20 gam protein, 4 gam chất béo.

2. Ăn nội tạng động vật có tốt không?

Theo WebMD, ăn nội tạng động vật có thể mang lại một số lợi ích như:

- Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer: Thiamin, còn được gọi là Vitamin B1, có nhiều trong gan bò, gan lợn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thêm thiamin vào chế độ ăn có thể giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer, bao gồm chứng mất trí nhớ và hình thành mảng bám.

- Cung cấp năng lượng: Nội tạng động vật, đặc biệt là gan, thận có chứa nhiều sắt. Thiếu sắt là một trong những yếu tố gây ra cảm giác mệt mỏi, yếu đuối quá mức. Thêm nội tạng động vật vào chế độ ăn sẽ giúp tăng lượng sắt trong máu.

leftcenterrightdel
Ăn nội tạng động vật có tốt không? Ảnh: ST 

 

- Giảm nguy cơ bệnh tim: Tất cả các cơ quan nội tạng (trừ ruột) đều chứa hàm lượng cao Vitamin B12. Kết hợp với folate (cũng có trong các cơ quan thịt), vitamin B12 giúp điều hòa nồng độ homocysteine trong máu. Nồng độ homocysteine cao là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Vitamin B12 cũng được biết đến là một chất dinh dưỡng quan trọng liên quan đến sức khỏe của tế bào thần kinh và sản xuất DNA. Lượng vitamin B12 khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày là 2,4 microgam. Khi nói đến thực phẩm giàu vitamin B12 thì không thể bỏ qua gan bò, theo đó gan bò cung cấp 59,3 microgam trong 100 gam.

- Nguồn protein chất lượng cao: Thịt nội tạng là nguồn protein chất lượng cao, rất quan trọng để xây dựng và duy trì khối lượng cơ. Việc tăng lượng protein kết hợp với bài tập sức bền sẽ giúp tăng sức mạnh và cơ bắp, từ đó giúp làm chậm quá trình mất cơ hoặc teo cơ do tuổi tác. Protein cũng tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể như chức năng kháng thể và nội tiết tố.

Lượng protein khuyến nghị cho người trưởng thành khỏe mạnh là 10% đến 35% nhu cầu calo và các nguồn protein từ động vật, bao gồm cả nội tạng, là lựa chọn tốt để đáp ứng nhu cầu protein.

- Nguồn choline tuyệt vời: Choline cần thiết để điều chỉnh tâm trạng, trí nhớ và kiểm soát cơ bắp. Nó cũng đóng vai trò trong quá trình phát triển não bộ và chuyển hóa sớm. Mặc dù gan có thể tạo ra một lượng nhỏ choline, nhưng hầu hết lượng choline thu được phải đến từ chế độ ăn uống. Trong số thực phẩm chứa choline, có thể kể đến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ, gan bò cung cấp một lượng choline đáng kể là 333 miligam trong khẩu phần 100 gam, đáp ứng 60% nhu cầu hàng ngày.

leftcenterrightdel
Gan bò cung cấp một lượng choline đáng kể là 333 miligam trong khẩu phần 100 gam (Ảnh: ST) 

 

- Hỗ trợ chức năng miễn dịch và chữa lành vết thương: Nội tạng động vật chứa nhiều khoáng chất, trong đó có sắt - có chức năng mang oxy đi khắp cơ thể và kẽm - giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch và chữa lành vết thương. Gan từ nhiều nguồn động vật khác nhau cung cấp khoảng 5 - 9 miligam sắt trong 100 gam, đáp ứng khoảng 28% đến 50% nhu cầu hàng ngày. Gan cũng là nguồn cung cấp kẽm dồi dào, cũng như thận, lưỡi và tim, cung cấp 15% hoặc hơn nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày trong khẩu phần 100 gam.

3. Ai không nên ăn nội tạng động vật?

Ăn nội tạng động vật, đặc biệt là ăn quá nhiều có thể dẫn tới nhiều rủi ro sức khỏe, bao gồm:

- Hàm lượng purin cao: Người bị bệnh gút thường được khuyên không nên ăn thịt nội tạng do chúng có hàm lượng purin cao, có thể phân hủy thành axit uric và nồng độ axit uric tăng cao trong máu có thể dẫn tới bùng phát cơn đau gút và góp phần làm tiến triển tổn thương khớp ở những người bị bệnh gút.

- Dư thừa vitamin A: Vitamin A có hai dạng là vitamin A dạng tiền chất - còn gọi là retinol và retinyl este - có trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm cả nội tạng động vật.

Ăn quá nhiều có thể khiến vitamin A dư thừa lưu trữ trong gan (thay vì bài tiết qua nước tiểu). Dư thừa vitamin A có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn và chóng mặt. Nồng độ cao vitamin A có thể gây nguy hiểm cho thai nhi dẫn tới dị tật bẩm sinh (bao gồm khiếm khuyết tim, tủy sống và thận cũng như các bất thường về mắt, tai và mũi). Chính vì lý do này là một số tổ chức như U.K. National Health Service khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn gan.

- Mức cholesterol: Trong khi nội tạng là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng nội tạng động vật cũng chứa nhiều cholesterol (đặc biệt là gan và tim). Chẳng hạn, trong 100 gam óc bò chín có chứa tới 2000 miligam cholesterol, ở thận là 716 miligam, ở óc lợn là 2400 miligam và ở gan là 381 miligam. Trong khi đó, nhu cầu khuyến nghị hàng ngày với cholesterol chỉ là 300 miligam.

leftcenterrightdel
Trong khi nội tạng là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng nội tạng động vật cũng chứa nhiều cholesterol (đặc biệt là gan và tim) - Ảnh: ST 

 

Nồng độ cholesterol cao làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch, đau tim hoặc đột quỵ. Theo Healthline, nếu chế độ ăn uống của bạn có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, điều này sẽ ảnh hưởng tới mức độ cholesterol trong máu.

Mặc dù mối liên hệ giữa cholesterol trong chế độ ăn uống và nguy cơ tim mạch chưa có nhiều rõ ràng thì một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa đã được chứng minh là có liên quan chặt chẽ tới sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Đặc biệt, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyên rằng, người có cholesterol trong máu cao thì cần tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, đặc biệt nếu đang sẵn có tình trạng bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ suy tim cao.

- Bệnh huyết sắc tố (Hemochromatosis): Hay còn gọi là bệnh do thừa sắt, là một rối loạn gây ra do cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt dẫn đến tổn thương mô. Nhóm người này nên hạn chế ăn các loại nội tạng giàu sắt như gan, thận động vật.

- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh với sự tham gia của hơn 15.000 người chỉ ra rằng, việc tiêu thụ nội tạng động vật có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở mức độ trung bình. Mặc dù các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần có thêm các nghiên cứu để xác nhận các phát hiện, nhưng điều quan trọng là những người có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, chẳng hạn như những người bị tiểu đường hoặc bị kháng insulin cần tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tốt nhất là nên tránh ăn nội tạng động vật.

- Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng: Ăn nội tạng động vật không được sơ chế đúng cách làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng như giun, sán. Ngoài ra, ăn nội tạng động vật của các con vật bị bệnh cũng dẫn tới nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm, như bị nhiễm các vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hoặc liên cầu khuẩn ảnh hưởng đường tiêu hóa, gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nôn mửa, thương hàn, viêm não, xuất huyté tiêu hóa, ... Ăn óc bò không rõ nguồn gốc, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò “bệnh bò điên” (bovine spongiform encephalopathy).

leftcenterrightdel
Ăn nội tạng động vật không được sơ chế đúng cách làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng như giun, sán (Ảnh: ST) 

 

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi "Ai không nên ăn nội tạng động vật" là: Người bị bệnh gút, bệnh mỡ máu, béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, tiểu đường, thận hư nhiễm mỡ, suy tim, suy thận, người bị thừa sắt, người nhạy cảm với cholesterol trong thực phẩm,...

4. Ăn nội tạng bao lâu một lần?

Nhìn chung thì hầu hết thịt nội tạng động vật khi tiêu thụ với số lượng ít, sơ chế sạch sẽ, mua ở cơ sở uy tín, thịt nội tạng rõ nguồn gốc xuất xứ đều được coi là an toàn đối với sức khỏe.

Lượng sử dụng thịt nội tạng động vật phù hợp với mỗi người cụ thể như sau: Với người trưởng thành chỉ nên ăn nội tạng 2 - 3 lần trong tuần (tương đương khoảng 50 - 70 gam/lần), trẻ em ăn 2 lần/tuần (tương đương khoảng 30 - 50 gam/lần).

Nhìn chung, ăn nội tạng động vật đúng cách có thể giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Với người đang điều trị bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ hoặc mắc các bệnh mãn tính, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm nội tạng động vật vào chế độ ăn, tránh các tương tác thuốc không mong muốn hoặc ảnh hưởng tới triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.

Châu Anh/Nguồn: Health, Healthline, WebMD