1. Thế nào là chế độ ăn thuần chay thô?

Chế độ ăn thuần chay thô (raw vegan) là sự kết hợp giữa chế độ ăn thô và thuần chay, đó là cách ăn uống mà những người ăn theo chế độ này gọi là "ăn sạch" - bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nảy mầm, các loại đậu nảy mầm, quả hạch thô và hạt; không ăn thịt, các sản phẩm từ động vật và thực phẩm chế biến sẵn.

Thông thường, một chế độ ăn thuần chay hạn chế nhiều thực phẩm nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng chế độ ăn thuần chay thô có xu hướng hạn chế hơn rất nhiều.

Chế độ ăn thuần chay thô theo nguyên tắc tất cả các loại thực phẩm tiêu thụ sẽ ở nhiệt độ lạnh, nhiệt độ phòng hoặc ấm, không quá 48 độ C và được phục vụ ở trạng thái tự nhiên chứ không được phép hấp chín, chiên rán hoặc áp chảo.

Ý tưởng của ăn thuần chay thô, tăng cường ăn sống là nhằm giữ lại càng nhiều chất dinh dưỡng, các vitamin, khoáng chất của thực phẩm càng tốt. Những người theo trường phái này dựa trên cơ sở một số vi chất dinh dưỡng bị giảm bớt hoặc bị phá hủy khi nấu nướng. Ví dụ, theo một nghiên cứu cho thấy có tới 38% vitamin C có trong bông cải xanh có thể bị mất đi trong quá trình nấu nướng. Vì vậy, ăn thô sẽ giữ lại những dinh dưỡng của thực phẩm.

2. Người ăn thuần chay thô ăn gì và không ăn gì?

Những người ăn thuần chay thô ăn thực vật ở dạng ăn tươi sống không qua chế biến và đun nấu như: rau củ, trái cây, các loại hạt, rau mầm, các loại ngũ cốc nảy mầm…

- Với các loại ngũ cốc đã nảy mầm, chẳng hạn như farro (ngũ cốc nguyên hạt không chứa gluten) và quinoa (hạt diêm mạch) chưa tách vỏ sẽ được ngâm thay vì nấu chín thông thường.

- Các loại đậu như đậu lăng và đậu pinto nảy mầm trong nước ấm.

- Các loại hạt thô chưa được rang.

- Sữa hạnh nhân làm từ hạnh nhân thô.

- Đậu phụ sống (một số ít người ăn đậu phụ, mặc dù nó được làm bằng đậu nành nấu chín, tuy nhiên những người tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn sống sẽ loại bỏ đậu phụ).

Ăn thuần chay thô là gì? - Ảnh 3.

Những người ăn kiêng thuần chay thô không ăn bất kỳ sản phẩm động vật nào và chỉ tiêu thụ thực phẩm không được làm nóng trên 48 độ C.

Trong chế độ ăn thuần chay thô, mọi người không sử dụng cà phê, ngũ cốc nấu chín và các thực phẩm như:

  • Thịt
  • Phô mai
  • Trứng
  • Các sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa chua và sữa
  • Mỳ ống
  • Khoai tây chiên, đồ ngọt như bánh quy và bánh ngọt cũng như các loại thực phẩm chế biến sẵn khác được đóng gói
  • Mật ong

3. Lợi ích và hạn chế của chế độ ăn thuần chay thô

Ăn thuần chay thô là gì? - Ảnh 4.

Chế độ ăn thuần chay thô đôi khi cũng dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.

Bằng cách ăn uống thuần chay thô, người ăn có thể tận dụng được những lợi ích sức khỏe đã được chứng minh của trái cây và rau quả. Với những người giảm cân cũng thu được những hiệu quả khá tốt.

Tuy nhiên, ThS Dinh dưỡng Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, chế độ ăn thuần chay thô kéo dài cũng có ảnh hưởng tới sức khỏe, trong đó có  giảm cân. Ngoài ra, dù có nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng hơn khi ăn sống nhưng có những loại khác thực sự tốt hơn khi được nấu chín. Ví dụ như cà chua có chứa lycopene và cơ thể hấp thụ lycopene, một loại caroten có trong cà chua dễ dàng hơn khi cà chua được nấu chín. Măng tây và bí cũng cung cấp nhiều chất chống oxy hóa hơn khi nấu chín.

Chế độ ăn thuần chay thô thường không cân bằng về mặt dinh dưỡng nên dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, có nguy cơ thiếu vitamin B12, canxi và sắt cao hơn những người có chế độ ăn khác. Điều đáng nói là chế độ ăn này "bỏ lỡ" protein, vitamin D, iốt… và việc thiếu những thực phẩm tăng cường vi chất làm tăng nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng, nhất là đối với trẻ em.

Nếu bạn quyết tâm thực hiện chế độ ăn thuần chay thô, điều nên làm là tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng có thể tư vấn một kế hoạch ăn kiêng để giúp bạn nhận được đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu.

Cần lưu ý, có một số người không nên ăn chay vì những lý do sức khỏe. Theo ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, những đối tượng đang trong giai đoạn đặc biệt không nên ăn chay như: trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh nhân đang điều trị đặc biệt như hóa trị, sau phẫu thuật cần dinh dưỡng để phục hồi… 

Theo suckhoedoisong.vn