1. Mối quan hệ giữa HIV và dinh dưỡng
HIV có thể gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Hay nói cách khác AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. HIV tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể, phá hủy các tế bào bạch cầu – những tế bào của cơ thể có tác dụng chống lại nhiễm trùng.
Hiện nay, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống lâu và khỏe mạnh nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
Liệu pháp kháng virus đảm bảo lượng virus trong máu duy trì ở mức thấp không thể phát hiện được. Những người có tải lượng virus thấp có thể sống lâu, khỏe mạnh mà không có nguy cơ mắc bệnh AIDS và không làm lây nhiễm HIV cho người khác.
Tuy nhiên ngay cả khi được kiểm soát tốt, HIV vẫn gây ra mức độ viêm nhiễm thấp, gây tổn hại cơ thể theo thời gian dài. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người nhiễm HIV có nhu cầu cao hơn về một số chất dinh dưỡng nhất định như protein.
Người bệnh cũng có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng hơn so với người bình thường, bao gồm các loại vitamin D, B6, B12, E, folate, selen… Đây là những chất đóng vai trò thiết yếu trong khả năng miễn dịch.
Không những vậy, ở bệnh nhân HIV đang điều trị, liệu pháp ART gây cản trở khả năng chuyển hóa glucose (đường) và chất béo của cơ thể, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường…
Đó là lý do người nhiễm HIV và những người bệnh đang ARV, cần tuân theo chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và bổ sung một số chất dinh dưỡng thích hợp nhằm nâng cao miễn dịch, cải thiện tác dụng phụ liên quan đến thuốc.
Trái cây, rau quả có thể kiểm soát tình trạng viêm ở người HIV.
2. Dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS
Ở người nhiễm HIV, dù chưa hoặc đang điều trị thuốc ARV, phần lớn có cơ thể khá gầy, cơ teo do bị virus tấn công tất cả các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, do một số bệnh nhiễm trùng kèm theo nên khiến người bệnh ăn không thấy ngon miệng và bỏ bữa. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần cân bằng các nhóm thực phẩm sau:
- Trái cây, rau quả có thể kiểm soát tình trạng viêm: Trong trái cây, rau củ chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể, chống viêm và nhiễm trùng. Nên tiêu thụ các loại thực phẩm bao gồm trái cây tươi, rau lá màu xanh đậm (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh), các sản phẩm có màu đỏ, cam, vàng (ớt vàng, cà rốt), các loại đậu… Tuy nhiên, cần đảm bảo rửa sạch trái cây, rau củ quả trước khi ăn sống hoặc nấu để loại bỏ vi khuẩn có hại.
- Protein giúp duy trì khối lượng cơ bắp: Người nhiễm HIV nên bổ sung thực phẩm giàu protein trong tất cả các bữa ăn, chẳng hạn như thịt bò, thịt gà, cá, trứng, thực phẩm từ sữa, các loại hạt, bơ, đậu. Protein rất quan trọng để duy trì khối lượng cơ bắp vì những người nhiễm HIV dễ bị ảnh hưởng lâu dài do tình trạng viêm trên mô cơ. Protein giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường năng lượng, hỗ trợ hệ miễn dịch.
- Chất xơ giúp tăng cường hấp thụ dinh dưỡng: Các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt, ngũ cốc… Chất xơ giúp cơ thể cải thiện mức cholesterol, cân bằng lượng đường trong máu và giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhất.
Người nhiễm HIV/AIDS nên bổ sung thực phẩm giàu protein.
- Các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất: Thực đơn dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS cần tập trung vào các thực phẩm nguồn gốc thực vật, protein và chất xơ. Những thực phẩm này đảm bảo đủ nhu cầu vitamin, khoáng chất và carbohydrat, giúp cơ thể chống lại các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc kháng virus.
Vitamin D, canxi có trong sữa, cá… giúp xương chắc khỏe, tránh tình trạng loãng xương ở người bệnh. Sắt trong các loại thịt đỏ là thành phần quan trọng của máu. Sắt có trong các loại rau lá xanh, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, gan,…
Các loại chất béo "tốt" có trong các loại dầu thực vật như dầu oliu, các loại cá… giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, thúc đẩy sự phát triển của tế bào.
- Nước giảm mệt mỏi, tăng cường trao đổi chất: Nước không chỉ giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, cải thiện tiêu hóa, đào thải các chất độc mà còn giúp điều chỉnh thân nhiệt, kiểm soát cân nặng và giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Người nhiễm HIV/AIDS nên uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
3. Những lưu ý khác cho người nhiễm HIV/AIDS
- Đảm bảo an toàn thực phẩm: Những người nhiễm HIV/AIDS dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn vì HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch. An toàn thực phẩm giúp bảo vệ người bệnh khỏi các tác nhân nhiễm trùng lây truyền qua đường thực phẩm.
Đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách rửa tay trước và sau khi ăn, rửa sạch các loại thực phẩm, không sử dụng những thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, chỉ tiêu thụ các sản phẩm tiệt trùng…
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ biến chứng liên quan HIV và ARV như nồng độ lipid máu cao, mất khối lượng cơ bắp. Đồng thời, các hoạt động vận động cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần của người bệnh.
- Chăm sóc sức khỏe tâm thần: Cuộc chiến chống lại HIV là cuộc chiến "trường kỳ". Chính vì vậy, luôn lạc quan, yêu đời và vui vẻ là chìa khóa tốt nhất để người bệnh luôn khỏe mạnh.
- Loại bỏ những thói quen độc hại: Người nhiễm HIV cần bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia để tránh những biến chứng về sức khỏe.
- Đảm bảo tuân thủ chỉ định điều trị: Tuân theo chỉ định của bác sĩ để điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng cân bằng giúp cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng mức năng lượng và duy trì trọng lượng cơ thể và sức khỏe. Đây là một trong những phần quan trọng trong chiến lược tổng thể chống lại HIV/AIDS.
Theo suckhoedoisong.vn