leftcenterrightdel
 Tỏi – loại gia vị giúp tăng thêm hương vị cho món ăn của bạn, có khả năng hạ huyết áp và cholesterol (Ảnh minh hoạ)

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đột quỵ (tai biến mạch máu não) là dạng tổn thương não xảy ra do dòng máu cung cấp cho não đột ngột bị giảm đáng kể hoặc bị gián đoạn hoàn toàn. Lúc này, não sẽ bị thiếu oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não, dẫn đến tình trạng tế bào não chết hàng loạt chỉ trong vài phút.

Các hậu quả nghiêm trọng của đột quỵ có thể kể đến như, bị tê liệt hoặc yếu một bên (hoặc cả hai bên) cơ thể, khó nuốt, khó cử động, gặp vấn đề thị giác (không tập trung nhìn được, có điểm mù, vấn đề với tầm nhìn ngoại vi), khó khăn trong giao tiếp, rối loạn cảm xúc, trầm cảm. Nghiêm trọng hơn, người bệnh đột quỵ sẽ bị tử vong hoặc sống thực vật nếu không được điều trị kịp thời.

Trước kia, người ta thường nghĩ, đột quỵ không thể phòng tránh nhưng sự tiến bộ của y học đã chứng minh bệnh có thể được phòng ngừa, trong đó ăn uống lành mạnh cũng góp phần hạn chế nguy cơ bị đột quỵ. Vậy đâu là những thực phẩm phòng ngừa đột quỵ?

Sức khỏe tim mạch, cân nặng và đột quỵ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, những thực phẩm có khả năng giúp chúng ta duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường có thể giúp hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Vậy ăn tỏi có phòng đột quỵ? Tỏi – loại gia vị giúp tăng thêm hương vị cho món ăn của bạn, có khả năng hạ huyết áp và cholesterol, giảm độ cứng động mạch, làm chậm tốc độ vôi hóa động mạch vành. Từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ.

Nên ăn gì sau đột quỵ?

Đột quỵ là vấn đề sức khỏe nguy hiểm, biến chứng lâu dài, thời gian phục hồi chậm. Do đó, không chỉ quan tâm ăn gì phòng ngừa đột quỵ mà người bệnh cũng nên tìm hiểu sau khi đột quỵ nên ăn gì để mau phục hồi.

Người bệnh sau đột quỵ nên ăn đa dạng hóa các loại thực phẩm bởi một loại không thể cung cấp đầy đủ toàn bộ các chất dinh dưỡng. Mỗi chất sẽ đóng vai trò khác nhau đối với sự phục hồi sau đột quỵ. Do đó, tốt nhất nên thay đổi các loại thức ăn và chú ý ăn nhiều loại thức ăn hơn.

Người bệnh sau đột quỵ cần chọn chế độ ăn cầu vồng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người vừa bị đột quỵ hoặc muốn tìm thực phẩm phòng ngừa đột quỵ. Theo chế độ ăn này, bạn nên kết hợp các loại rau củ, trái cây nhiều màu sắc với nhau, bao gồm: nhóm thực vật màu đỏ – màu cam và vàng – màu xanh – màu xanh dương và tím.

Người bệnh sau đột quỵ hạn chế chất béo bão hòa, thực phẩm giàu cholesterol. Cholesterol xấu tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ cao nhất.

Bạn cũng cần giảm lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày để mau phục hồi và hạn chế tái đột quỵ lần nữa. Lý do là, tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng huyết áp, nguy cơ béo phì và tiểu đường loại 2 cao, dễ bị rối loạn lipid máu - các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Do đó, người bệnh nên ưu tiên thực phẩm có chứa lượng đường thấp hoặc không chứa đường.

Ăn quá mặn sẽ khiến cơ thể bị tích nước và dễ làm tăng huyết áp do lượng natri trong cơ thể cao. Do đó, các món ăn cho người bị đột quỵ hoặc phòng tránh đột quỵ nên có lượng natri thấp.

Người bị đột quỵ nên kiêng ăn gì?

Bên cạnh việc bổ sung kiến thức về thực phẩm lành mạnh, ăn gì phòng ngừa đột quỵ tốt, chúng ta cũng nên lưu ý về các loại thực phẩm nên kiêng ăn khi bị đột quỵ hoặc giúp phòng chống đột quỵ. Người bị đột quỵ nên hạn chế ăn thịt đỏ, bơ, các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ.

Người bị đột quỵ cần hạn chế ăn bánh kẹo, thực phẩm ngọt (đặc biệt là thực phẩm sử dụng chất làm ngọt nhân tạo), rượu bia, các loại thực phẩm có sử dụng quá nhiều muối, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn có chất bảo quản.

Theo vov