leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng thiếu thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như bệnh viêm phổi và viêm họng liên cầu khuẩn đang lan rộng tại Australia, trong bối cảnh gia tăng đột biến các ca nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A ở trẻ em.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, cuối tháng 12/2022, Cục Quản lý Dược phẩm Australia đã cảnh báo nguy cơ thiếu hụt các loại kháng sinh dòng amoxicillin, cefalexin và metronidazole.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm bang New South Wales Adele Tahan cho biết tình trạng thiếu các loại thuốc kháng sinh như amoxicillin là do vấn đề hậu cần, cụ thể là chuỗi cung ứng dược phẩm từ nước ngoài đang bị trì trệ.

Giáo sư Tahan cho biết Australia không phải là quốc gia chuyên sản xuất thuốc.

90% lượng thuốc có sẵn tại Australia là nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn của ngành y tế Xứ Chuột túi vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Trong thời gian gần đây, giá thuốc kháng sinh ở Australia đã giảm đáng kể và nước này chỉ chiếm 2% thị trường dược phẩm toàn cầu.

Do đó, Australia không còn là thị trường trọng điểm của nhiều nhà sản xuất quốc tế và không dành được ưu tiên về nguồn cung.

Tuy nhiên, tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn khi dịch bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ em.

Dược sỹ Andrew Farmer ở thành phố Melbourne (bang Victoria) chia sẻ ông đã phải tìm kiếm các phương án kê đơn thuốc thay thế, để người bệnh có thể được chữa trị kịp thời khi không thể mua các loại kháng sinh phổ biến nói trên.

Ông Farmer nhấn mạnh việc thiếu thuốc kháng sinh đang lan rộng và đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuần trước, giới chức y tế bang New South Wales đã kêu gọi các cộng đồng địa phương cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm khuẩn xâm lấn, liên quan tới bệnh não mô cầu xâm lấn và bệnh liên cầu khuẩn nhóm A.

Thông báo của cơ quan y tế bang New South Wales cho biết số ca mắc bệnh não mô cầu xâm lấn đã tăng trên mức trung bình trong những tháng cuối năm 2022.

Trong khi đó, số ca mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm A đã tăng trên khắp cả nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới./.

Theo vietnamplus