Áp lực tuổi thiếu niên liên quan đến nhiều bệnh khi trưởng thành
Cập nhật lúc 10:04, Thứ sáu, 23/02/2024 (GMT+7)
Mức độ căng thẳng cao liên tục từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa cao hơn.
heo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người có mức độ căng thẳng cao hơn từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành có nhiều khả năng bị huyết áp cao, béo phì và những nguy cơ tim mạch chuyển hóa khác so với nhóm người cùng tuổi ít gặp căng thẳng hơn.
Các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, bao gồm béo phì, tiểu đường loại 2 hoặc tiền tiểu đường, cholesterol cao và huyết áp cao.
Các tác giả đã phân tích thông tin sức khỏe của 276 người tham gia Nghiên cứu sức khỏe trẻ em Nam California (Mỹ). Những người tham gia được đồng hành bởi cha mẹ của họ trong 2 lần đánh giá, vào tuổi trung bình 13 và khoảng 24 tuổi. Mức độ căng thẳng được đo bằng thang đo căng thẳng nhận thức gồm 4 mục và phân thành 4 nhóm: căng thẳng cao liên tục, giảm dần căng thẳng, gia tăng căng thẳng và căng thẳng liên tục ở mức thấp.
Phân tích cho thấy mức độ căng thẳng cao liên tục từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa cao hơn. Tương tự, nhóm có mức căng thẳng tăng dần theo độ tuổi cũng biểu hiện sức khỏe mạch máu kém hơn, tổng lượng mỡ trong cơ thể cao hơn, nhiều mỡ quanh bụng và nguy cơ béo phì cao hơn so với những người giảm dần căng thẳng theo thời gian.
Thành viên nhóm tác giả, tiến sĩ Fangqi Guo - Trường Y Keck, Đại học Nam California, Los Angeles (Mỹ) - cho biết: “Hiểu được tác động của những áp lực từ thời thơ ấu là điều quan trọng để ngăn ngừa, giảm bớt hoặc quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa ở tuổi trưởng thành”.
Theo phụ nữ TPHCM