|
|
Virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống nội tiết của con người. Ảnh:Shutterstock. |
Theo đó, nghiên cứu cho biết thông thường, virus có thể gây tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn cơ quan nội tiết bằng cách tấn công trực tiếp vào các tế bào nội tiết hoặc thông qua những cơ chế gián tiếp.
Bằng cách này, virus sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch chống virus trong cơ thể vật chủ, dẫn đến viêm bộ phận, toàn thân hoặc tự miễn dịch và gây ra một số bệnh nội tiết nhất định.
Việc tổng hợp thêm dữ liệu về chúng sẽ mở ra những hướng đi mới để kiểm soát bệnh nội tiết. Trong đó, SARS-CoV-2 và SARS-CoV là 2 loại virus được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh nội tiết như thế nào?
Trang News Medical thông tin 2 loại virus SARS-CoV-2 và SARS-CoV có 80% đặc điểm giống nhau và xâm nhập vào tế bào chủ bằng cách liên kết protein gai (S) của chúng với enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2). Điều này được biểu hiện rõ rệt ở một số tuyến nội tiết như vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp và tuyến thượng thận.
Trong đó, virus SARS-CoV-2 thường làm rối loạn trục chính vùng dưới đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA) và hệ thống thần kinh nội tiết của con người. Nó điều chỉnh cân bằng nội môi bằng cách kích thích vùng dưới đồi tiết ra hormone giải phóng corticotropin (CRH). Ngoài ra, nó cũng kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra hormone hướng đến vỏ thượng thận (ACTH) và kích thích tiết cortisol từ tuyến thượng thận.
Nhiễm SARS-CoV-2 sẽ gây ra rối loạn nồng độ prolactin, hormone tăng trưởng (GH), hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Không những vậy, nhiễm SARS-CoV-2 cũng làm tăng nồng độ interleukin-6 (IL-6) trong huyết thanh và hạ natri máu, một triệu chứng của rối loạn điện giải. Việc tăng nồng độ Il-6 còn gây nhiễm độc giáp và TSH huyết thanh thấp ở bệnh nhân mắc Covid-19.
|
|
Virus SARS-CoV-2 được đánh giá là loại virus nguy hiểm, dễ lây lan. Ảnh:CDC. |
SARS-CoV-2 ảnh hưởng hệ thống nội tiết ra sao?
SARS-CoV, SARS-CoV-2 đều có các chuỗi axit amin của ACTH vật chủ để kích hoạt sản xuất kháng thể chống lại virus. Trang News Medical thông tin nhiều nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hóa mô miễn dịch và phát hiện thấy SARS-CoV-2 trong tuyến tụy của bệnh nhân qua đời vì mắc Covid-19 (ở cả tế bào ngoại tiết và nội tiết).
Các nghiên cứu ex vivo gần đây cũng chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể nhân lên trong đảo tụy con người, làm hỏng chức năng tế bào beta (bao gồm cả việc tiết insulin được kích thích bằng glucose).
Việc giảm nồng độ hormone testosterone ở nam giới khi mắc Covid-19 cho thấy chức năng của tế bào Leydig bị khiếm khuyết. Tương tự, nếu phụ nữ mắc Covid-19, họ dễ gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc kinh nguyệt ra nhiều bất thường. Thậm chí trong các trường hợp mắc Covid-19 kéo dài, họ còn bị chảy máu sau giai đoạn mãn kinh.
Trang News Medical lý giải điều này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi đột ngột của hormone giới tính trong thời gian mắc Covid-19. Theo đó, các bác sĩ đã sử dụng steroid và heparin có trọng lượng phân tử thấp (LMWH), để kiểm soát tăng đường huyết và kháng insulin ở nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Tuy nhiên, LMWH cũng không hẳn là một phương pháp trị liệu tốt. Dù LMWH có chất ngăn ngừa đông máu nhanh khi người bệnh mắc Covid-19 rơi vào tình trạng nguy kịch, việc can thiệp vào các hormone tuyến giáp là điều không xảy ra trong sản xuất huyết thanh. Do đó, trang News Medical nhận định điều quan trọng là phải theo dõi tình trạng bệnh nội tiết của bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo zingnews