Nghiên cứu mới chỉ ra rằng hai yếu tố này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa, béo phì và tiểu đường loại 2.
Vì vậy, điều chỉnh giờ ăn và tốc độ ăn cũng có thể giúp ngăn ngừa và giải quyết những tình trạng trên, theo chuyên trang y tế WebMD.
Không ăn quá nhanh
Hầu hết mọi người đều biết ăn quá nhanh sẽ gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn. Nhưng thường xuyên ăn quá nhanh còn gây ra những hậu quả lâu dài.
Cảm thấy no sẽ giúp bạn tránh ăn quá nhiều và nạp quá nhiều calo. Nhưng phải mất khoảng 20 phút để dạ dày báo cho não về cảm giác no. Vì vậy khi ăn quá nhanh, bạn sẽ cảm nhận tín hiệu no muộn hơn khiến bạn tiếp tục ăn thêm và tiêu thụ nhiều calo hơn dự định. Nghiên cứu cho thấy điều này dẫn đến thừa cân.
Thói quen này về lâu dài còn có thể dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa, vì ăn quá nhiều khiến thức ăn đọng lại trong dạ dày lâu hơn, kéo dài thời gian niêm mạc dạ dày tiếp xúc với axit dạ dày.
Nghiên cứu bao gồm 10.893 người của Hàn Quốc đã cho thấy những người ăn nhanh nhất (dưới 5 phút một bữa ăn) có nguy cơ bị viêm dạ dày cao hơn 1,7 lần so với những người ăn chậm nhất (từ 15 phút trở lên).
Một nghiên cứu khác cũng của Hàn Quốc, bao gồm 89 người, cũng phát hiện ra rằng ăn nhanh hơn cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng khó tiêu kéo dài.
Ở mức cực đoan, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy ở những người ăn rất nhanh, dạ dày giãn nở tạo thành một túi lớn khiến họ dễ bị béo phì, liệt dạ dày, buồn nôn và nôn dữ dội, và cần phải phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày.
Tốc độ ăn cũng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và cuối cùng là dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Với những vấn đề tiềm ẩn này, mọi người có thể giảm tốc độ ăn để cảm thấy no trước khi ăn quá nhiều.
Không ăn quá muộn
Nghiên cứu chỉ ra rằng ăn sớm hơn trong ngày nhằm điều chỉnh bữa ăn phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể trong quá trình trao đổi chất sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Tiến sĩ Collin Popp, nhà khoa học nghiên cứu tại Trường Y NYU Grossman (Mỹ), cho biết: Tôi thường khuyên mọi người nên ăn bữa chính vào buổi sáng.
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cho thấy ăn bữa chính vào buổi trưa cũng bảo vệ khỏi béo phì.
Ngược lại, ăn nhiều trong bữa tối sẽ làm tăng nguy cơ béo phì và dẫn đến chỉ số khối cơ thể cao hơn.
Tiến sĩ Popp lưu ý: Tập trung vào bữa sáng hoặc trưa cũng có thể có lợi cho sức khỏe trao đổi chất, theo WebMD.
Sức khỏe trao đổi chất được định nghĩa là bao gồm tất cả, từ lượng đường trong máu, vòng bụng, đến huyết áp, cholesterol và chất béo trung tính.
Theo Thanh niên